Hợp đồng bảo hiểm tài sản (HĐBHTS)

Một phần của tài liệu Tiểu luận về hình thức và nội dung của hợp đồng bảo hiểm (Trang 29 - 32)

1.2.1. Khái niệm

Đến nay vẫn chưa có một khái niệm chính xác thế nào là HĐBHTS nhưng từ những khái niệm về HĐBH trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (LKDBH) cũng như một số khái niệm đã được các nhà nghiên cứu trước đưa ra và dựa trên đối tượng bảo hiểm, thì27:

“HĐBHTS là sự thỏa thuận giữa hai bên, theo đó bên nhận bảo hiểm có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với tài sản bảo hiểm cho bên bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, còn bên được bảo hiểm có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp phí bảo hiểm như đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật”.

Có thể thấy rằng, HĐBHTS về bản chất cũng được hiểu như HĐBH nói chung, nhưng đối tượng của HĐBHTS là tài sản. Như vậy, đối tượng của HĐBHTS bị thu hẹp hơn so với HĐBH nói chung. Điều 40 của LKDBH quy định: “ Đối tượng của HĐBHTS là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Căn cứ vào đối tượng của hợp đồng ta có thể phân biệt được HĐBHTS với các loại HĐBH khác vì đối tượng hợp đồng là căn cứ cơ bản để phân loại hợp đồng và để xác định được bản chất, đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của từng loại HĐBH. HĐBHCN 27 Tham khảo tại địa chỉ: http://text.123doc.org/document/2886628-phap-luat-ve-hop-dong-bao-hiem- tai-san-o-viet-nam.htm , ngày truy cập: 20/9/2017.

có đối tượng là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn không thể định giá bằng tiền hoặc thay thế được. HĐBH trách nhiệm dân sự (HĐBHTNDS) có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba. Trong khi đó, HĐBHTS với đối tượng chính là tài sản lại được điều chỉnh sâu về phương diện đề phòng trục lợi bảo hiểm nhằm đảm bảo ổn định trật tự và đạo đức xã hội.

Với các quy định nhằm định giá trị tài sản và số tiền bảo hiểm, ngăn chặn các nguy cơ trục lợi bảo hiểm thông thường như bảo hiểm dưới giá trị, bảo hiểm trên giá trị và bảo hiểm trùng, đồng thời gắn kết trách nhiệm của chủ tài sản không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, có nghĩa vụ cung cấp thông tin về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm và thay đổi những biện pháp an toàn đối với tài sản được bảo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp phòng trừ, hạn chế các tổn thất, có quyền yêu cầu chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn.

1.2.2. Đặc điểm

HĐBHTS là hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản. HĐBHTS đươc giao kết để đối phó với hậu quả do rủi ro gây ra đối với tài sản của người được bảo hiểm. Do sự khác biệt về đối tượng bảo hiểm, HĐBHTS có những đặc điểm riêng như sau:

1.2.2.1. Quyền bảo hiểm tài sản của người tham gia bảo hiểm

Quyền BHTS cho phép một người giao kết HĐBHTS để đảm bảo cho tài sản mà họ có lợi ích ở đó. Quyền này của một chủ thể phát sinh trên cơ sở tồn tại một mối liên hệ về quyền lợi giữa người đó với tài sản. Theo nguyên tắc quyền bảo hiểm tài sản, bất cứ ai khi có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong tài sản thì đều có quyền mua bảo hiểm để đảm bảo cho quyền lợi đó của mình.

Khoản 9 điều 3 trong LKDBH có quy định: “ quyền lợi có thể được bảo hiểm trong tài sản thể hiện và phát sinh từ mối quan hệ về quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng và quyền tài sản” mà bên mua bảo hiểm có trong đối tượng tài sản bảo hiểm

1.2.2.2. HĐBHTS mang tính chất đền bù.

BHTS tuân thủ theo nguyên tắc bồi thường. Theo đó, những thiệt hại mà rủi ro gây ra đối với tài sản của người được bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.

Tuy nhiên, bên được bảo hiểm trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể nhận được một khoản tiền cao hơn thiệt hại thực tế mà người đó phải gánh chịu. BHTS là một loại hình bảo hiểm đối với thiệt hại, nó nhằm đảm bảo cho người được bảo hiểm có tình hình tài chính ổn định như thể rủi ro không xảy ra. Mục đích của BHTS chính là khôi phục lại (càng sát càng tốt) tình trạng như trước khi xảy ra rủi ro chứ không phải tạo cơ hội cho người được bảo hiểm tham gia hợp đồng bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, do đó số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm luôn tương ứng với thiệt hại thực tế của tài sản.

Điều kiện để người được bảo hiểm có thể được bồi thường là phải xảy ra sự kiện bảo hiểm và có thiệt hại thực tế xảy ra. Việc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ trên cơ sở tính toán mức thiệt hại thực tế, trong trường hợp xảy ra rủi ro nhưng khả năng bị thiệt hại không xuất hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bồi thường của mình.

1.2.2.3. Giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong HĐBHTS.

Giới hạn trách nhiệm là mức trách nhiệm cao nhất của bên bảo hiểm đối với người được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm được thể hiện dưới hình thức một số tiền nhất định ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Trong các HĐBHTS, số tiền bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng. Vì vậy giá trị thực tế của tài sản chính là mức cao nhất của số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm có thể nhỏ hơn, có thể bằng nhưng tuyệt đối không được vượt quá giá trị thực tế của tài sản. Vì người tham gia bảo hiểm không có quyền lợi đối với phần số tiền bảo hiểm vượt quá giá trị thực tế của đối tượng bảo hiểm nên phần giá trị vượt quá giá trị trong HĐBHTS sẽ không có hiệu lực.

1.2.2.4. HĐBHTS cho phép áp dụng nguyên tắc thế quyền.

Trong quan hệ bảo hiểm tài sản, doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã trả nếu người đó có lỗi gây ra sự kiện bảo hiểm. Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm được thế quyền người được bảo hiểm truy đòi lợi ích đối với người thứ ba khi người này gây thiệt hại cho người được bảo hiểm. Luật không cho phép người được bảo hiểm đồng thời yêu cầu người bảo hiểm trả tiền bảo hiểm HĐBH đã kí kết đồng thời tự mình truy đòi người thứ ba bồi thường cho mình, trừ trường hợp đối với những

phần thiệt hại không được bảo hiểm. Ngược lại, do mối liên hệ chặt chẽ giữa bồi thường và việc thế quyền, bên bảo hiểm không đươc phép yêu cầu người thứ ba bồi hoàn nhiều hơn số tiền bồi thường mà họ đã chi. Như vậy nguyên tắc bồi thường khiến cả bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm đều không thể thu lợi từ việc thực hiện quyền của mình.

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc thế quyền trên cơ sở đảm bảo các điều kiện sau:

− Việc xảy ra sự kiện bảo hiểm là do người thứ ba gây nên.

− Sự kiện bảo hiểm đó nằm trong phạm vi bảo hiểm.

− Doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường.

1.2.3. Ý nghĩa

Bảo hiểm tài sản giúp cá nhân, tổ chức ổn định sản xuất kinh doanh, tạo sự cân bằng trong nền kinh tế đất nước, tạo ra sự ổn định chung cho toàn xã hội, góp phần giảm chi, ổn định thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, bảo hiểm tài sản giúp cho người tham gia bảo hiểm có tinh thần thoải mái, ổn định cuộc sống, giúp bên bảo hiểm có khả năng tạo công ăn việc làm cho người dân, thu hút một nguồn vốn để hoạt động kinh doanh, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế đất nước. Thúc đẩy mối quan hệ kinh tế đối ngoại với nước ngoài, tạo niềm tin cho các đối tác khi tham gia bảo hiểm tài sản cũng như trở thành doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tài sản tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tiểu luận về hình thức và nội dung của hợp đồng bảo hiểm (Trang 29 - 32)