Đa nghi hoang tưởng

Một phần của tài liệu Thế giới dị biệt, ngoại biên trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 41 - 47)

7. Cấu trúc khóa luận

2.2.Đa nghi hoang tưởng

Trong Từ điển Tâm lý thì hoang tưởng “hiểu theo nguyên nghĩa là “trật

đường ray”, tư duy trệch ra khỏi những quy tắc thông thường. Khác với sai lầm, vì không thuộc về phạm vi suy luận, mà thuộc về tin tưởng, chủ nhân tin là thực một cách vô thức những điều mà mọi người chung quanh cho là không thực. Đây là một hư cấu thường có hệ thống, thường hay gặp là hoang tưởng bị truy bức, luôn luôn phát hiện ra những con người với những hành vi làm hại mình, hoặc hoang tưởng làm lớn, làm nên sự nghiệp hoặc công trình vĩ đại…” [35, tr.152].

Theo quan điểm của các triết gia hiện sinh, con người là một hữu thể nhỏ bé, luôn phải sống trong nỗi lo âu, sợ hãi. Tư tưởng đó đã có ảnh hưởng lớn đến các sáng tác văn chương nửa đầu thế kỉ 20, đặc biệt là các sáng tác văn chương phi lí. Trong tiểu thuyết và kịch phi lí, lo âu sợ hãi là tâm lí thường trực của con người. Có thể nhận thấy rất rõ điều này qua nhân vật Jôzep.K trong sáng tác của Kafka, đó là một nhân vật luôn phải sống trong trạng thái lo âu, sợ hãi nhìn đâu cũng thấy có người theo dõi, rình rập mình. Xây dựng lên những nhân vật đó các tác giả đã phần nào thể hiện thái độ bi

quan, ngờ vực về đời sống, thái độ nhận thức lại về thực chất ý nghĩa tồn tại của con người giữa cuộc đời.

Trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Nguyễn Bình Phương là một trong những cây bút tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cách tân thể loại tiểu thuyết Việt Nam trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Nguyễn Bình Phương cũng là nhà văn có nhiều quan niệm mới mẻ về con người theo cái nhìn riêng của mình. Qua những sáng tác đó, ta thấy được ý nghĩa, giá trị đích thực cho sự tồn tại của con người cũng như cảm nhận được ngòi bút đậm chất nhân văn, nhân bản thấm sâu trong từng trang tiểu thuyết của nhà văn.

Trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương phần lớn các nhân vật đều được đặt trong một trạng thái bất an, phải sống trong cảm giác sợ hãi, lo âu đồng thời phấp phổng như chờ đợi một nỗi bất hạnh nào đó đang rình rập mà nguyên nhân của nỗi bất hạnh lại không rõ ràng: “Niềm kinh hãi rằng có ai đó đang vẽ kiểu cho cuộc sống của mình”.

Trong tác phẩm Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương đã xây dựng lên

một thế giới của những đa nghi hoang tưởng mà con người hiện diện trong thế giới đó luôn phải sống trong trạng thái bị đe dọa, bị đè nén, ám ảnh bởi một lực lượng vô hình nào đó rất khó nắm bắt.

Chung là một nhân vật tiêu biểu của những lo âu, sợ hãi thậm chí nó đã trở thành một thứ bệnh hoạn, hoang tưởng đeo bám anh. Chung luôn sống trong trạng thái bất an, lúc nào cũng hoang tưởng có người đòi “thiến” mình, suốt cuộc đời anh ta phải sống trong sợ hãi: “Lão ấy sắp sang. Tôi sợ lắm…” [21, tr.221]. “Lão ấy sẽ sang… Nó sẽ thiến tôi, giời ơi…” [21, tr.222]; “Mặt Chung rối loạn, hai thái dương trắng bệch mất hết sinh khí. Hai tay Chung đặt lên bàn. Các ngón tay co vào duỗi ra như đàn sâu đo…” [21, tr.222]. Chính bởi phải sống trong lo lắng, hoang tưởng như vậy bản thân Chung đã trở

thành một kẻ cô lập, dị biệt khác với mọi người: “anh ta không bao giờ cười, không bao giờ tán chuyện và không rượu không thuốc. Suốt ngày ôm bàn làm việc của mình, nhận những bức thư, đọc chúng, lo sợ…” [21, tr.269]. Và “chỗ ở của Chung bí mật như tổ chuồn chuồn” [21, tr.270].

Nỗi sợ hãi của Chung là nỗi sợ hãi điển hình cho một con người luôn bị những đe dọa vô hình dọa nạt. Tiếng rao “Ai thiến đê…” không rõ xuất phát từ đâu chỉ biết rằng qua tưởng tượng có phần bệnh hoạn, Chung đã nghe rõ mồn một. Nó choáng ngợp phần lớn cuộc sống của anh. Nó hiện hữu thật hơn cả sự thật ngoài đời. Sự hoang tưởng của Chung có phần kì quái, khác thường nhưng nó lại báo động một “triệu chứng” bất thường đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay, bởi một lẽ tất yếu “thế giới hỗn độn nhưng nó chẳng nghiêm túc một chút nào” [23, tr.144].

Ngoài Chung ta còn cảm nhận được Thắng – một con người luôn sống trong trạng thái mệt mỏi “có một cái gì đó tỏa ra từ Thắng, một sự từng trải, một nỗi uất ức, mệt mỏi…” [21, tr.42]. Thắng luôn bị ám ảnh bởi bóng đen linh hồn người lính đã bị anh giết chết trong chiến tranh. Dù đã trở về với cuộc sống thực tại nhưng Thắng luôn có cảm giác một ai đó đang ở ngay sát bên mình, đè nén nặng nề:

“Căn nhà tỏa ra không khí lạ. Có người. Ai đó đã ở trong nhà đang nằm cạnh Thắng. Tuy không rõ nét nhưng Thắng biết đó đàn ông, chính xác hơn một cái bóng đàn ông nằm thẳng, hai tay khoanh trước ngực. Xung quanh yên tĩnh, xa lạ. Cái hình thù mờ mờ ấy há mồm cất tiếng gọi nhưng cơ mặt không nhúc nhích: “Thắng ơi! Tiếng gọi đột ngột nửa lạnh lùng tàn nhẫn nửa van xin làm Thắng choàng dậy…” [21, tr.20].

Cái bóng đen đó còn chìm vào cả trong những cơn ác mộng hãi hùng ngay cả khi Thắng đang nằm bên cạnh vợ:

“Thắng nhìn chằm chằm vào chiếc bóng vàng đục, nhìn mãi cho đến lúc những đốm lửa lóe lên nhấp nhoáng và phát ra tiếng rít như niết vào mặt kính… Thắng vung tay hất bỏ cái màng nhện, khi ngẩng lên anh đã thấy một người đàn ông ở ngay trước mặt mình. Hắn nằm trên mảng tường gạch lở lói lơ lửng giữa không khí, khuôn mặt nhàu nát ngả xanh, những ngón tay dây máu xoắn vào nhau như bị keo dính chặt (…) Thắng cúi đầu thở dài, người đàn ông cũng thở dài, vết đạn ở trán hắn rung rung như bông hoa mào gà…” [21, tr.60 - 61].

Tất cả những hình ảnh đó cứ bám riết lấy Thắng, lúc nào cũng ám ảnh anh khiến anh luôn cảm thấy ngột ngạt, một cảm giác mệt mỏi, rã rời. Thế nhưng tất cả những day dứt, ám ảnh đó Thắng không thể sẻ chia cùng ai. Nhân vật dường như bị tách biệt, cô lập bởi anh được bao bọc bởi một gia đình mà ông bố vợ chỉ biết chú tâm vào cây cảnh, cậu em trai thì chơi bời đàng điếm, cô em gái lặng lẽ như cái bóng không hồn, tối ngày chỉ biết vùi đầu vào những cuốn sách vô bổ… Có lẽ bởi vậy Thắng luôn tỏ ra hoài nghi cuộc sống và thường có những dự cảm mơ hồ về những tai họa không lường trước sẽ bất ngờ giáng xuống. Dự cảm xuất hiện ngay cả khi hai vợ chồng thân mật với nhau, nhìn Hoàn ngủ, một giấc ngủ yên tĩnh mơ màng, Thắng cũng có những linh cảm khác lạ: “Đột nhiên Thắng nghĩ có thể Hoàn sẽ không bao giờ dậy nữa và anh vội vã đặt tay lên má vợ…” [21, tr.59].

Sự hoang tưởng của Thắng mang hình bóng của quá khứ. Nó gợi lại trong anh những vùng mờ về kí ức chiến tranh. Khu chiến trường Quảng Trị đầy bom đạn là nơi anh đã chiến đấu và đã bắn chết một người lính trong cuộc chiến ác liệt đó. Nhưng những kí ức đó vẫn hiện hữu trong anh, nó khiến anh trở nên sợ hãi, hoang mang và cả những mặc cảm tội lỗi. Hoài nghi cuộc sống và khủng hoảng niềm tin chính là trạng thái tâm lí của nhân vật này.

Hà cũng là nhân vật sống trong trạng thái hoang tưởng, nỗi ám ảnh mình là người nhà quê luôn đeo đuổi Hà. Hà luôn có cảm giác có một đám

sương mù biết nói luôn bất ngờ xuất hiện, nó biết rõ về gốc tích của cô, mỉa mai, sỉ nhục trên những con phố cô đi: “Nhìn mà xem chân mày còn dính bùn kia kìa…” [21, tr.150].

“Cuối cùng đám sương mù xuất hiện chắn trước mặt con Hà. Không khí mát mẻ, nhẹ nhõm phả ra từ đám sương không làm con Hà vơi đi nỗi bực bõ, thất vọng.

- Thế nào, con nhà quê.

Đám sương nhúc nhích, lần này trông nó bắt đầu già nua, cũ kỹ. Con Hà cố lấy vẻ mặt rảo hoảnh đáp lại:

- Tôi không phải nhà quê. - Thế bùn nó từ giời rơi phỏng?

Đám sương thích chí lắc lư từ bên nọ sang bên kia như người say rượu. Con Hà lén lút nhìn lại mình sau đó vênh mặt lên:

- Bùn nào. Làm gì có. Vớ va vớ vẩn, mất thì giờ của cháu. (…)

Và đám sương dạt về phía trước, lúc sau nó biến mất. Con Hà tựa lưng vào cây phượng tấm tức khóc. Nó luôn bị đám sương mù ấy làm nhục…” [21, tr.226].

Ở Hà, sự hoang tưởng của cô đã được Nguyễn Bình Phương hư cấu bằng sự xuất hiện của đám sương mù biết nói. Đám sương đã nói thật mặc cảm về nguồn gốc của cô: người nhà quê. Điều này cũng trở thành nỗi ám ảnh trong Hà, mong muốn che giấu quá khứ và lo sợ bị lộ gốc tích đã trở thành cái bất an vô hình của nhân vật.

Nhân vật ông Điều cũng sống trong trạng thái hoang tưởng bởi bóng đen bao trùm trước mặt, lo lắng hoảng hốt về một linh cảm xấu nào đó sẽ xảy ra: “Ông Điều vẫn trân trân ngóng ra ngoài cửa, nơi ấy bóng tối trập trùng mênh mông” [21, tr.11]; “Mặt ông Điều im phăng phắc, mắt giãn to hết cỡ, mồm há ra như sắp sửa thét lên dồn tất cả sức lực ra ngoài” [21, tr.55].

Có thể thấy sự hoang tưởng của ông Điều chính là biểu hiện của sự xuất hiện thế giới tâm linh trong cuộc sống thức tại. Những trạng thái lo sợ, hoang mang chính là dấu hiệu cho thấy sự trở về của cõi âm.

Trong Ngồi, nhân vật Thúy luôn ở trong trạng thái cảm thấy ai đó đang

theo dõi và “giật dây” mọi hành động của mình. Dường như có một bàn tay vô hình nào đó đang dàn xếp tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc đời Thúy. Chồng Thúy (Quân) “đột nhiên biến mất cùng hơn năm trăm triệu của cơ quan” một cách khó hiểu. Thúy có đi tìm chồng nhưng mọi dấu vết tin tức về Quân đều “bặt vô âm tín”. Sau khi Quân mất tích, Thúy có cảm giác lo sợ mơ hồ những khi phải đơn độc ở nhà. Những tiếng chuông điện thoại reo lên khiến cô băn khoăn, nghi ngại với hàng loạt những hoài nghi, thắc mắc:

“Hai hôm nay có ai liên tục gọi điện cho mình, mình cứ bấm máy thì họ lại tắt. Sáng nay cũng thế. Bầu không khí rờn rợn bao quanh ba người cảm giác một kẻ vô hình nào đó đang lởn vởn quanh đây và sẵn sàng làm cho điện thoại nổ tung như một quả bom..” [23, tr.33].

Rồi:

“Chuông điện thoại reo. Thúy thất thần nhổm dậy nhấc máy áp vào tai chờ đợi nhưng chỉ có tiếng ì oạp diệu vợi. Thúy sốt ruột hỏi ai gọi đấy? Bên kia đặt máy và tiếng chuông báo rỗi đều đặn rót vào tai Thúy. Khi Thúy vừa ngả lưng xuống thì chuông lại réo, Thúy không nhấc máy mà chờ một lúc mới nhấc ống nghe và bên kia lại vẫn tiếng ì oạp như bước chân lội trong nước dội vào tai. Ai gọi đấy, Thúy gắt gỏng. Vẫn không ai lên tiếng. Thúy dập mạnh ống nghe xuống, bỏ vào phòng vệ sinh vã nước lên mặt cho tỉnh táo. Điện thoại lại đổ chuông nhưng Thúy mặc kệ. Tiếng chuông thi gan cùng Thúy, nó cứ réo, đều đều hai nhịp một, nhẫn nại, dai dẳng. Thúy nhấc máy. Thúy rùng mình…” [23, tr.156 - 157].

Nhìn chung các nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đều sống trong một trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Một cuộc sống mà những hoang tưởng hoài nghi đã chi phối cuộc sống của họ. Qua đây Nguyễn Bình Phương đã cho ta thấy một cái nhìn mới mẻ: bức tranh cuộc sống đằng sau vẻ “hiện thực” quen thuộc, tầm thường là những gì tuyệt đối bí ẩn sẽ chi phối và thúc đẩy ta.

Một phần của tài liệu Thế giới dị biệt, ngoại biên trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 41 - 47)