2001 ĐẾN NĂM 2010
2.2. Từ năm 2006 đến năm 2010
2.2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh
Đại hội X của Đảng (2006) đã tiếp tục khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa được nêu lên trong các văn kiện trước đây và nhấn mạnh tư tưởng phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Đại hội cũng xác định:
“Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc… Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch” [31, tr. 107]
Với quan điểm cụ thể này Đảng ta khẳng định về vai trò và mục đích của việc phát huy, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các KDT lịch sử cách mạng. Gắn phát triển văn hóa, bảo tồn các KDT cách mạng với phát triển kinh tế hạ tầng đồng bộ, kết hợp với văn hóa du lịch hướng về cội nguồn trong tổng thể mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/07/2007 theo Quyết định số 125/2007/QĐ-TTg có mục tiêu tổng quát là : nhằm nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành; huy động sức mạnh của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hoá, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực, là nhân tố góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 còn nhằm ngăn chặn nguy cơ xuống cấp các di tích và sự huỷ hoại văn hoá phi vật thể. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, thắng cảnh và vốn văn hoá phi vật thể để trở thành những sản phẩm văn hoá có giá trị, phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống văn hiến, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá của toàn xã hội nói chung và nhu cầu phát triển du lịch nói riêng. Cùng với đó, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển văn hoá thông tin cơ sở, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa; vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; xoá các điểm trắng về văn hoá, xây dựng những điểm sáng về văn hoá trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống tinh thần.
Chương trình đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc ta như đầu tư tu bổ, tôn tạo 70% di tích lịch sử và cách mạng, 80% di tích kiến trúc nghệ thuật, danh thắng được công nhận di tích cấp quốc gia; hỗ trợ chống xuống cấp khoảng 1.200 di tích khác được công nhận di tích quốc gia.
Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan quản lý điều hành Chương trình, chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư và quản lý thực hiện các dự án của Chương trình theo quy định hiện hành; UBND các tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, chủ động huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện các dự án của Chương trình.
Ngày 10/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Dự án “Điều chỉnh, bổ sung định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010” - Quyết định số 148/2007/QĐ-TTg, với mục tiêu: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về: đất, rừng, di tích lịch sử cách mạng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch chung của Tỉnh; giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong vùng căn cứ cách mạng.” [70, tr. 1-2]
Trong đó có nội dung, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển du lịch:
- Huy động nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử. Tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá ở khu Tân Trào - ATK tại các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh
Thanh, Bình Yên, Hợp Thành, Tú Thịnh (huyện Sơn Dương), Kim Bình (huyện Chiêm Hoá), Kim Quan, Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn);
- Xây dựng lộ trình liên kết các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng quốc gia và các di tích đã được các Bộ, Ngành Trung ương đầu tư xây dựng để thoả mãn nhu cầu của du khách đến với Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng và Thủ đô kháng chiến. Huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch các khu, điểm du lịch, xây dựng điểm du lịch lịch sử Tân Trào trở thành điểm du lịch quốc gia;
- Lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích, giữ môi trường, cảnh quan trong các khu, điểm du lịch.
Những thành quả đạt được trong gần 20 năm đổi mới và những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ mới. Tuyên Quang có tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, chất lượng nguồn nhân lực và lịch sử văn hóa. Địa kinh tế của tỉnh sẽ thay đổi sau khi có thủy điện Tuyên Quang, có đường sắt, có đầu mối đường Hồ Chí Minh. Nhưng thách thức lớn nhất là nền kinh tế của tỉnh chậm phát triển so với các tỉnh trong khu vực; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV họp từ ngày 10 đến ngày 13/12/2005 đã xác định nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong thời kỳ mới là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng
công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp. Quán triệt phương châm là “chớp thời cơ, đột phá mạnh, liên kết rộng, hợp tác sâu”. Động lực của tỉnh là truyền thống lịch sử văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao quyết tâm chính trị, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy kinh tế, chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đoàn kết
toàn dân. Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, chủ động hội nhập kinh tế; đột phá mạnh trên các lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, giao thông, thông tin, các chính sách khuyến khích ưu đãi và kêu gọi đầu tư, cải cách hành chính, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Phương hướng chung trong những năm 2006 - 2010 mà Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đề ra là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2010, tỉnh Tuyên Quang có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh; phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, đồng thời tiếp tục coi trọng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường; tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo; phấn đấu đến năm 2010 cơ bản Tuyên Quang thoát khỏi tỉnh nghèo.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề cập đến phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá:
“Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá - thông tin. Thực hiện tốt công tác quản lý, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm hội nghị tỉnh, Quảng trường tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh…” [23, tr. 39].
Để phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2006 - 2010, cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát
triển mạnh du lịch. Nhằm khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 12/6/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) “về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010” đã xác định “đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã nêu: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hoá, khôi phục các lễ hội truyền thống, các nghề truyền thống”, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu của du lịch, là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Tuyên Quang, với mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2010, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP đạt 35%, trong đó ngành du lịch chiếm trên 8%; đón trên 500.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 30%, có trên 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn một sao trở lên.
Tổng doanh thu xã hội của ngành du lịch đạt trên 500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 26%; tạo cơ hội cho trên 8.000 lao động có việc làm trong ngành du lịch”.
Nghị quyết số 10/2007/NQ-HĐND ngày 17/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVI, kỳ họp thứ 8 về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020 đã đưa ra quan điểm phát triển:
“Xây dựng phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin Tuyên Quang đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại, trên cơ sở bảo tồn, phát huy và kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá tiên tiến.
Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá; đẩy nhanh phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá, đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Xã hội hoá các hoạt động văn hoá - thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động các nguồn lực trong nhân dân và xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin, hoàn chỉnh các thiết chế văn hoá.” [39, tr. 3]
Mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin của tỉnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào văn hoá, thông tin cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dịch vụ văn hoá, thông tin. Phấn đấu đến năm 2020, Tuyên Quang là tỉnh có sự nghiệp văn hoá, thông tin phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc; nhân dân có đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, mức hưởng thụ văn hoá được nâng cao.
Trên đây là những chủ trương mà Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến trên đại bàn tỉnh nói riêng. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh khá toàn diện, bao quát nhiều khía cạnh và cũng chính là nhiệm vụ mà cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang phải đoàn kết để giải quyết thắng lợi.