- Sau khi cho vay:
3.2.1.4- Phòng chống rủi ro tín dụng :
Bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào thì quá trình sinh lời đều luôn đi cùng với rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Ngoài việc thực hiện các chủ trương của Ngân hàng cấp trên đề ra, thì ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thi Phổ cần phải có một số giải pháp để phòng ngừa rủi ro.
• Một số nguyên nhân gây ra rủi ro :
- Rủi ro liên quan đến người vay tiền : Do yếu tố chủ quan của Ngân hàng, đó là việc ưu ái cũng như đặt lòng tin ở một số khách hàng trên các phương diện sau :
+ Không chắc chắn rằng khách hàng đó có đủ năng lực pháp lý để thực hiện hoạt động kinh doanh hay không ?
+ Chưa xem xét vấn đề khách hàng có thể trả nợ được không nếu xảy ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh của khách hàng đó.
Do tập trung một số khách hàng vay vốn như vậy nên rủi ro cũng tập trung vào những khách hàng này và khi họ không trả được nợ, nguy cơ thua lỗ, nợ khó đòi tăng cao đe dọa đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng là điều khó tránh khỏi.
- Rủi ro về kỹ thuật nghiệp vụ : Ngân hàng đã cho khách hàng vay tiền mà không kiểm soát được mục đích của khách hàng là vay để làm gì, cần số tiền thực sự là bao nhiêu và cần trong thời hạn bao lâu. Nếu như
khách hàng vay tiền để mở rộng hoạt động ( mua sắm máy móc thiết bị… ) thì xảy ra rủi ro là lẽ đương nhiên.
- Rủi ro liên quan đến bảo đảm : Khi cho vay, có trường hợp ngân hàng đã không xem xét khả năng đảm bảo tiền vay của khách hàng.
Ngoài ra còn một số rủi ro mà ngân hàng đã không lưu tâm, đó là đạo đức của khách hàng. Sau khi các khoản nợ trên buộc phải chuyển thành nợ khó đòi thì các khách hàng cũng lộ nguyên hình là những người lừa đảo. Chính vì khách hàng như vậy nên dù ngân hàng có phòng bị đến đâu, có đảm bảo vững chắc mấy đi nữa thì cũng có thể bị lừa.
• Các giải pháp giải quyết rủi ro :
Ngân hàng sẽ khởi kiện những khách hàng cố tình vi phạm hợp đồng tín dụng, hoặc xiết nợ những tài sản đã được thế chấp cầm cố cho ngân hàng.
Bên cạnh đó ngân hàng tăng cường đẩy mạnh công tác tín dụng để tăng dư nợ, hạ thấp tỷ lệ nợ quá hạn để đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng có lãi, tăng thu nhập, từ đó ổn định tâm lý và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên trong ngân hàng.
Tuy nhiên bên cạnh các giải pháp trên, về lâu về dài mang tính chiến lược, ngân hàng cần phải triển khai các biện pháp đề phòng đối phó với các rủi ro trong tín dụng như sau :
* Thứ nhất : Phân chia và giới hạn các rủi ro.
Ngân hàng có thể phân chia các rủi ro trong hoạt động tín dụng qua các hình thức sau đây :
+ Cho nhiều khách hàng vay : Ngân hàng sử dụng vốn cho càng nhiều khách hàng vay thì rủi ro càng được phân chia. Tuy nhiên sự phân chia cũng có giới hạn. Nếu phân chia quá mức thì các phí tổn sẽ quá nhiều so với lợi nhuận thu được. Trường hợp khách hàng cần vay một số tiền quá lớn thì ngân hàng nên chia số tiền đó cho một ngân hàng khác nằm trên cùng địa bàn, đó là áp dụng hình thức tín dụng liên đới hay gọi theo cách gọi hiện nay là đồng tài trợ.
+ Cho nhiều ngành hoạt động vay : Ngân hàng nên đầu tư vốn vào nhiều ngành kinh tế khác nhau thì có thể tránh được những hậu quả tai hại nếu có khủng hoảng xảy ra cho lĩnh vực đó và ngân hàng phải xem xét các rủi ro chia theo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường.
+ Cho vay ở nhiều vùng khác nhau : Vốn tín dụng đầu tư của ngân hàng nên phân chia ra nhiều vùng.
+ Giới hạn số tiền cho vay : Lẽ dĩ nhiên ngân hàng muốn lợi nhuận nhiều thì phải cho vay thật nhiều, nhưng ngân hàng cần nghĩ đến các rủi ro và phải giới hạn các rủi ro. Vì vậy ngân hàng phải rất thận trọng đối với những khách hàng có nhu cầu vay vốn cao, nếu khách hàng đến vay lần đầu thì nên cho vay với mức vừa phải, hợp lý, để có thể giữ được khách hàng đến lần sau.
* Thứ hai : Xem xét cẩn thận hồ sơ khách hàng.
Muốn tránh được phần nào rủi ro trong nghiệp vụ tín dụng, khi ngân hàng nhận được đề nghị vay vốn của khách hàng, cần phải xem xét hồ sơ đó một cách hết sức cẩn thận dưới nhiều khía cạnh để quyết định xem có cho vay được hay không và nếu cho vay được thì cho vay bao nhiêu, trong thời gian bao lâu và dưới hình thức tín dụng nào.
Việc xem xét hồ sơ càng cẩn thận thì ngân hàng càng tránh được những rủi ro. Vì vậy các cán bộ tín dụng có trách nhiệm xem xét hồ sơ phải có khái niệm căn bản về nguồn gốc các rủi ro mà ở phần trước đã đề cập.
Khi xem xét hồ sơ cần dựa vào các yếu tố căn bản như :
+ Dự án đầu tư của khách hàng có thích hợp với hoàn cảnh kinh tế không và có phù hợp với chính sách tín dụng do Chính phủ đề ra không.
+ Ngân hàng có lợi ích gì trong việc đầu tư vốn vào các khách hàng này.
Dựa trên các yếu tố vừa kể, ngân hàng sẽ xem xét hồ sơ khách hàng theo các điểm chính sau :
+ Năng lực pháp lý của khách hàng, phải xem người đó có đủ năng lực pháp lý để giao dịch với ngân hàng không.
Ngân hàng cũng cần tìm hiểu những thông tin cần thiết về khách hàng như tài sản, công nợ, tình hình sản xuất kinh doanh…
+ Mục đích vay vốn của khách hàng. Sau khi xem xét thông tin về khách hàng, ngân hàng cần xét đến mục đích vay vốn của khách hàng : Vay làm gì, vay bao nhiêu và vay trong bao lâu ?
Muốn biết khách hàng vay để làm gì, cần phải phân biệt ba trường hợp sau đây : Khách hàng hoạt động điều hoà, khách hàng hoạt động quá mạnh và khách hàng hoạt động quá kém.
- Khách hàng hoạt động điều hoà thường hay ứng trước cho đối tác và thường trong lúc chờ được thanh toán, khách hàng tạm thời thiếu vốn lưu động.
- Khách hàng hoạt động quá mạnh : Có thể sản xuất kinh doanh nhiều hơn trước nhưng không đủ vốn để gia tăng hoạt động. Nếu ngân hàng cho vay tiền để mua thêm máy móc thiết bị thì cần thận trọng vì đây là tín dụng trung dài hạn mặc dù khách hàng hy vọng trả được nợ nhanh chóng nhờ lợi nhuận tăng lên sau khi có thêm phương tiện sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể cho vay khi xem xét hiệu quả dự án đầu tư của khách hàng và nhu cầu thị trường.
- Khách hàng hoạt động quá kém : Ngân hàng phải xem nguyên nhân khách hàng hoạt động kém, nếu không thể khắc phục được thì từ chối không cho vay.
+ Xem xét các biện pháp đảm bảo tiền vay. Tín dụng thường gặp rủi ro, vì vậy yếu tố đảm bảo tiền vay cần được lưu ý.
+ Ngân hàng phải xem xét thị trường sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đầu ra của khách hàng. Bên cạnh đó ngân hàng còn phải biết các chuyển biến về tình hình kinh tế của địa phương để dự đoán các rủi ro có thể xảy ra với đồng vốn cho vay của ngân hàng.
Ví dụ như đối với dự án chăn nuôi bò sữa ở địa phương, cần phải xem xét giá cả đầu tư cho một con bò là bao nhiêu, và sau đó thu được bao nhiêu lượng sữa, và phải có nơi tiêu thụ, để có thể sau khi trừ đi các khoản chi phí thì được lợi nhuận, thì dự án đó mới đạt hiệu quả.
Tóm lại trong hoạt động tín dụng, ngân hàng phải hết sức thận trọng vì có thể gặp nhiều rủi ro. Huy động tiền gửi của khách hàng nhiều mà không cho vay thì ngân hàng sẽ lỗ. Trái lại nếu ham lợi nhuận nhiều và cho vay bừa bãi thì nguy cơ gây tổn thất cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ cao.
3.2.1.5- Đơn giản hoá thủ tục vay vốn đối với hộ vay không phải thực hiện thế chấp tài sản :