Kiệu thánh tử đạo xứ Đông Trì

Một phần của tài liệu Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và những định hướng phát triển du lịch. (Trang 49 - 50)

3. Một số lễ hội Công giáo nổi tiếng tại một số địa phương

3.2Kiệu thánh tử đạo xứ Đông Trì

Đồng Trì là một xứ đạo lâu đời thuộc địa phận Hà Nội. Về hành chính, Đồng Trì thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Cũng như các xứ đạo khác, Đồng Trì thờ thánh tử đạo và có lễ tưởng niệm thánh tử đạo.

Hàng năm cứ độ xuân về giáo dân xứ Đồng Trì tiến hành lễ kỷ niệm thánh tử đạo. Lễ này không chỉ của một xứ đạo mà là của một vùng đạo thuộc huyện Thanh Trì và những xứ đạo nội thành, thành phố Hà Nội như các xứ: Giáp Bát, Hàm Long, Nhà thờ lớn. Từ mấy ngày trước lễ, giáo dân đã tổ chức kết đèn, hoa, chăng cờ, náo nức chuẩn bị cho ngày lễ.

Lễ được tổ chức vào buổi sáng ngày 18-2. Mở đầu là cuộc đi Kiệu. Xứ đạo có hai kiệu vàng bát cống cổ. Ngày lễ, một kiệu dùng để rước hài cốt thánh tử đạo, một kiệu rước đức Mẹ, được gọi là kiệu đức Mẹ. Hai chiếc kiệu đều được lau chùi sạch sẽ, kết hoa tươi nhiều mầu, vì thời tiết đang là mùa xuân.

Trên một chiếc kiệu tựa như long đình có đặt chiếc hòm nhỏ, trong hòm có hài cốt thánh tử đạo. Sáu nhi nữ thướt tha trong bộ quần áo dài mầu trắng, đeo lẵng hoa trước ngực. Hoa mùa xuân tươi và thơm được cắt nhỏ. Các nhi nữ đi giật lùi trước kiệu, thay phiên nhau, hai người tung hoa một lượt. Hoa được trữ, được tung thế nào đủ để đến hết lượt về. Kiệu được 8 người khiêng, 4 người mặc áo vàng, 4 người mặc áo đỏ. Tiếp sau kiệu là 4 chú nhỏ giúp lễ mặc áo liền váy màu trắng, tay chắp trước ngực. Linh mục chính xứ mặc áo đỏ được che lọng xanh đi kế tiếp theo.

Kiệu Đức Mẹ đi sau kiệu Thánh tử đạo. Kiệu do 4 thanh nữ khiêng. Hai thanh nữ đi đầu mặc áo dài mầu vàng, hai thanh nữ đi sau mặc áo dài mầu trắng.

Cả hai kiệu đều xuất phát từ trong lòng nhà thờ. Hai kiệu được xông hương, linh mục làm phép kiệu.

Theo giờ đã định, đám rước bắt đầu sau hiệu lệnh là một hồi chuông gióng dả. Đi trước hết là một chú nhỏ xông hương. Khói hương trầm xanh lam, mùi hương thơm vấn vít; tiếp sau là các bô lão gồm 12 người khác mặc áo thụng xanh 3 người đi đầu, một người cầm thánh giá, hai người đi phía sau cầm nến chân cao, tiếp theo là bát bửu. Một bát bửu hình lá đề có ghi bốn chữ Hán “ Phương danh Thánh Mẫu”; Sau đó là hội đoàn với các em gái nữ, trai nam, hội trống, hội kèn, hội đoàn của thanh nam, thanh nữ, sau đến hội đoàn của các ông, các bà. Một số hội đoàn có cờ hội, cờ hình chữ nhật, phía trên bằng, phần dưới cắt đuôi theo. Tên của hội đoàn được thêu trên cờ.

Theo thông lệ, ngày lễ kỷ niệm, một số linh mục ở các xứ đạo quanh vùng về đồng tế. Các linh mục đều mặc áo đỏ. Một trong số họ được mời giảng lễ, hay nói cách khác được mời chủ trì thánh lễ. Các bài giảng thường ngắn gọn, nội dung toát lên được cuộc đời thánh tử đạo với cái chết mà thánh đã chọn để giữ đạo. Ý nghĩa cái chết vì đạo như trái nho ép nên thành rượu ngọt, hạt lúa nghiền nát hóa bánh thơm. Hạt giống gieo hư nát đi trong đất sẽ trở nên mùa gặt hái hân hoan.

Cuộc đi kiệu diễn ra trong khuôn viên nhà xứ. Thời gian thường kéo dài khoảng một giờ. Sau cuộc đi kiệu, giáo dân vào nhà thờ tham dự thánh lễ.

Một phần của tài liệu Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và những định hướng phát triển du lịch. (Trang 49 - 50)