Hình thức đào tạo cử tuyển được quy định rõ ràng trong Nghị định 134 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Hội đồng cử tuyển các cấp có thể căn cứ vào các văn bản hướng dẫn để xét đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, cũng như công tác bố trí, phân công công việc cho người học sau khi tốt nghiệp.
Riêng đào tạo theo địa chỉ thì, chưa có văn bản quy định và hướng dẫn rõ ràng. Công văn hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định: “đơn vị có nhu cầu sử dụng nhân lực phải cam kết sẽ tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp về làm việc tại đơn vị”
15. Còn lại những vấn đề về đối tượng, tiêu chuẩn thì không có quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý khi các bên vi phạm cam kết hoàn toàn không được đề cập đến. Quy định pháp luật không rõ ràng sẽ tạo ra một lỗ hổng trong quản lý, các đơn vị cử người đào tạo theo địa chỉ hoặc người học sẽ không thực hiện cam kết. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng không sử dụng nguồn nhân lực đào tạo theo đúng mục tiêu ban đầu là đào tạo để sử dụng cho những nơi còn thiếu và cần nguồn nhân lực.
Thực tế tại tỉnh Cà Mau, theo cán bộ quản lý đào tạo nhân lực của Sở Y tế, khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đào tạo theo địa chỉ, các thí sinh không bắt buộc phải cam kết sẽ phục vụ cho nơi đăng ký đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Và khi không có bất kỳ sự cam kết nào cũng như không có sự ràng buộc nào để người học quay trở về phục vụ theo mục đích của chính sách đào tạo theo địa chỉ. Về phía Sở Y tế cũng không cam kết sẽ nhận người, phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Những quy định lỏng lẻo trong chính sách đào tạo theo địa chỉ là kẽ hở để cả người học và tổ chức đào tạo theo địa chỉ có thể không thực hiện nghĩa vụ của mình trong khi được hưởng quyền lợi từ chính sách.