Hiệp định Việt Nam- Hoa Kỳ cho phép Việt Nam được quyền duy trì không thời hạn chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư đối với hầu hết các Dự án Nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ như phát thanh, truyền hình; sản xuất, xuất bản và phân phối các sản phẩm văn hoá; xây dựng và vận hành cảng biển, cảng sông, ga hàng không ... Đối với các Dự án này, Việt Nam phải thực hiện chế độ cấp và quản lý giấy phép trên cơ sở đối xử MFN. Các tiêu chuẩn cấp hoặc từ chối cấp giấy phép đầu tư được đăng công khai, dễ hiểu và không vượt quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý chính đáng. Hiện nay, phạm vi các dự án trong diện thẩm định cấp giấy phép đầu tư thuộc quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ là rất rộng, bao gồm cả dự án BOT, BTO, BT, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; kiểm
toán, giám định; nghiên cứu khoa học; đào tạo; sản xuất thuốc chữa bệnh cho người; khám, chữa bệnh ... (khoản 26 Điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, theo Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ thì các lĩnh vực hoạt động này lại không thuộc phạm vi mà Việt Nam được phép duy trì chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư. Ngoài ra, chế độ cấp giấy phép đầu tư nước ngoài chỉ mới được áp dụng trên cơ sở Tối huệ quốc (MFN) mà chưa trên cơ sở Đối xử quốc gia (NT). Trên thực tế, dự án đầu tư nước ngoài có yêu cầu cấp phép khác biệt so với các dự án đầu tư trong nước. Vì vậy, cần sửa đổi dần Danh mục dự án thuộc diện thẩm định cấp giấy phép đầu tư để phù hợp yêu cầu của Hiệp định. Tiếp tục thực hiện công khai các tiêu chí cấp và từ chối cấp giấy phép, thực hiện cải cách hành chính trong việc thẩm định cấp giấy phép đầu tư.
Hiệp định Việt Nam- Hoa Kỳ có yêu cầu sau 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các dự án có vốn đầu tư đến 5 triệu USD; các dự án có tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu 50% sản phẩm; trong vòng 6 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, áp dụng chế độ đăng ký cấp phép đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư đến 20 triệu USD; và sau 9 năm kể từ ngày HĐ này có hiệu lực, thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án khác có vốn đầu tư đến 20 triệu USD, trừ các dự án thuộc diện thẩm định cấp phép đầu tư. Hiện nay, phạm vi các dự án thuộc diện đăng ký cấp giấy giấy phép đầu tư theo pháp luật Việt Nam là hẹp so với cam kết với Hoa Kỳ, như Dự án phải không thuộc Dự án nhóm A, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sản phẩm đã được duyệt; không thuộc Danh mục Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, ... (Nghị định 24/2000/NĐ-CP và Nghị định 27/2003/NĐ-CP). Các yêu cầu này là rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định.
Trong Luật mới phục vụ gia nhập WTO sẽ mở rộng phạm vi các dự án thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư thay cho thẩm định cấp phép đầu tư đang phổ biến hiện nay.