Từ diễn biến tỷ giá trên, có thể thấy rằng giá trị của đồng Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhập siêu và lạm phát kéo dài. Trong 6 tháng đầu năm 2010, nhập siêu của Việt Nam đã lên tới 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt thương mại này đã được bù đắp bằng cán cân vốn, và chủ yếu là luồng vốn đầu tư dài hạn. 6 tháng đầu năm, cán cân vốn thặng dư hơn 7 tỷ USD do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 5,4 tỷ USD, vốn ODA giải ngân khoảng 1,4 tỷ và vốn đầu tư gián tiếp khoảng 1,8 tỷ USD. Như vậy, tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong quý II/2010 và 6 tháng đầu năm 2010 vẫn trong trạng thái ổn định, tích cực. Thêm vào đó, lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 4,87%, thấp nhất là vào tháng 6, chỉ tăng 0,22 %. Chính vì thế, trong 6 tháng vừa qua, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định nhất là trong giai đoạn quý 2, tỷ giá chỉ giao động quanh mức 18.950-19.000 VND.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá được dự báo là sẽ biến động mạnh.
Thứ nhất, áp lực nhập siêu tăng mạnh, chỉ riêng 6 tháng đầu năm chiếm 20.9% tồng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra 20%.
Trong quý 3, 4, lượng vốn FDI đổ vào vẫn sẽ tiếp tục gia tăng tốc độ giải ngân được cải thiện nhanh tập trung vào nhiều dự án có quy mô lớn. Do đó nhu cầu nhập khẩu thiết bị từ nhóm doanh nghiệp FDI là rất cao làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Hơn nữa, phần lớn lượng FDI tập trung vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản (hơn 47% trong năm 2009) và nhà hàng, khách sạn (hơn 30% trong năm 2009). Hai lĩnh vực này rõ ràng sẽ không mang lại nhiều giá trị xuất khẩu nhưng lại tạo ra lượng nhập khẩu cao trong tương lai. Do vậy, ngay cả khi giải ngân FDI trong năm nay cao cũng chưa chắc đã đảm bảo cho sự cải thiện của cán cân thanh toán hay sự lên giá của VND so với USD. Ngoài ra, khả năng cung cấp của ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế vì vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng nền kinh tế phục thuộc vào nhập khẩu. Nếu kiềm chế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước. Giá nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu lại đang tăng mạnh do thị trường thế giới phục hồi, đồng thời nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cho sản xuất tăng trở lại.
Trung Quốc hiện là thị trường mà Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất tới 9,1 tỷ USD và đồng thới là thị trường có kim ngạch nhập siêu lớn nhất đạt gần 7 tỷ
USD chỉ trong nửa đầu năm 2010. Tuy nhiên do lợi thế cạnh tranh thì nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn có lợi hơn so với các nguồn từ Châu Âu hay Mỹ vốn có nhiều biến động đối với đồng tiền quốc gia mình như USD và EUR. Việc Trung Quốc có quyết định điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ từ tháng 6 sẽ có tác động gây áp lực lên kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong các Quý sắp tới, nhưng nhu cầu hàng hóa tại thị trường này của Việt Nam khá lớn và chưa có thị trường thay thế hợp lí
Thứ hai là tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh do sự phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra phức tạp không như dự đoán. Giá hàng hóa xuất khẩu lại không thể tăng do phần lớn các doanh nghiệp đã chốt giá bán ngay khi ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm. Nhóm hàng nông- lâm- thủy hải sản chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào giá cả và khách hàng trung gian. Những mặt hàng khoáng sản như dầu khí, than vốn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu thì đang giảm mạnh do chủ trương hạn chế và dành một phần cung cấp cho các nhà máy sản xuất trong nước. Ngoài ra, nhiều mặt hàng đã đến giới hạn về sản lượng nên rất khó có thể thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nhóm nông-lâm- thủy sản vốn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thứ ba, do tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2010 ở mức 20,23%, ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó DN xuất khấu ứng bán trước khoảng 1,4 tỷ USD và vay thanh toán nhập khẩu ước tính khoảng 600 triệu USD. Do vậy, cung ngoại tệ sẽ giảm và cầu ngoại tệ lại tăng trong 6 tháng cuối năm với con số tương ứng gây áp lực lên việc điều hành tỉ giá và thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vào thời điểm cuối năm
Vì vậy, cầu ngoại tệ 6 tháng cuối năm dự báo là sẽ rất lớn trong khi nguồn cung thì tương đối ổn định từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp, ODA, và đầu tư gián tiếp. Thời điểm quý 3 hàng năm vốn rất nhạy cảm đối với tỷ giá, bởi tỷ giá thường có xu hướng tăng khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu, trả nợ vay khá lớn, vì vậy có khả năng tỷ giá se có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn này và sẽ ổn định hơn vào thời điểm cuối năm.