Các quyết định trong quản trị chuỗi cung ứng

Một phần của tài liệu Hướng tới mục tiêu xây dựng Thương hiệu VPI mạnh pptx (Trang 63 - 64)

Quản trị chuỗi cung ứng sẽ liên quan đến các vấn đề từ việc hình thành chuỗi cung ứng, phối hợp trong chuỗi cung ứng và cải tiến một cách liên tục chuỗi cung ứng. Các quyết định trong quản trị chuỗi cung ứng có thể chia thành hai nhóm lớn: Nhóm mang tính chiến lược (strategic) và Nhóm mang tính vận hành (operational). Đúng như ý nghĩa các thuật ngữ này, nhóm mang tính chiến lược được hình thành xét đến yếu tố dài hạn và gắn liền với chiến lược của công ty. Ngược lại, nhóm quyết định mang tính vận hành mang tính ngắn hạn, tập trung vào các hoạt động hàng ngày. Có một số mảng quyết định chính trong quản trị chuỗi cung ứng: vị trí (location); sản xuất (production); dự trữ (inventory); vận chuyển hay phân phối (transportation - distribution) và phối hợp và chia sẻ thông tin [5, 9]. Trong mỗi một mảng quyết định đều có các yếu tố mang tính chiến lược và tính vận hành.

3.1. Các quyết định về vị trí

Việc quyết định đặt nhà máy, các thiết bị sản xuất, các kho dự trữ, hoặc các điểm tìm nguồn cung ứng là bước đầu tiên trong việc hình thành chuỗi cung ứng. Việc quyết định vị trí đặt các thiết bị sẽ liên quan đến các cam kết về các nguồn lực cho kế hoạch dài hạn của công ty. Khi quy

mô, số lượng và vị trí các thiết bị được xác định có thể hình dung được các kênh mà qua đó sản phẩm được đưa đến người tiêu dùng. Các quyết định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty vì chúng thể hiện chiến lược cơ bản của công ty trong việc tiếp cận thị trường và ảnh hưởng lớn tới doanh thu, chi phí và mức độ phục vụ khách hàng. Mặc dù các quyết định này chủ yếu mang tính chiến lược nhưng chúng lại có quan hệ mật thiết với mức độ vận hành (operational level).

3.2. Các quyết định về sản xuất

Các quyết định mang tính chiến lược bao gồm công ty sẽ sản xuất các gói sản phẩm và dịch vụ gì? Nhà máy nào sẽ sản xuất các sản phẩm này? Những phần nào sẽ tự sản xuất và những phần nào sẽ thuê/mua từ nơi khác (outsourcing)? Ai sẽ là các nhà cung cấp cho các nhà máy này? Ai sẽ là đối tác chiến lược? Những quyết định này có ảnh hưởng lớn tới doanh thu, chi phí và mức độ phục vụ khách hàng của công ty. Các quyết định này dựa trên giả định đã có các thiết bị sản xuất, tuy nhiên nó xác định kênh chắc chắn mà qua đó các dòng sản phẩm vào và ra từ các thiết bị này. Một trong những quyết định quan trọng nữa là công suất của các thiết bị sản xuất. Các quyết định vận hành sẽ tập trung vào kế hoạch sản xuất tổng thể, kế hoạch sản xuất đối với các máy móc và bảo dưỡng thiết bị.

3.3. Các quyết định về dự trữ

Dự trữ xuất hiện ở bất cứ khâu nào của chuỗi cung ứng, từ dự trữ nguyên vật liệu đến bán thành phẩm hay sản phẩm cuối cùng. Mục tiêu chính của việc dự trữ là để đối phó với những tình huống không chắc chắn có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc dự trữ này thường rất tốn kém, do vậy quản lý dự trữ thế nào cho hiệu quả là một vấn đề quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Các quyết định về dự trữ có thể mang tính chiến lược khi cấp quản lý cao nhất thiết lập một mục tiêu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu lại tiếp cận về quản lý dự trữ theo khía cạnh vận hành. Cụ thể, làm thế nào để xác định được mức độ dự trữ an toàn, ngưỡng mà tại đó cần phải tiến hành đặt hàng. Việc xác định các mức dự trữ này rất quan trọng, bởi nó là nhân tố quyết định tới chất lượng phục vụ khách hàng.

3.4. Các quyết định về vận chuyển hay phân phối

Đây là các quyết định mang nhiều tính chiến lược hơn. Những quyết định này thường có quan hệ mật thiết với các quyết định về dự trữ vì thông thường lựa chọn các

phương tiện vận chuyển tốt thì phải có sự đánh đổi giữa chi phí sử dụng phương tiện đó với chi phí gián tiếp về tồn kho phát sinh khi sử dụng phương tiện đó. Ví dụ, khi sử dụng vận chuyển bằng đường hàng không thì thường nhanh, tin cậy và ít phải dự trữ hơn nhưng chi phí sẽ cao hơn. Nếu vận chuyển bằng đường biển sẽ rẻ hơn nhiều nhưng mất nhiều thời gian và cần phải dự trữ nhiều hơn để phòng những trường hợp không chắc chắn xảy ra. Do vậy, yêu cầu về mức độ phục vụ khách hàng hay vị trí địa lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ra các quyết định này vì chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí, nếu vận hành một cách hiệu quả sẽ mang lại tính kinh tế cao.

3.5. Phối hợp và chia sẻ thông tin

Sự phối hợp chuỗi cung ứng xảy ra khi tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng hoạt động hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích của toàn bộ chuỗi cung ứng dựa trên việc chia sẻ thông tin. Thiếu sự hợp tác sẽ dẫn đến sự mất mát lớn của toàn chuỗi. Sự phối hợp trong mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng yêu cầu mỗi giai đoạn có sự chia sẻ thông tin phù hợp với các giai đoạn khác. Nếu yêu cầu nhà cung cấp sản xuất đúng bộ phận cần thiết theo đúng thời hạn cho công ty, thì công ty phải chia sẻ thông tin về sản xuất và nhu cầu cho nhà cung cấp. Do vậy, quyết định chia sẻ thông tin là yêu cầu rất cần thiết cho sự thành công của chuỗi cung ứng.

Một phần của tài liệu Hướng tới mục tiêu xây dựng Thương hiệu VPI mạnh pptx (Trang 63 - 64)