GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Một phần của tài liệu Đề án: Đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025 (Trang 40 - 43)

3.1. Nâng cao hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch về xây dựng công trình hạ tầng đô thị

Tổ chức rà soát, điều chỉnh Quy hoạch vùng tỉnh hướng tới tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc theo phạm vi toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Phúc và điều chỉnh Chương trình tổng thể phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan như Quy hoạch kinh tế - xã hội, Kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Khẩn trương đưa các dự án, công trình được ưu tiên đầu tư vào trong các quy hoạch, tránh việc phê duyệt dự án không có trong quy hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải công bố công khai về quy hoạch, các dự án ưu tiên đầu tư theo đúng quy định để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

Xác định rõ đối tượng đầu tư để lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch. Các dự án trong danh mục dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư phải được lập hồ sơ và thực hiện đầu tư theo đúng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng. Yêu cầu hoàn thành trong quý IV/2017 để có thể triển khai một số dự án ngay trong năm 2018.

Tổ chức rà soát để điều chỉnh (cắt giảm, dãn, hoãn, dừng) đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kể cả các dự án đã được xác định là dự án trọng điểm mà chưa thực sự cần thiết để đảm bảo nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tấng khung đô thị theo nội dung Nghị quyết này. Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020) vào cuối năm 2017 cho phù hợp.

Xây dựng danh mục các dự án kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cần tập trung ưu tiên đầu tư trong đó mỗi dự án cần bảo đảm phù hợp quy hoạch; sự cần thiết phải đầu tư; tính lan tỏa, khả năng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; hiệu quả đầu tư; khả năng cân đối nguồn vốn. Từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình tập trung thực hiện mỗi dự án không quá 3 năm.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư công, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án bảo đảm hiệu quả và tính khả thi.

3.2. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng thu hút, phát triển doanh nghiệp lớn, có uy tín, năng lực và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, không ảnh hưởng môi trường; khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh, đáp ứng hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các chính sách để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế để lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nhà đầu tư lớn nhằm phát triển

dịch vụ, du lịch chất lượng cao, tạo ra những điểm đến chất lượng, hấp dẫn, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh và có tính kết nối cao, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút, khai thác, huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình lớn, hiện đại thông qua các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn của doanh nghiệp và nhân dân. Tổ chức lập danh mục các dự án cấp thiết cần đầu tư và danh mục quỹ đất đối ứng để khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm thực hiện; ưu tiên các dự án PPP hoàn vốn trực tiếp thông qua loại hợp đồng BOT hoặc BTO.

3.3. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị

Ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản, qui định về quản lý xây dựng; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý triển khai các dự án đảm bảo các quy định hiện hành. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Từng bước cải cách bộ máy nhà nước ở đô thị theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cùng với việc nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị. Kiện toàn các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực và chuyên ngành đảm bảo vận hành có hiệu quả.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị. Kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về gây ô nhiễm môi trường; vi phạm về chế độ sử dụng và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

3.4. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của nguồn vốn đầu tư và chất lượng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị

Căn cứ tình hình phát triển kinh tế trong nước và quốc tế; căn cứ vào nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh và khả năng huy động từ các nguồn vốn khác, lập kế hoạch đầu tư theo các giai đoạn, xây dựng danh mục các công trình trọng tâm, trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị. Xây dựng cơ chế huy động vốn nhằm đáp ứng được tiến độ đầu tư, bố trí vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch hàng năm đảm bảo tập trung, hiệu quả; khai thác tối đa các nguồn thu từ đất, đặc biệt là các dự án phát triển khu công nghiệp, khu đô thị; vận dụng các cơ chế xã hội hóa đầu tư, huy động vốn theo hình thức BOT, BTO, BT và mô hình hợp tác công – tư (PPP); vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA).

Xây dựng kế hoạch tổng thể và phân kỳ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị. Tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng đô thị còn thiếu. Khẩn trương hoàn chỉnh các khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối đô thị với các khu vực xung quanh; đảm bảo chất lượng, tiến độ và xây dựng; phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phân bố lại dân cư.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư tập trung để đầu tư dự án trọng điểm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách (bao gồm cả vốn ODA, vốn vay ưu đãi và các nguồn hỗ trợ từ Trung ương) ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm để thu hút các dự án công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao và thực hiện theo kế hoạch phân bổ hằng năm bảo đảm đúng Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.

Tập trung đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách từ tất cả các nguồn thu, đặc biệt là thu hồi các khoản tạm ứng ngân sách; nợ thuế của các tổ chức,

cá nhân; nợ tiền sử dụng đất của các dự án một cách triệt để; đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.

Linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, nhất là vốn xây dựng nông thôn mới nhằm mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị, tránh chồng chéo, lãng phí.

3.5. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt các chính sách phát triển dân cư và thu hút nguồn nhân lực cao

Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân về công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Thực hiện tốt các chính sách phát triển dân cư, trong đó coi trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từng bước nâng cao số lượng lao động qua đào tạo có tay nghề cao, lực lượng nghiên cứu khoa học đông đảo, có chất lượng cao nhằm tạo nền tảng, hình thành nền kinh tế theo định hướng kinh tế tri thức.

3.6. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội

Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, nhất là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngủ đảng viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

PHẦN 3: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cấp tỉnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh để chỉ đạo toàn bộ các hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị.

2. Giao Sở Xây dựng rà soát điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị liên quan; thực hiện các giải pháp tăng cường chất lượng xây dựng công trình; quản lý đô thị, nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan đô thị.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Sở Tài chính và các ngành có liên quan tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, đảm bảo các dự án có đủ nguồn vốn thực hiện theo lộ trình. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công và các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thực hiện đăng tải dự án thu hút đầu tư; chủ trì xây dựng các cơ chế chính sách nhằm triển khai tốt đề án.

4. Sở Tài nguyên & Môi trường sớm xác định chính xác vị trí đất thương phẩm của các dự án trình UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp cùng Sở Xây dựng trong giới

thiệu địa điểm; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thu hồi và giao đất cho các dự án.

5. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các Sở ngành liên quan xác định giá đất thương phẩm làm cơ sở đấu giá; Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai phương án phát hành trái phiếu địa phương theo quy định tạo nguồn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung đô thị.

6. Ban bồi thường – GPMB và phát triển quỹ đất phối hợp cùng Sở Tài chính, Tài nguyên & Môi trường và Sở Tư pháp hoàn thiện các thủ tục đấu giá đất thương phẩm tạo nguồn vốn theo quy định.

7. Sở Công thương: Kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực để đảm bảo hệ thống cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông (mạng thông tin di động, mạng truyền dẫn…); quy định ngầm hóa mạng ngoại vi…

- Định hướng các doanh nghiệp trong ngành triển khai và hoàn thiện hạ tầng viễn thông. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo phù hợp với chương trình khung và các Quy hoạch của ngành.

9. Nhiệm vụ các huyện, thành, thị, các tổ chức chính trị, xã hội:

- UBND các huyện, thành, thị phối hợp với các ngành trong việc lập quy hoạch, giới thiệu địa điểm, thẩm định dự án, bồi thường - giải phóng mặt bằng và các công việc khác có liên quan theo nhiệm vụ được giao;

- Ủy ban mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền, động viên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và giám sát cộng đồng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định.

- Đối với các dự án đấu nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc phạm vi ngân sách cấp huyện, xã phải đầu tư, yêu cầu UBND cấp huyện chủ động sử dụng nguồn phân theo nguyên tắc và tiêu chí để thực hiện./.

Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

- TTTU, HĐND tỉnh; - CPCT; CPVP; - Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; - UBND các huyện, thành, thị; - Báo, đài, Cổng TTĐT tỉnh; - Lưu VPTU. CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Trì

Một phần của tài liệu Đề án: Đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(43 trang)
w