Xuất, dự báo

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của tỷ giá hối đoái lên cán cân thương mại tại Việt Nam (Trang 33 - 35)

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tại Việt Nam có tác động đến cán cân thương mại của từng mặt hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, không tồn tại một mô hình tỷ giá duy nhất; đồng thời việc tác động của tỷ giá đối với từng ngành hàng là khác nhau.

Hiện nay, sức cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam trên thị trường thế giới chưa cao, nhiều mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, việc phá giá đồng nội tệ có thể giúp cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu do giá cả hàng hoá của Việt Nam khi đó rẻ hơn đối với người nước ngoài, nhưng cũng làm cho giá trị của hàng nhập khẩu tăng lên do các nhà nhập khẩu phải trả thêm một lượng tiền để bù vào phần chênh lệch tỷ giá; đặc biệt đối với các mặt hàng phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài để sản xuất. Điều này dẫn đến hiệu quả từ việc điều chỉnh tỷ giá chưa cao. Trong thời gian tới, để chính sách tỷ giá đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hoá cả trong nước và trên thị trường thế giới.

26

CHƯƠNG 3: KẾT LUẬN

Nghiên cứu xem xét tác động của tỷ giá hối đoái lên cán cân thương mại Việt Nam dựa trên việc nghiên cứu tác động tỷ giá thực song phương lên cán cân thương mại của từng nhóm hàng hóa giữa Việt Nam và đối tác Mỹ. Mẫu nghiên cứu bao gồm 10 nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với đối tác Mỹ trên cơ sử dụng dữ liệu nghiên cứu theo tháng, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018.

Mặc dù đây không phải là đề tài mới và đã có nhiều nghiên cứu về tác động của tỷ giá lên cán cân thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, các bài nghiên cứu trước đây đều sử dụng tỷ giá thực đa phương, cán cân thương mại và thu nhập quốc dân (GDP) của các quốc gia là đối tác thương mại với Việt Nam. Trong bài nghiên cứu này tác giả đã đi theo hướng mới là đi sâu nghiên cứu vào tác động của tỷ giá thực song phương lên cán cân thương mại của từng nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với đối tác thương mại lớn.

Trong giai đoạn khảo sát từ năm 2011 đến năm 2018, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa tỷ giá thực song phương và cán cân thương mại. Điều này có nghĩa là có sự tác động giữa tỷ giá lên cán cân thương mại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, tác động này là khác nhau đối với từng mặt hàng; đồng thời có những hàng hóa có tác động trong ngắn hạn và dài hạn; có những hàng hóa chỉ có tác động trong ngắn hạn, không có tác động trong dài hạn, hoặc ngược lại. Nghiên cứu không ủng hộ hoàn toàn hiệu ứng đường cong J. Bởi vì, khi đi nghiên cứu sâu vào từng nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu thì tác giả nhận thấy tùy thuộc vào đặc tính của từng ngành hàng, có nhóm hàng phù hợp, có nhóm hàng không phù hợp với hiệu ứng đường cong J. Nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Burçak Müge Tunaer Vura (2016).

Nghiên cứu cho thấy, không tồn tại một mô hình tỷ giá duy nhất. Do đó, khi thực thi chính sách tỷ giá nhằm góp phần cải thiện cán cân thương mại, Chính phủ cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác (thu nhập quốc dân, lạm phát, các chính sách hạn chế của chính phủ, năng lực sản xuất …) và cần cân nhắc khi phá giá đồng nội tệ.

Ngoài ra, Chính phủ cần kết hợp đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu, giảm nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Trong thời gian tới, tác giả sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu thêm tác động của tỷ giá thực song phương lên cán cân thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác thương mại lớn khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của tỷ giá hối đoái lên cán cân thương mại tại Việt Nam (Trang 33 - 35)