Chủ trương của Đảng bộ tỉnh

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh tuyên quang lãnh đạo bảo tồn , phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng từ 1996 den nam 2010 (Trang 35 - 39)

2001 ĐẾN NĂM 2010

2.1.1.Chủ trương của Đảng bộ tỉnh

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) tiếp tục nhấn mạnh vị trí của văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, khẳng định sức sống lâu bền của những quan điểm, tư tưởng nêu trong Nghị quyết Trung ương năm (khóa VIII). Đại hội đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” [29, tr. 114]. Quan điểm coi văn hoá là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của Đảng là quan điểm khoa học, hiện đại và mang tính thực tiễn cao, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay. Chúng ta phải đặc biệt chú trọng nâng cao tầm nhìn, tầm văn hoá trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực khác nhau. Hiểu biết sâu sắc thời đại và dân tộc là điểm xuất phát quan trọng để chúng ta đề ra được chủ trương và hành động đúng.

Ngày 29/6/2001, kỳ họp thứ chín Quốc hội khoá X nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa được ban hành nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia

bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây rõ ràng là một bước tiến, thể hiện sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân về tài sản văn hóa quốc gia.

Nhằm khai thác có hiệu quả những giá trị lịch sử trong giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng đối với thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ngày 28/8/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 15- CT/TW “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Ban Bí thư đặt ra nhiệm vụ cho những năm tiếp theo là bổ sung, hoàn chỉnh những công trình lịch sử đã có, tiếp tục nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng và lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương đến hết năm 2000.

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư cũng đã quy định những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương và toàn thể đảng viên.

Tháng 7 năm 2004, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá VIII. Nghị quyết kết luận: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước” [30, tr. 242]. Kết luận quan trọng này là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương năm khoá VIII từ năm 1998.

Với tinh thần Dân chủ, Trí tuệ, Kỷ cương, Đoàn kết, Sáng tạo, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIII từ ngày 14 đến ngày 17/12/2000,

diễn ra vào thời điểm lịch sử trọng đại: kết thúc thế kỷ XX, chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2001 - 2005: “hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải nhận rõ tình hình, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn trở ngại, đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, tìm cách “đi tắt đón đầu”, khai thác mọi tiềm năng, mở rộng hợp tác, liên kết, liên doanh, phát huy nội lực và những lợi thế, tranh thủ vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo nên sự phát triển nhanh ngay những năm đầu thể kỷ XXI” [22, tr. 51-52].

Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh với những mục tiêu cụ thể:

“Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Phong trào người tốt, việc tốt”. Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nâng cao tính văn hoá trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Chuyển mạnh các hoạt động văn hoá - thông tin về cơ sở, tiếp tục đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá để nâng mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Bảo tồn, phát huy vốn văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc. Sử dụng có hiệu quả các nhà văn hoá trung tâm cụm xã, các tủ sách xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học…

Từng cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học, các đơn vị cần sưu tầm gìn giữ tài liệu, hiện vật truyền thống của đơn vị. Nghiên cứu, biên tập để sớm xuất bản lịch sử, địa chí tỉnh Tuyên Quang.

Làm tốt hơn nữa việc bảo vệ, quản lý, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh, khai thác có hiệu quả phục vụ cho giáo dục truyền thống, tham quan du lịch.

Xây dựng Nhà bảo tàng tổng hợp, Thư viện khoa học tổng hợp, Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, Nhà văn hoá trung tâm huyện, thị xã; tăng cường chất lượng hoạt động các nhà văn hoá - thể thao trung tâm cụm xã.” [22, tr. 70].

Thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về di sản văn hóa, ngày 26/9/2001, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 27/NQ-TU về việc lập dự án tôn tạo, quy hoạch các KDT lịch sử cách mạng, với mục tiêu:

Khảo sát, nghiên cứu toàn diện về các KDT, đánh giá đầy đủ về thực trạng của các KDT lịch sử cách mạng;

Kết hợp các biện pháp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, cải tạo môi trường cảnh quan nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn lâu dài và phát huy hiệu quả giá trị của khu di tích;

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra quần thể các điểm tham quan du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, kháng chiến, “uống nước nhớ nguồn” và nâng cao lòng tự hào dân tộc.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã có Công văn số 1132-CV/TU chỉ đạo, hướng dẫn và đề ra những mục tiêu cụ thể đối với các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và lãnh đạo các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở nhận thức sâu sắc vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhân dân, kịp thời lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đảm bảo tính đảng, tính khoa học.

Kết quả đạt được trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ nhận thức, lý luận, rèn luyện phẩm chất đạo đức và giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tình cảm yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh tuyên quang lãnh đạo bảo tồn , phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng từ 1996 den nam 2010 (Trang 35 - 39)