Tuỳ theo đặc điểm, tính chất, diễn biến; tuỳ theo độ tuổi gia súc; tuỳ theo yếu tố được coi là nguyên nhân chính mà bệnh tiêu chảy được gọi bằng các tên khác nhau như: Bệnh lợn con ỉa phân trắng, bệnh ỉa chảy ở gia súc sau cai sữa, chứng khó tiêu, chứng rối loạn tiêu hoá.
Các nghiên cứu bệnh lý tiêu chảy ở gia súc cho thấy biểu hiện bệnh lý chủ yếu là tình trạng mất nước và chất điện giải và cuối cùng con vật trúng độc, kiệt sức và chết. Vì lẽ đó, trong điều trị tiêu chảy việc bổ sung nước và các chất điện giải là yếu tố cần thiết.
Theo Lê Minh Chí (1995)[1], lợn bị tiêu chảy thường mất nước, mất chất điện giải và kiệt sức. Những lợn khỏi bệnh thường chịu hậu quả còi cọc, thiếu máu, chậm lớn dẫn đến tỷ lệ nuôi sống thấp và tỷ lệ chết cao. Đó cũng là nguyên nhân làm cho hiệu quả chăn nuôi không cao. Do điều kiện khí hậu thời tiết thay đổi phức tạp, bệnh tiêu chảy xảy ra quanh năm ở nước ta, đặc biệt khi thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh, độẩm không khí cao.
Theo Sử An Ninh (1993)[22], Lê Văn Tạo (1993)[33], ở nước ta bệnh tiêu chảy xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào vụ đông xuân, khi thời tiết thay đổi đột ngột và vào những giai đoạn chuyển mùa trong năm. Kết quả nghiên cứu của Lê Văn Tạo (1993) cho thấy bệnh tiêu chảy xảy ra ở mọi lứa tuổi, sơ sinh, cai sữa và cả lợn sinh sản, nhưng trầm trọng nhất là ở lợn sơ sinh đến cai sữa. Trong đường tiêu hoá của động vật, ngoài các vi khuẩn có lợi có tác dụng lên men, phân giải các chất trong đường tiêu hoá, giúp cho sinh lý tiêu hoá của gia súc diễn ra bình thường thì bên cạnh đó một số vi khuẩn như E.coli, Salmonella spp, Shigella, Klebsiella hay Cl.perfringens... là những vi khuẩn quan trọng gây rối loạn tiêu hoá, viêm ruột, tiêu chảy ở người và nhiều loài động vật khi có điều kiện thuận lợi.
Theo Sử An Ninh (1993)[22], Hồ Văn Nam và cs (1997)[19], khi gia súc bị lạnh, ẩm kéo dài sẽ làm giảm phản ứng miễn dịch, giảm tác dụng thực bào do đó gia súc dễ bị vi khuẩn cường độc gây bệnh. Vì thế trong những tháng mưa nhiều, mưa phùn gió bấc, tỷ lệ lợn con bị tiêu chảy tăng lên rõ rệt, có khi đến 90 – 100%. Nguyên nhân gây tiêu chảy rất phức tạp và nan giải, nhưng dù nguyên nhân nào dẫn đến tiêu chảy thì đều gây hậu quả là viêm nhiễm, tổn thương thực thểđường tiêu hoá và cuối cùng là quá trình nhiễm trùng.
Phạm Khắc Hiếu và Bùi Thị Tho (1996)[10] đã theo dõi tính kháng thuốc của E.coli phân lập từ phân của lợn con phân trắng, đã nhận định: Tính kháng thuốc của E.coli ở mỗi cơ sở có sự khác biệt rõ rệt tuỳ theo quá trình sử dụng kháng sinh ở mỗi nơi, tính kháng thuốc ở các lứa tuối khác nhau cũng có khác biệt. Và các chủng E.coli có khuẩn lạc dạng nhám (R) có tính kháng thuốc cao hơn các chủng khuẩn lạc dạng trơn (S). Hai tác giả này còn cho biết qua 20 năm kiểm tra tính kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli phân lập từ lợn con bị bệnh phân trắng thấy tính kháng thuốc của chúng đối với một số kháng sinh tăng lên rất nhanh. Một số chủng kháng với hầu hết các loại thuốc thường dùng.