Phòng bếp nói chung và phòng ăn nói riêng không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng, ăn uống hàng ngày mà theo phong thủy nó còn có quan hệ rất lớn tới vấn đề tài phú của cả gia đình.
Do được dùng với nhiều chức năng thường là phòng khó giải quyết nhất, ngoài mục đích là nơi lưu trữ, chuẩn bị và tiêu thụ thực phẩm, nhà bếp còn là nơi họp mặt gia đình và bạn bè một nơi vui đùa của trẻ em và đôi khi có thể dùng như một phòng làm việc nữa. So với các phòng khác, nhà bếp là nơi mang dấu ấn về cách sống của một cá nhân nhiều hơn cả.
- Bố trí
Chọn hướng đặt bếp có ảnh hưởng rất lớn đến công năng của nó, đặt bếp ở vị trí nào là điều mà hầu hết những người nhà đều lưu tâm. Không đơn thuần để nấu nướng, theo quan niệm phương đông, việc bố trí khu vực bếp, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự thành bại của gia chủ. Theo quan niệm của người Trung Quốc thì Đông Bắc là hướng tốt nhất để đặt bếp, như đặt bếp trong ngôi nhà này.
Kế tiếp là hướng nam, hướng chính tây. Các hướng khác đều không tốt. Trong nhà bếp, vị trí nào của hỏa lò và chỗ chuẩn bị đồ nấu nướng thường được các chuyên gia phong thủy chú ý nhất.
Cổ nhân khuyên nên đặt lò nấu “ tọa hung hướng cát”, có nghĩa là nằm ở hướng dữ nhưng nhìn về phương lành. Không nên bố trí bếp quá lộ liễu, khiến người ta có thể thấy ngay từ ngoài hoặc để đường từ cửa đâm thẳng vào bếp vì như vậy dễ bị hao tán tài sản. Bệ đặt hỏa lò theo các chuyên gia phong thủy nên tựa đầu vào tường cho vững chãi. Đồng thời nên tránh các góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì điều đó có thể là hại tới hòa khí trong nhà.
Phong thủy học truyền thống cho rằng làm nhà bếp phải cầu "tàng phong tụ khí". Vì thế bếp nấu nhìn thẳng ra cửa chính hoặc sau bếp có cửa sổ đều không lành vì sợ gió thổi làm tắt đi ngọn lửa đầm ấm mang lại sung túc cho gia đình. Mặt khác, bếp thuộc hỏa, kỵ nhất với khí mát lạnh của nước.
Do vậy, thứ nhất nên kiêng để bếp quay về hướng bắc (hướng thủy vượng), thứ hai không đặt bàn nấu trên rãnh, mương, đường nước, và cuối cùng tránh để hỏa lò kẹt giữa hai đồ đạc có mang theo "thủy" như tủ lạnh, bồn rửa, máy giặt...
Theo quan sát ta thấy vị trí đặt hỏa lò của phòng bếp trong ngôi nhà này nằm ở phía đông và hướng về phía tây. Như vậy, theo phong thủy thì cách bố trí này có được xem là hợp lý hay không?
Trường hợp này, chúng ta có thể hiểu như sau: hướng đông ( giáp: 67,60- 82,50, mộc- theo sơ đồ bát quái cẩm trạch ), đây là hướng bệnh tật, hướng này giống với hướng dẫn, nếu không dùng thì an toàn hơn, hướng giáp còn có tên là cung bệnh tật. Theo các chuyên gia phong thủy nếu đặt bếp theo hướng này có thể vận dụng thuận lợi lực của địa long sẽ giống như hướng nhâm, đem lại sự may mắn, giàu sang, quyền cao chức trọng.
Như vậy, việc đặt bếp theo hướng như trên là hợp lý cả về dây chuyền công năng và phong thủy.
Khu vực bàn ăn:
Định vị phòng ăn trong nhà hợp lý hơn cả là kề cận bếp mà vẫn nhìn được ra không gian thoáng đãng bên ngoài nhằm giảm Hỏa, giúp chúng ta không có cảm giác nóng nực và thư giãn tốt hơn.
Cách kết hợp phòng bếp và phòng ăn như trên là sự sắp xếp thích hợp cho những bữa ăn thân mật. Ngoài chỗ ăn nhanh bố trí ngay trong bếp( vị trí quầy bar) như trong hình, chủ nhà đã dành hẳn một không gian sắp xếp bàn ăn riêng biệt.
Chiếc bàn tròn, kết hợp đèn chùm và những đường cong trên vải bọc ghế ăn (tượng trưng cho hành thủy ) là nơi ngồi ăn lý tưởng vì chúng khuyến khích cuộc trò chuyện thêm rôm rả.
Phong thủy có ý nghĩa tượng trưng của nó bởi vì các sự vật trong hoàn cảnh đều có thể phát tán năng lượng với các loại hình nào đó, một số tiêu biểu cho tốt, một số tiêu biểu cho xấu. Vì thế khí do hoa cảnh phóng ra được cho rằng có thể ứng dụng trong các quy phạm phong thủy đặc biệt như bát quái, ngũ hành. Đem chúng kết hợp lại với nhau có thể dựa vào sự ảnh hưởng lẫn nhau của ngũ hành “ tương sinh, tương khắc ” để cân bằng năng lượng.
Phân biệt tính âm và tính dương của hoa cảnh cũng là một phương pháp cân bằng năng lượng. Nếu việc trồng những cây có lá nhọn như tre trúc có thể giúp thu hút năng lượng dương, thì việc trồng một cây rủ cành nơi góc phòng như dưới đây lại có thể giúp tăng năng lượng âm cho phòng bếp, giúp cân bằng năng lượng âm dương, giảm bớt năng lượng của hành hỏa, giúp cho những chúng ta không còn cảm giác nóng nực và cảm thấy thư thái hơn.
Việc hạn chế sử dụng máy móc (TV, máy tính hay các thiết bị nghe nhìn khác) hạn chế hành Kim trong phòng ăn (Kim khắc Mộc). Những thiết bị này vừa có từ tính gây rối loạn từ trường vừa làm mất tập trung cho bữa ăn, nhất là đối với trẻ em.
- Màu sắc
Màu sắc trong bếp hay được chuộng màu gỗ (mộc), màu đỏ sậm (hoả) hoặc màu vàng (thổ). Tủ bếp hiện đại thường làm bằng gỗ chống cháy hoặc inox kết hợp mặt đá, gạch men, nhựa tổng hợp… Nhưng dù bằng vật liệu hay màu sắc gì thì bề mặt bàn và tủ bếp chỉ nên nhẵn và bóng vừa phải, giảm các chi tiết rối mắt và tránh làm nhiều các khe hốc rất khó làm vệ sinh. Cách tính vật liệu và màu sắc theo ngũ hành cần chú ý nguyên tắc rất biện chứng trong vạn vật là “bớt nhiều bù ít, thừa giảm, thiếu tăng”, hay nói cách khác là không nên thiên lệch về một hành nào quá mức. Bếp vốn thuộc hoả, nóng nực nhiều, nếu lại tiếp tục dùng màu tương sinh thì hoả thì sẽ quá vượng, mà có thể bổ sung thêm màu đen hay xanh dương (thuỷ) để khắc chế bớt. Tủ bếp có màu trắng (kim) sử dụng ở đây là hợp lý vì độ sạch sẽ và sáng sủa, dĩ nhiên là cần chú ý khả năng chịu nhiệt và tránh ố vàng do hơi dầu mỡ trong quá trình đun nấu.
Triết lý âm dương ngũ hành cũng được ứng dụng một cách tinh tế và linh hoạt.
Chúng ta có thể nhận ra ngũ hành tương sinh trong thiết kế và bố trí đồ dùng trong phòng bếp này, thủy ( màu đen) sinh mộc ( màu xanh của cây), mộc sinh hỏa ( bếp vốn thuộc hỏa ), hỏa sinh thổ ( màu nâu của nền gạch ), thổ sinh kim (màu trắng của tường và tủ bếp), kim lại sinh thủy. Nghệ thuật phối hợp ba hành để tạo sự tương sinh: vàng- trắng- đen cũng được ứng dụng rất hiệu quả, tạo ra sự quân bình cho không gian bếp.
Một không gian ẩm thực hợp phong thủy ngoài các yếu tố về hướng, cân bằng âm dương, còn cần những bài trí tương sinh ngũ hành theo đặc trưng riêng của phòng ăn là hành Mộc với nguyên tắc Mộc tăng - Hỏa giảm - Kim hạn chế.
Vật liệu cùng với màu sắc và hình dáng của chúng có thể được sử dụng để phát triển, làm hao mòn hay củng cố năng lượng của một khu vực tùy theo sự sinh khắc của ngũ hành.
Các đồ dùng bằng kim loại như thép, crôm,…làm tăng tốc độ lưu chuyển của khí. Bề mặt bóng loáng gợi lên tính hiệu quả và hành động, và do đó kim loại trở nên có ích trong nhà bếp và các khu vực mà năng lượng ứ đọng, như nhà tắm. Bếp với những vật liệu đá ốp lát và inox có độ bóng sáng làm tăng sự thoáng đãng sạch sẽ.
Nhờ phẳng láng và phản chiếu, thủy tinh thường được xếp vào hành Kim và có một vài tính chất tương đồng với kim loại.
Sàn nhà bằng đá thì vững chắc và đặc biệt rất có ích khi được dùng trong nhà bếp. Đá hoa cương thì ngược lại, nó mang tính dương vì nó nhẵn, cứng và bóng. Hoa văn tự nhiên trên đá hoa cương cũng làm liên tưởng đến dòng chảy của hành Thủy. Do đó, ở đây nó được dùng vào làm mặt bàn bếp.
3.6. Phòng thờ
Theo truyền thống của người Việt thì gia đình nào cũng có bàn thờ để thờ cúng tổ tiên, ông bà. Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt.
“ Đặt nơi thờ cúng ở đâu? ” tuy không phải là một câu hỏi mới nhưng luôn là mối băn khoăn của nhiều người, bởi mỗi nhà một hoàn cảnh một quan niệm riêng về không gian tâm linh này. Trong điều kiện nhà ở đô thị không gian thờ cúng có những đặc trưng riêng cần xem xét toàn diện về công năng và phong thủy.
Trong ngôi nhà truyền thống bộ bàn ghế tiếp khách được đặt ngay trước bàn thờ, nhưng trước khi vào chỗ này khách phải đi qua sân, rồi bậc thềm, hàng hiên rồi mới đến không gian trong nhà, nhìn từ ngoài vào hầu như không thấy bàn thờ, đó là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc xung quanh.
Kiến trúc nhà ở nông thôn ít biến đổi, nên kiểu bàn thờ của truyền thống vẫn giữ được những đặc trưng và đặt ở vị trí theo đúng phong thủy trong ngôi nhà. Nhưng với những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, nội thất hiện đại ở thành phố thì hiện nay cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh của ngôi nhà mà vẫn giữ được tính tôn nghiêm nơi thờ cúng. Nhà hiện đại, với diện tích và cấu trúc không gian khác xưa, điều kiện sống và quan niệm trong sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi do vậy người ta thường đặt phòng thờ trên tầng thượng, vừa thoáng khí, vừa có khoảng sân thượng rộng để tập trung nhiều người vào các dịp giỗ tết, giảm các va chạm trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với những ngôi nhà hiện đại như ngôi nhà mà chúng ta đang tìm hiểu trong bài, nhà thường bị vây chặt bởi các nhà chung quanh, nếu đặt bàn thờ dưới tầng trệt ngay trong phòng khách bước vào sẽ khó thông thoáng, thắp nhang nhiều sẽ làm ố vàng cả trần nhà. Do đó việc bố trí phòng thờ ở tầng 3 của biệt thự được xem là hợp lý. Việc xếp đặt gian thờ này đã tuân thủ chặt chẽ và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc truyền thống nêu trên, đó là: Tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên, phía trước bàn thờ là các gian trang trọng. Như vậy phòng thờ đặt tại lầu trên cùng đạt được các tiêu chí này.
Việc bố trí bàn thờ ở hướng Tây Bắc của ngôi nhà như trường hợp biệt thự này là phù hợp với phong thủy, bởi vì, hướng Tây Bắc tượng trưng cho trời.
Không gian thờ cúng không gian mang tính tâm linh trong nhà ở luôn cần đặt yếu tố gần gũi và giáo dục lên hàng đầu để kết nối các thế hệ và giữ vững gia phong nề nếp gia đình. Bàn thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao ( phải leo trèo thiếu an toàn ) hoặc quá thấp ( dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Bàn thờ có được thiết kế như thế nào thì nhất thiết luôn ở vị trí trang trọng có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ rõ sụ ngưỡng vọng thành kính của mình với tổ tiên.
Đối với trường hợp có nhiều tầng thờ như ở đây thì cần phải xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ. Nhà thờ Phật, vì vậy, tượng Phật cần được đặt cao hơn bài vị tổ tiên và nên được đặt ở bàn thờ riêng như trong phòng thờ này là hoàn toàn hợp lý, vì nếu bài vị tổ tiên đặt cao hơn tượng Thần, Phật sẽ khiến trong nhà “hạ phạm thượng”, “nô phụ chủ”, “thiên địa điên đảo”, “Nữ cường nam suy”.
Bản chất trường khí phòng thờ (hay bàn thờ) thuộc tính âm mang tính chất hướng nội, không ưa sự phô trương. Ngay cả trong ngày giỗ hay tết thì thờ cúng cũng là việc riêng của gia đình đó, người ngoài muốn đến thắp nén nhang phải xin phép gia chủ. Về ngũ hành thì bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc là hai hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày. Bàn thờ phải luôn sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.