* Đặc điểm cấu tạo cơ quan sinh dục của lợn nái Cơ quan sinh dục của lợn nái bao gồm:
- Buồng trứng
Buồng trứng nằm trong xoang chậu, gồm một cặp, thực hiện cả hai chức năng: Ngoại tiết (bài noãn) và nội tiết (sản sinh ra hormone sinh dục cái). Buồng trứng được hình thành trong giai đoạn phôi thai hoặc vào lúc con vật mới sinh ra. Hình dáng và kích thước của buồng trứng biến đổi theo giai đoạn của chu kỳ sinh dục và chịu ảnh hưởng của tuổi, đặc điểm cá thể, chế độ dinh dưỡng…
Buồng trứng được bao bọc từ phía ngoài bởi một lớp màng liên kết sợi. Phía trong buồng trứng được chia thành hai miền là miền vỏ và miền tuỷ. Miền vỏ đảm bảo quá trình phát triển của trứng đến khi trứng chín và rụng.
Miền vỏ bao gồm ba phần: Tế bào trứng nguyên thuỷ, thể vàng và tế bào hình hạt. Tế bào trứng non (Fullicullooophoriprimari) hay còn gọi là trứng nguyên thủy nằm dưới lớp màng của buồng trứng. Khi noãn nang chín, các tế bào nang bao quanh tế bào trứng phân chia thành nhiều tế bào có hình hạt (Strarum
glannulosum). Noãn bao ngày càng phát triển thì các tế bào nang tiêu tan tạo
thành xoang chứa dịch. Các tầng tế bào còn lại phát triển lồi lên trên tạo thành một lớp màng bao bọc, ở ngoài có chỗ dầy lên để chứa trứng (Ovum).
- Ống dẫn trứng
Ông dẫn trứng được treo bởi màng treo ống dẫn trứng, được chia thành bốn đoạn: Tua diềm, phễu, phần rộng và eo.
- Tử cung (dạ con)
Tử cung gồm có hai sừng tử cung, một thân và một cổ tử cung.
Ở lợn, tử cung thuộc loại hai sừng, các sừng gấp nếp hoặc quăn lại và có độ dài đến hơn 1m trong khi thân tử cung lại ngắn. Độ dài này phù hợp cho việc mang nhiều thai. Cả hai mặt của tử cung được dính vào khung chậu và thành bụng bằng dây chằng rộng. Các tuyến nội mạc tử cung có cấu trúc hình nhánh, cuộn hoặc hình ống chúng tiết ra dịch và đổ vào bề mặt nội mạc tử cung.
Cổ tử cung là tổ chức sợi mà mô liên kết chiếm ưu thế kết hợp với sự có mặt của một ít cơ trơn.
- Âm đạo
Âm đạo có cấu tạo như một ống cơ. Âm đạo lợn dài 10-12cm
Ở lợn, biểu mô âm đạo tăng lên về độ cao tối đa vào lúc động dục và thấp nhất ở các ngày 12 - 16, các lớp bề mặt của biểu mô âm đạo bong ra ở các ngày 4 và 14.
Khả năng co rút ở âm đạo đóng vai trò chính trong việc đáp ứng tính dục và cho sự vận chuyển của tinh trùng. Sự co rút của âm đạo, dạ con và ống dẫn trứng được kích thích bởi dịch thể bài tiết vào trong âm đạo trong quá trình kích thích trước lúc giao phối.
Dịch âm đạo gồm chủ yếu là chất thấm qua thành âm đạo, hỗn hợp với các chất tiết của âm hộ từ các tuyến bã nhờn và các tuyến mồ hôi, lẫn với dịch nhầy của cổ tử cung, các dịch nội mạc tử cung, ống dẫn trứng và các tế bào bong ra từ biểu mô âm đạo.
- Bộ phận sinh dục ngoài
Bộ phận sinh dục bên ngoài bao gồm: Âm môn, âm vật, tiền đình.
+ Âm môn: hay còn gọi là âm hộ (Vulvae) nằm dưới hậu môn. Phía
ngoài âm môn có hai môi (Labia pudenda). Hai môi được nối với nhau bằng hai mép (Rima vulae). Trên hai môi của mỗi âm môn có sắc tố màu đen và có
nhiều tuyến tiết (như tuyến tiết chất nhờn trắng và tuyến mồ hôi)
+ Âm vật (Clitoris): Âm vật nằm ở phía dưới hai mép của âm môn, giống như dương vật của con đực được thu nhỏ lại. Về cấu tạo, âm vật cũng có các thể hổng như con đực.
+ Tiền đình (Vestibulum): Tiền đình là giới hạn giữa âm môn và âm đạo. Trong tiền đình có dấu vết màng trinh, phía trong là âm đạo, phía ngoài có lỗ niệu đạo. Màng trinh có các sợi cơ đàn hồi và do hai lá niêm mạc gấp thành một nếp. Tiền đình có một số tuyến xếp theo hàng chéo, hướng quay về âm vật, chúng có chức năng tiết dịch nhầy. (Nguyễn Mạnh Hà và cs, 2003) [7]
* Sinh lý sinh sản của lợn - Sinh lý sinh dục của lợn nái
Sinh lý sinh dục của lợn nái được biểu hiện ở các chỉ tiêu: Tuổi động dục lần đầu, chu kỳ động dục, thời gian động dục, tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu, thời gian động dục trở lại…
+ Tuổi động dục lần đầu: Là tuổi khi lợn nái hậu bị lần đầu tiên động dục. Các giống lợn khác nhau có tuổi động dục lần đầu khác nhau.
Theo Phạm Hữu Doanh và cs (2003) [5]: Tuổi động dục đầu tiên ở lợn nội (Ỉ, Móng Cái) rất sớm từ 4 - 5 tháng, khi khối lượng đạt từ 20 - 25 kg; ở lợn nái lai F1 lúc 6 tháng tuổi, đạt 50 - 55 kg. Lợn ngoại động dục muộn hơn (6 - 7 tháng) khi đạt 65 - 80 kg.
Trần Văn Phùng và cs (2004) [18] cho biết: Tuỳ theo giống, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý mà có tuổi động dục lần đầu khác nhau. Lợn Ỉ, Móng Cái có tuổi động dục lần đầu vào 4 - 5 tháng tuổi (121 - 158 ngày tuổi), các giống lợn ngoại (Yorkshire, Landrace) muộn hơn từ 7 - 8 tháng tuổi.
Theo Nguyễn Văn Trí (2008) [29]: Tuổi động dục đầu tiên ở lợn nái ngoại Yorkshire, Landrace là 6 - 7 tháng tuổi tương ứng với trọng lượng 65 - 70kg và lợn nái lai F1 là 6 tháng tuổi tương ứng với trọng lượng 50 - 55 kg.
Tuổi động dục lần đầu phụ thuộc vào mùa vụ. Lợn nái hậu bị được sinh vào mùa thu sẽ động dục sớm hơn so với sinh vào mùa xuân (Nguyễn Tấn Anh, Nguyễn Duy Hoan, 1998) [1].
Theo Lê Xuân Thọ và cs (1979) [27], đối với lợn nái hậu bị và lợn nái sau cai sữa chậm động dục, tiêm HTNC có thể gây động dục.
+ Tuổi phối giống lần đầu
Phạm Hữu Doanh và cs (2003) [5] cho rằng: Không nên phối giống ở lần động dục đầu tiên vì ở thời kỳ này cơ thể lợn chưa phát triển đầy đủ, chưa tích tụ được chất dinh dưỡng nuôi thai, trứng chưa chín một cách hoàn chỉnh. Để đạt được hiệu quả sinh sản tốt và duy trì con nái lâu bền cần bỏ qua 1 - 2 chu kỳ động dục rồi mới cho phối giống.
Lợn nội thường phối giống lần đầu lúc 6 - 7 tháng tuổi, khi khối lượng đạt 40 - 50kg, lợn lai lúc 8 tháng tuổi với khối lượng không dưới 65 - 70 kg, nái ngoại vào lúc 9 tháng tuổi.
Nếu phối giống quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc và sức khoẻ của lợn mẹ. Nhưng nếu phối giống quá muộn sẽ lãng phí về kinh tế, ảnh hưởng đến sinh sản của lợn (Nguyễn Khánh Quắc và cs, 1995) [20].
+ Tuổi đẻ lứa đầu: Theo Lê Hồng Mận cs (2004) [14], Lợn Ỉ, Móng Cái cho đẻ lứa đầu vào 11 - 12 tháng tuổi, lợn nái lai, ngoại vào 12 tháng tuổi.
+ Chu kỳ động dục của lợn nái và động dục trở lại sau khi đẻ
Chu kỳ tính dục của lợn nái thường khoảng 19 - 21 ngày. Thời gian động dục thường kéo dài 3 - 4 ngày (lợn nội) hoặc 4 - 5 ngày (lợn lai, lợn ngoại) (Nguyễn Thiện và cs, 1993) [25].
Lê Hồng Mận và cs (2004) [14] cho biết: Thường sau khi cai sữa lợn con 3 - 5 ngày, lợn mẹ động dục trở lại.
+ Đặc điểm động dục của lợn nái: Ở lợn nái, thời gian động dục chia làm 3 giai đoạn: Trước chịu đực, chịu đực và sau chịu đực.
Trước chịu đực: Lợn nái kêu rít, âm hộ xung huyết, không cho con khác nhảy lên lưng. Sự rụng trứng xảy ra sau 35 - 40 giờ ở lợn ngoại và lợn lai, 25 - 30 giờ ở lợn nội.
Chịu đực: Lợn kém ăn, mê ì, đứng yên khi ấn tay lên lưng mông, âm hộ giảm sưng, nước nhờn chảy ra, dính, đục, đứng yên khi có đực đến gần và cho
đực nhảy. Giai đoạn này kéo dài 2 ngày ở lợn ngoại, 28 - 30 giờ ở lợn nội. Nếu được phối giống lợn sẽ thụ thai.
Sau chịu đực: Lợn nái trở lại bình thường, âm hộ giảm sưng, đuôi cụp, không cho con đực đến gần và nhảy lên lưng.
+ Thời điểm phối giống thích hợp: Đối với lợn nái ngoại và lợn nái lai cho phối vào chiều ngày thứ 3 và sáng ngày thứ 4, tính từ lúc bắt đầu động dục. Đối với lợn nái nội, sớm hơn một ngày vào cuối ngày thứ 2 và sáng ngày thứ 3. Theo Nguyễn Hữu Ninh và cs (2002) [17], thời điểm phối giống ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai và sai con. Phối sớm hoặc phối muộn đều cho kết quả kém, nên cho nhảy kép hoặc thụ tinh nhân tạo kép vào thời điểm tối ưu.
+ Mang thai: Thời gian mang thai của lợn trung bình là 114 ngày (113 - 115 ngày). Thời gian chửa của lợn nái được chia làm hai thời kỳ:
Chửa kỳ I: Là thời gian lợn có chửa 84 ngày đầu tiên.
Chửa kỳ II: Là thời gian lợn chửa từ ngày chửa thứ 85 đến khi đẻ. - Năng suất sinh sản của lợn
Một lợn nái một năm trung bình có thể đẻ từ 1,8 - 2,2 lứa/năm. Tuy nhiên, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn. Đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái thông qua các chỉ tiêu: Số con sơ sinh, số con cai sữa, khối lượng lợn con sơ sinh và cai sữa, tỷ lệ nuôi sống, số lứa đẻ/năm…