Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công hay thất bại của một tổ chức. Ở các công ty xây dựng, nguồn nhân lực bao gồm nhiều thành phần: các nhà quản lý (khoảng 10% số lượng nhân viên), các nhân viên nghiệp vụ (15%), nhân viên kỹ thuật (20%) và đội ngũ công nhân (50%). Tùy thuộc vào tầm cỡ của công ty, quy mô và thời điểm của công trình mà tỉ lệ này có khác nhau, cụ thể là ở số lượng công nhân thời vụ. Nói chung, các công ty TNHH xây dựng thường có một cơ cấu gọn nhẹ, đơn giản nhưng rất năng động để có thể đáp ứng nhiều loại công trình khác nhau. Từ các công trình nhỏ với số lượng công nhân chỉ vài chục người đến các công trình có giá trị vài chục tỉ đồng với một lực lượng lao động đến vài trăm người. Với đặc điểm riêng như vậy nên các công ty TNHH xây dựng phải luôn nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn. Đó là “chất” riêng của mỗi công ty.
Về chất lượng nguồn nhân lực, các công ty TNHH xây dựng rất quan tâm đến đội ngũ quản lý và trình độ tay nghề của công nhân. Đây là điểm tạo nên lợi thế cạnh tranh cho công ty. Tuy nhiên, các nhà quản lý phần lớn đều là các nhà kỹ thuật (kiến trúc sư, kỹ sư), họ vừa chịu trách nhiệm về lãnh vực chuyên môn, vừa đảm trách vai trò của nhà quản lý. Tùỳ theo các cấp quản trị mà mức độ có khác nhau, nhưng phần lớn họ đều không được trang bị kỹ năng về quản lý. Đây là điểm yếu lớn nhất về quản trị nhân sự ở các công ty TNHH xây dựng. Mặt khác, sản xuất xây dựng với một lực lượng lao động đông đảo, phức tạp và với điều kiện làm việc trực tiếp ngoài trời rất nặng nhọc nên các nhà quản lý giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc chung và chất lượng của cả công trình. So sánh với các đối thủ cạnh tranh khác, nếu các công ty quốc doanh có ưu thế về số lượng lao động, các công ty nước ngoài ưu điểm về trình độ quản lý thì các công ty TNHH xây dựng luôn có một cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, thích nghi với cơ chế thị trường, tuy phải nâng cao các kỹ năng về quản lý. Văn hóa tổ chức cũng chính là một ưu thế khác của công ty TNHH xây dựng. Với một cơ cấu gọn nhẹ nên mọi thành viên đều dễ dàng hòa nhập, gắn bó với tổ chức và tạo nên một môi trường làm việc tốt. Chính phong cách quản lý theo nền văn hóa Á Đông (cụ thể là mô hình quản lý của Nhật Bản) sẽ tạo điều kiện cho công ty áp dụng MBO một cách thành công.
Tóm lại, qua việc tìm hiểu và phân tích môi trường hoạt động của các công ty TNHH xây dựng đã cho thấy những cơ hội và nguy cơ, cũng như những điểm mạnh và điểm yếu của các công ty TNHH xây dựng TPHCM. Cụ thể như trong hoạt động đấu thầu cạnh tranh, các nhân tố khách quan cũng như chủ quan đã tác động trực tiếp đến kết quả đấu thầu của công ty. Ngoài công ty cũng chưa tận dụng và ứng phó hiệu quả với các yếu tố từ môi trường bên ngoài, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên với một số ưu thế riêng, các công ty TNHH xây dựng đã và
đang từng bước khẳng định vị trí bên cạnh các đối thủ cạnh tranh. Việc nhận dạng các yếu của môi trường cùng với các cơ sở lý luận đã trình bày ở chương 1 sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng chiến lược cạnh tranh ở chương 3 một cách thống nhất và thành công.