Kiến thức về sử dụng thuốc tại nhà của người dân huyện An Lão

Một phần của tài liệu Thực trạng sử dụng thuốc tại nhà của người dân huyện an lão hải phòng năm 2012 (Trang 61 - 67)

Về kiến thức của người dân trong việc dùng thuốc: đa số người dân cho rằng có thuốc cần đơn có thuốc không cần đơn khi mua thuốc chiếm 73,78%, tuy nhiên có 0,89% cho rằng không cần đơn khi mua tất cả các loại thuốc và 15,78% thì cho rằng không biết, 9,55% người dân cho rằng tất cả các loại thuốc cần phải mua theo đơn.

Đơn thuốc là căn cứ hợp pháp để sử dụng thuốc, trong đó có ghi chẩn đoán bệnh, tên thuốc, liều dùng, đường dùng, thời gian dùng và một số ghi chú khác do các thầy thuốc kê sau khi khám bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên khi được hỏi về sự cần thiết phải dùng thuốc theo đơn thì có 12% người dân cho rằng không cần thiết phải dùng thuốc theo đơn và 16% là không biết, chỉ có 17,33% cho rằng rất cần thiết và 54,67% cho rằng cần thiết. Theo kết quả điều tra thì trong 14 người không tuân thủ điều trị thuốc theo đơn có tới 12 người (85,71%) cho rằng rất cần thiết hoặc cần thiết phải điều trị theo đơn, chỉ có 2 người (14,29%) cho rằng không cần thiết hoặc không biết. Như vậy, 85,71% người không tuân thủ điều trị thuốc theo đơn trong khi có kiến thức đúng về sự cần thiết phải dùng thuốc theo đơn. Một số thuốc và nhóm thuốc khác như Paracetamol, Aspirin thì tỷ lệ người dân cho rằng không cần đơn chiếm 79,55%, Orezol, men tiêu hóa: 87,56%, Vitamin: 88%...

Sự hiểu biết của người dân về các loại thuốc còn nhiều hạn chế như: 25,33% cho rằng kháng sinh không cần đơn để mua. Có 38/74 (51,35%) số những người cho rằng cần phải dùng kháng sinh theo đơn thì đã sử dụng KS

không có đơn. Như vậy mặc dù người dân có một số kiến thức đúng về thuốc nhưng họ lại thực hành không như vậy. Khi phỏng vấn một người dân cho rằng: “Thường thì vẫn biết là phải có đơn mới nên dùng KS nhưng có hiệu thuốc nào đòi hỏi đơn đâu, mà chúng tôi dùng quen rồi chẳng thấy sao cả”. Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Hùng tại Hải Phòng thì hầu hết người dân đến hiệu thuốc không cần đơn của bác sỹ (chưa đến 1% khách hàng đến hiệu thuốc có đơn hoặc sổ y bạ ghi chẩn đoán của bác sỹ) [27]. Cũng theo kết quả nghiên cứu của tác giả Ngô Huy Hoàng và Hoàng Thị Kim Huyền tại tỉnh Nam Định thì phần lớn người bệnh cho rằng rất dễ mua thuốc không cần đơn, trường hợp khó mua cần có đơn chiếm tỷ lệ thấp 6% [25]. Đây là vấn đề khá nan giải, liên quan đến các chế tài đưa ra như thế nào, đã được áp dụng như thế nào, đã triệt để chưa, đặc biệt là việc quản lý đối với các hiệu thuốc.

Bên cạnh đó, việc mua thuốc tự sử dụng đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân, một hành vi không phải dễ dàng có thể thay đổi được. Có 82,44 % người dân quan tâm đến tên thuốc. Tỷ lệ người dân có quan tâm đến tên thuốc tại thị trấn Trường Sơn là cao nhất và xã Quốc Tuấn là thấp nhất. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05 (Thị trấn cũng như xã ít người làm nông nghiệp sẽ có sự quan tâm đến tên thuốc nhiều hơn.). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với kết quả điều tra của Nguyễn Thị Thu Thuỷ và cộng sự năm 1999 tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội là chỉ có 14,20% số người quan tâm đến tên thuốc [49]. Điều này chứng tỏ ngày nay người dân đã quan tâm nhiều đến việc sử dụng thuốc, tuy nhiên chỉ có 12,44% cho rằng cùng một loại thuốc có thể có nhiều tên gọi khác nhau, còn lại cho rằng chỉ có một tên gọi (38%) hoặc không biết (49,56), nên rất có thể người dân sẽ dùng cùng một lúc từ hai loại thuốc có cùng hoạt chất trở lên. Có 6,67% người dân mong muốn dùng liều cao để nhanh bình phục. Tỷ lệ người dân mong muốn dùng liều cao

hơn để nhanh bình phục tại thị trấn Trường Sơn cao hơn tại xã An Tiến và cao hơn tại xã Quốc Tuấn. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Như vậy có thể gây ra những tác hại khi dùng quá liều thuốc.

Dưới 50% người dân cho rằng khi sử dụng thuốc có thể xảy ra một số tai biến như: dị ứng (42,67%), viêm loét dạ dày (39,11%), tử vong (37,11%), sốc phản vệ (29,11%), loạn nhịp tim (17,11%), tai biến về thần kinh (13,78%) …thậm chí chỉ có vài % người dân cho rằng có tác hại về cơ xương khớp (3,78%), khuyết tật bẩm sinh (3,78%), rối loạn tạo máu (2%), ung thư (1,78%) …Sự hiểu biết còn nhiều hạn chế của người dân về các tác dụng không mong muốn của thuốc, đặc biệt là các tác dụng có ảnh hưởng lâu dài đã tác động đến hành vi tự mua thuốc sử dụng của họ.

Tóm lại, việc tự SDT trong dân vẫn là một thói quen thường xuyên gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Họ thường dự trữ thuốc hay đến các hiệu thuốc mua thuốc để điều trị những bệnh thông thường như cảm cúm, ho sốt, tiêu chảy…với những loại thuốc không cần đơn như Paracetamol, men tiêu hóa, Orezol... Nhưng với những kiến thức có hạn thì nhiều khi vẫn gây ra hiện tượng lạm dụng thuốc, đặc biệt là khi họ vẫn tự sử dụng một số thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh…Và ngay cả khi họ có một số kiến thức đúng về sử dụng thuốc nhưng lại thực hành trái với những kiến thức đã có. Việc tự điều trị và dự trữ thuốc tại nhà (trong đó có tỷ lệ thuốc đáng kể bị biến đổi, hết hạn dùng) không những gây tổn hại cho sức khỏe mà còn làm thiệt hại đến kinh tế của người dân.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng người dân rất nhiệt tình trả lời, trao đổi với điều tra viên, điều này đã làm cho chúng tôi thu thập được thông tin một cách thoải mái, không ép buộc người trả lời. Tuy nhiên, phần nào do yếu tố thời gian, hoặc sự lãng quên của người dân… mà có thể kết quả trong phần dự trữ thuốc tại nhà chưa xác thực với thực tế, cụ thể là số lượng

thuốc dự trữ thu thập được trong nghiên cứu ít hơn trong thực tế. Vì điều tra viên vừa kết hợp hỏi vừa quan sát xung quanh xem có còn thuốc dự trữ không thì không ít lần đã phát hiện được thêm thuốc cất giữ ở các nơi khác, đặc biệt là đối với gia đình không có tủ thuốc.

Từ những kết quả đã đạt được qua nghiên cứu này, có thể đóng góp phần nào về thực trạng sử dụng thuốc của người dân tại một huyện. Từ đó có thể nghiên cứu vấn đề này trong một phạm vi rộng hơn như một miền hay trong cả nước sẽ cho chúng ta bức tranh tổng thể để từng bước đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sử dụng thuốc không hợp lý, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc tại nhà của 450 hộ gia đình ở thị trấn Trường Sơn, 2 xã An Tiến và Quốc Tuấn huyện An Lão từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5 năm 2012, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Thực trạng sử dụng thuốc tại nhà của người dân huyện An Lão

Người dân sử dụng phương pháp tự điều trị chiếm 56,82% và bằng thuốc tây y là 84,19%, trong đó không có đơn chiếm 62,60% tổng số lượt sử dụng. Tỷ lệ người dân điều trị bằng phương pháp tây y ở xã An Tiến cao hơn ở thị trấn Trường Sơn, và cao hơn ở xã Quốc Tuấn.

Nhóm bệnh và triệu chứng thường mắc là cảm cúm (30,35%), ho sốt (27,24%). Nhóm thuốc thường được sử dụng là hạ sốt, giảm đau, kháng sinh, giảm ho, vitamin. Đường uống chiếm 73,63%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh không có đơn ở xã An Tiến (35,50%) cao hơn thị trấn Trường Sơn (6,78%). Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp cảm cúm (42,16%), ho sốt (56,86%). Thời gian tự sử dụng kháng sinh dưới 5 ngày (13,95%), cho đến khi hết triệu chứng là 4,65%.

Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc chiếm 68,11% tổng số lượt mua thuốc và có sự hướng dẫn của người bán thuốc là 96,12%. Nguồn cung cấp thông tin sức khỏe mà người dân tiếp cận từ tivi (94,89%), cán bộ y tế (69,33%).

Hộ gia đình có dự trữ thuốc ở nhà chiếm tỷ lệ 72,22% trong đó 21,23% hộ có tủ thuốc tại nhà. Nhóm thuốc dự trữ: hạ sốt, giảm đau (86,46% ), kháng sinh (65,54%), thuốc giảm ho (37,54%), vitamin ( 32%) và 96,73% thuốc dự trữ dưới dạng đường uống.

Tỷ lệ các hộ gia đình có tồn tại thuốc không đảm bảo chất lượng sử dụng chiếm 32,62%. Tỷ lệ những hộ gia đình có tủ thuốc thì sự biến đổi của thuốc (17,39% ) ít hơn tỷ lệ hộ không có tủ thuốc (29,30%).

2. Kiến thức về sử dụng thuốc tại nhà của người dân huyện An Lão

73,78% người dân cho rằng có thuốc cần đơn có thuốc không cần đơn khi mua thuốc, 25,33% cho rằng kháng sinh không cần đơn để mua.

82,44% người dân quan tâm đến tên thuốc. Tỷ lệ người dân có quan tâm đến tên thuốc tại thị trấn Trường Sơn là cao nhất và xã Quốc Tuấn là thấp nhất. 12,44% người dân cho rằng cùng một loại thuốc có thể có nhiều tên gọi khác nhau.

6,67% người dân mong muốn dùng liều cao để nhanh bình phục. Tỷ lệ người dân muốn dùng liều cao hơn để nhanh bình phục tại thị trấn Trường Sơn cao hơn tại xã An Tiến và cao hơn tại xã Quốc Tuấn.

Dưới 50% người dân cho rằng khi sử dụng thuốc có thể xảy ra một số tai biến như: dị ứng, sốc phản vệ, viêm loét dạ dày…chỉ có vài % người dân cho rằng có tác hại về cơ xương khớp, rối loạn tạo máu, ung thư...

Một phần của tài liệu Thực trạng sử dụng thuốc tại nhà của người dân huyện an lão hải phòng năm 2012 (Trang 61 - 67)