Kinh tế đảo

Một phần của tài liệu Tiểu luận phát triển kinh tế biển việt nam (Trang 31 - 33)

6.1. Thực trạng

Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng ven bờ và các quần đảo ngoài khơi, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Mỗi đảo là một “thỏi bạc”, bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Ngoài ra, một số hòn đảo còn có lợi thế vị trí địa lý để phát triển dịch vụ cảng biển, hàng hải.

Tóm lại, các hải đảo của nước ta đa dạng, giàu tiềm năng, song cho đến nay chưa có tài liệu điều tra khảo sát, công trình nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nào về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển của các hải đảo. Thế mạnh của các hải đảo chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược phát triển của đất nước. Vì vậy, nhiều đảo có điều kiện để phát triển nhanh chưa được đầu tư đúng mức và toàn diện. Một số đảo có điều kiện phát triển kinh tế thì chưa được quy hoạch, thiếu nguồn vốn, thiếu lao động. Một số đảo tiền tiêu chưa có dân sinh sống, chưa có chính sách khuyến khích thích đáng những người lao động ra sinh sống ở tuyến đảo. Trình độ văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhiều đảo còn thấp kém, còn thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nước ngọt, điện, phương tiện thông tin truyền hình, công cụ để sản xuất.

Trong nhiều năm qua, kinh tế hải đảo tiến triển một cách tự phát theo nhu cầu mưu sinh của người dân mà thiếu chiến lược rõ ràng của Nhà nước. Thực tế, người dân ra đảo “định cư” vì sinh kế, do đó thường có tâm lý “có cái gì khai thác cái đó” nên hiện tượng phá rừng trên đảo, khai thác hải sản quá mức… diễn ra khá phổ biến. Thí dụ, đảo Cát Bà từng có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng do quy hoạch,

quản lý xây dựng kém nên trên đảo đã xuất hiện một “Hải Phòng thu nhỏ” với những dãy nhà ống đơn điệu. Nguồn lợi hải sản cũng bị cạn kiệt nhanh chóng. Số lượng loài hải sản có mức độ nguy cấp đưa vào Sách đỏ Việt Nam ngày càng tăng. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới công bố năm 2002 cho thấy, 80% hệ sinh thái biển nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% là rủi ro cao. Các nhà khoa học cảnh báo, biển Việt Nam có nguy cơ trở thành thủy mạc, không còn tôm cá. Hệ quả là sinh kế của hơn 20 triệu người dân sống ở các đảo và ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đời sống của họ vẫn nằm trong cái vòng luẩn quẩn: nhu cầu sinh kế - khai thác quá mức - cạn kiệt nguồn lợi - nghèo khó…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng nêu trên, trong đó phải kể đến việc thiếu quy hoạch tổng thể cũng như các quy hoạch chi tiết về phát triển kinh tế - xã hội hải đảo. Do thiếu quy hoạch, cho nên từ cấp Trung ương đến cấp địa phương chưa có chính sách và biện pháp quản lý hải đảo phù hợp. Việc áp dụng mang tính dập khuôn mô hình quản lý kinh tế - xã hội trong đất liền cho hải đảo là không phù hợp, bởi vì không gian kinh tế biển đảo hoàn toàn khác không gian kinh tế trong đất liền. Hơn nữa, vì biển và hệ thống đảo trải dài qua nhiều vùng tự nhiên nên thế mạnh của từng vùng biển, từng hòn đảo có khác nhau. Nếu các nhà quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý biển đảo không tìm ra được tính đặc thù của từng hòn đảo thì khó có thể phát triển kinh tế hải đảo thành công.

6.2. Chủ trương và biện pháp phát triển

Công việc quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển kinh tế hải đảo, từ đó đưa ra những chính sách và biện pháp quản lý phù hợp. Tiến hành xây dựng chiến lược phát triển kinh tế hải đảo gắn với an ninh quốc phòng. Cần nghiên cứu để xác định các nhóm đảo dành cho quốc phòng, nhóm đảo cho phát triển dân sự gắn với quốc phòng và nhóm đảo thuần về dân sự. Đồng thời, cần có chính sách riêng cho hệ thống đảo và từng hòn đảo; chính sách phải nhắm đến thu hút đầu tư, mở cửa cho cả nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ cho các lĩnh vực kinh tế biển trong đó có việc giải quyết nguồn nước ngọt, sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời...

Căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, dân cư, tập quán và tổ chức sản xuất có thể chia làm ba nhóm đảo sau đây: (1) nhóm đảo tiền tiêu; (2) nhóm đảo ven bờ; và (3) nhóm đảo có diện tích lớn, cơ sở hạ tầng và dân cư tương đối ổn định. Đối với từng nhóm đảo, định hướng phát triển thể hiện ở một số nội dung sau đây:

- Nhóm các đảo tiền tiêu bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Trần, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quí, Côn Đảo, Thổ Chu… Đây là các pháo đài,

các căn cứ nổi, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tài nguyên biển, phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biển.

- Nhóm các đảo ven bờ là cơ sở hậu cần hết sức thuận lợi cho nghề cá nhân dân, bao gồm nuôi trồng và khai thác hải sản. Đó cũng là nơi trú đậu của các tàu thuyền tránh gió bão, là vùng trọng yếu trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, là nơi để phát triển du lịch và du lịch sinh thái. Tuỳ theo khí hậu, thời tiết và các vùng sinh thái của các đảo mà đầu tư phát triển nuôi và khai thác yến sào, nuôi cá biển, bào ngư, hải sâm, trai ngọc, đồi mồi... Một số đảo có khả năng xây dựng các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên kết hợp với kinh doanh du lịch và sản xuất nông nghiệp, trồng rừng… Đa số các đảo còn lại là núi đá, đảo san hô… cần có điều tra quy hoạch, tổng kết các mô hình để nhân rộng và phát triển hợp lý.

- Nhóm các đảo lớn đã có dân cư, cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế, có nghề nghiệp và đời sống ổn định đã được Nhà nước đưa vào hệ thống các huyện đảo gồm Cô Tô (Cẩm Phả - Quảng Ninh); Cát Hải, Cát Bà (huyện Cát Hải), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Cù Lao Ré (Quảng Ngãi); Phú Quí (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Kiến Hải, Phú Quốc (Kiên Giang); Trường Sa (Khánh Hoà)…, cần được đầu tư thích đáng để trở thành những thành phố trên biển, thị trấn, thị tứ, các trung tâm kinh tế biển sầm uất và giàu mạnh phục vụ cho việc di chuyển ngư trường theo mùa vụ, phát triển kinh tế tổng hợp: công- nông- lâm nghiệp, giao thông vận tải biển. Đồng thời, đây cũng là cơ sở hậu cần để vươn ra khai thác tài nguyên ở vùng biển đặc quyền kinh tế.

Một phần của tài liệu Tiểu luận phát triển kinh tế biển việt nam (Trang 31 - 33)