Điều 414. Nguyên tắc tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự
1. Việc tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự giữa Toà án Việt Nam và Toà án nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình
đẳng và cùng có lợi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp với pháp luật Việt Nam.
2. Trong trường hợp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự thì việc tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự có thể được Toà án Việt Nam chấp nhận trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Điều 415. Thực hiện uỷ thác tư pháp
1. Toà án Việt Nam uỷ thác tư pháp cho Toà án nước ngoài hoặc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài về việc tiến hành một số hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Toà án Việt Nam không chấp nhận thực hiện việc uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Việc thực hiện uỷ thác tư pháp xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam hoặc đe doạ đến an ninh của Việt Nam;
b) Việc thực hiện uỷ thác tư pháp không thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam.
Điều 416. Thủ tục thực hiện việc uỷ thác tư pháp
1. Việc Toà án Việt Nam uỷ thác tư pháp cho Toà án nước ngoài hoặc Toà án nước ngoài uỷ thác tư pháp cho Toà án Việt Nam phải được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhận được văn bản uỷ thác tư pháp phải chuyển ngay cho Toà án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhận văn bản uỷ thác của Toà án Việt Nam.
Điều 417. Văn bản uỷ thác tư pháp
1. Văn bản uỷ thác tư pháp phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm lập văn bản uỷ thác tư pháp;
b) Tên, địa chỉ của Toà án uỷ thác tư pháp;
c) Tên, địa chỉ của Toà án thực hiện uỷ thác tư pháp;
d) Họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có liên quan đến uỷ thác tư pháp;
đ) Nội dung công việc uỷ thác; e) Yêu cầu của Toà án uỷ thác.
Điều 418. Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận
1. Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được Toà án Việt Nam công nhận nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
2. Giấy tờ, tài liệu lập bằng tiếng nước ngoài phải được gửi cho Toà án Việt Nam kèm theo bản dịch ra tiếng Việt đã được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004.