Thực trạng giao dịch quyền chọn vàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Một phần của tài liệu GIAO DỊCH QUYỀN CHỌN VÀNG (Trang 46 - 50)

- Thứ ba, thực hiện giao dịch quyền chọn vàng

2.3.3 Thực trạng giao dịch quyền chọn vàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

mại Việt Nam

2.3.3.1 Giai đoạn từ 2004 – 2009

Trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, giao dịch quyền chọn vàng đã được cung cấp tại một số NHTM Việt Nam. Không như giao dịch quyền chọn ngoại tệ, một sản phẩm tài chính phái sinh đã được NHNN cho phép tất cả các NHTM có hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam triển khai sau quyết định 1452/2004, các NHTM tại Việt Nam có nhu cầu cung cấp giao dịch quyền chọn vàng thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN. NHTMCP Á Châu là NHTM đầu tiên triển khai giao dịch quyền chọn vàng vào ngày 15/12/2004. Sản phẩm quyền chọn vàng đã được các doanh nghiệp và cá nhân biết đến và sử dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho các khoản phải trả và phải thu bằng vàng trong tương lai, đồng thời giúp nhà đầu tư có khả năng tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự biến động giá vàng.

Thực tế cho thấy lượng KH giao dịch quyền chọn vàng tại các NH hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh vàng, sử dụng quyền chọn vàng để phòng ngừa rủi ro cho hoạt động nhập vàng hoặc mua bán vàng của mình trên thị trường là chính nhưng có kết hợp với việc tìm kiếm cơ hội sinh lợi bằng sự am hiểu nhất định của mình về tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước cũng như khả năng phân tích, dự đoán về biến động giá vàng trong tương lai. Rất ít có khách hàng cá nhân nào sử dụng giao dịch quyền chọn vàng với NH để tìm kiếm lợi nhuận mà chủ yếu là bảo

hiểm cho rủi ro biến động giá vàng gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán bằng vàng hoặc khoản tiết kiệm và vay nợ bằng vàng của họ trên thị trường.

Điều này được thể hiện khá rõ nét tại NHTMCP Á Châu. Lượng KH giao dịch quyền chọn vàng tại đây chủ yếu là các KH cá nhân có nhu cầu phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng cho các khoản thanh toán bằng vàng trong tương lai, nhiều nhất là phục vụ cho khoản đặt cọc vàng hoặc thanh toán vàng trong mua bán nhà đất và trả nợ vay nên họ chủ yếu giao dịch các quyền chọn mua (call) và một vài quyền chọn bán (put) có quy mô tương đối nhỏ, dưới 200 lượng trong đó có những quyền chọn có quy mô khá nhỏ, chỉ 50 lượng cho một quyền chọn. Sự thay đổi quy mô tối thiểu trong hoạt động bán quyền chọn mua và bán cho KH của NHTMCP Á Châu chỉ mới được thực hiện trong năm 2006 mặc dù trước đây khi NH mới triển khai giao dịch này vào cuối năm 2004 thì NH chỉ thực hiện với các giao dịch có quy mô tối thiểu từ 100 lượng vàng trở lên, thời hạn hợp đồng từ 2 tuần đến 12 tuần (3 tháng).

Đơn cử như số liệu về tình hình hoạt động quyền chọn vàng tại NHTMCP Á Châu trong 4 tháng năm 2006. Đặc biệt là trong những tháng có những biến động mạnh nhất của thị trường vàng trong nước và thế giới – đạt mức giá kỷ lục cao nhất vào tháng 5/2006. Về tình hình giao dịch quyền chọn vàng của NHTMCP Á Châu từ tháng 4 – 7/2006, ta thấy rằng, trong 4 tháng, lượng khách hàng chủ yếu mua quyền chọn mua tại NH: 20 call, trị giá 1.810 lượng, chiếm tỷ lệ 89% tổng số hợp đồng quyền chọn vàng ACB đã bán. Chỉ có 2 put, kỳ hạn 1 tháng, được ACB bán trong tháng 4, trị giá 350 lượng cho KH có nhu cầu bảo hiểm rủi ro cho khoản vàng thu được từ hoạt động bán nhà, nhận vàng vào 18/5/2006. Nhưng hợp đồng quyền chọn bán này cuối cùng KH cũng không thực hiện vào ngày 18/5/2006, giá vàng giao ngay đã vượt khá xa so với giá thực hiện (12,1 triệu VND/lượng) của quyền chọn này.

Xét về khía cạnh hiệu quả của nghiệp vụ quyền chọn vàng, ta thấy rằng hoạt động quyền chọn vàng của NHTMCP Á Châu có kết quả khá thấp. Chỉ có 44 hợp đồng quyền chọn vàng, trị giá hơn 5.649 oz được ký kết tại NH, trong đó, có 23 hợp đồng quyền chọn, trị giá 2.280 lượng vàng, tương đương với quy mô trung bình 99 lượng/quyền chọn, được NH bán cho các KH trong nước; phần còn lại, 21 hợp đồng quyền chọn, trị giá 2.900 oz, tương đương với quy mô trung bình 130 oz/quyền chọn

được NHTMCP Á Châu thực hiện với đối tác nước ngoài nhằm phòng ngừa rủi ro cho trạng thái mở của quyền chọn vàng đã cung cấp. Bởi vì, NHTMCP Á Châu đều thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài ngay khi thực hiện bán một quyền chọn cho khách hàng mặc dù quy định của ngân hàng cho phép duy trì hạn mức trạng thái cho giao dịch quyền chọn vàng không có đối ứng lên đến 10.000 lượng vàng (hoặc tương đương) với hạn mức tổng lỗ tối đa không vượt quá 200.000 USD. Cho nên, tổng số hợp đồng quyền chọn, trị giá hợp đồng, loại quyền chọn và thời hạn giao dịch mà ACB giao dịch với đối tác (chủ yếu là mua quyền chọn từ đối tác) sẽ tương ứng với hợp đồng quyền chọn mà ACB đã bán cho khách hàng trong nước.

Như vậy, ACB thực chất chỉ là một trung gian cung cấp giao dịch quyền chọn cho KH để nhận chênh lệch giữa khoản phí nhận được từ KH mua quyền chọn tại NH và khoản phí mà NH phải trả cho đối tác nước ngoài. ACB luôn có một mức lợi nhuận không có rủi ro từ cung cấp giao dịch quyền chọn vàng, khoảng 300 triệu VND/ 4 tháng trên phần chênh lệch phí, tức là khoảng hơn 1 tỷ VND cho tổng doanh số quyền chọn vàng mà NH đã thực hiện trong năm 2006, khoảng 27.000 oz vàng, gồm cả giao dịch quyền chọn ACB bán cho khách hàng trong nước và thực hiện đối ứng với nước ngoài. Ngoài ra, mức lợi nhuận này chưa tính đến mức sinh lời có được từ biến động giá vàng làm cho trạng thái quyền chọn mà NH mua được từ đối tác trong tình trạng cao giá (ITM).

Theo số liệu từ NHTMCP Á Châu, ước tính mức lợi nhận từ hoạt động kinh doanh vàng của NH trong năm 2006 đem lại chiếm từ 9 - 10% tổng lợi nhuận của NH. Trong đó, lợi nhuận từ giao dịch quyền chọn vàng đem lại cho NH chỉ khoảng gần 2 tỷ VND. Đây là mức lợi nhuận chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong tổng mức lợi nhuận của ngân hàng hoặc mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng tại ngân hàng trong năm qua nhưng cũng đã góp phần đáng kể trong việc gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng.

Nếu tính trong bình diện chung của các NHTM cung cấp giao dịch quyền chọn vàng trên địa bàn TPHCM thì NHTMCP Á Châu có thể được xem là NH có lượng KH giao dịch nhiều nhất và có kết quả từ giao dịch này là tốt nhất.

Cụ thể là NHTMCP Sài gòn thương tín sau một thời gian cung cấp đã tạm ngưng sản phẩm này từ cuối tháng 12/2005 cho đến nay vì quy mô giao dịch quyền chọn vàng tại NH này khá cao, tối thiểu 100 lượng vàng nhưng tại một số thời điểm đã lên đến 800 lượng vàng và mức phí phải trả rất cao vì khi bán nghiệp vụ này NHTMCP Sài gòn thương tín phải mua đối ứng lại với NH nước ngoài và điều kiện của NH nước ngoài phải có từ 800 lượng vàng trở lên và mức phí được tính theo giá vàng thế giới, ở một số thời điểm lên đến 2,5%/doanh số, gần 30%/năm cho hợp đồng quyền chọn kỳ hạn 1 tháng14. Dẫn đến tình trạng có rất ít khách hàng giao dịch tại ngân hàng, lợi nhuận có được không bao nhiêu so với chi phí đầu tư cho sản phẩm. Do đó, ngân hàng đã tạm thời ngưng cung cấp sản phẩm quyền chọn này cho đến nay.

Hoặc như NHTMCP Xuất nhập khẩu VN, mặc dù giao dịch quyền chọn đã được triển khai từ đầu năm 2006 nhưng cho đến nay chỉ có 2 hợp đồng quyền chọn mua được ký kết giữa KH trong nước với NH, trị giá 200 lượng vàng. Trong khi đó, nghiệp vụ kỳ hạn lại thu hút đến 65 ngàn lượng vàng với 338 hợp đồng được ký kết dù nghiệp vụ này cũng mới được NH này áp dụng và cho phép KH của mình thực hiện vào đầu năm 2006.

Như vậy, thông qua một vài số liệu về kết quả có được cũng như tình hình triển khai thực hiện giao dịch quyền chọn vàng tại các NHTMVN trong thời gian qua đã cho thấy giao dịch quyền chọn vàng vẫn còn khá mới mẻ, chưa đem lại kết quả kinh doanh như bản thân những lợi ích có được từ giao dịch này cho bản thân các ngân hàng cung cấp và ngay cả các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.

2.3.3.2 Giai đoạn 2010 – nay

Thông tư số 01/2010/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài kể từ ngày 6/1/2010. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài trước ngày 30/3/2010. Các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 30/3/2010.

Trước đó, ngày 30/12/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức, và chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 30/12/2009, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động. Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18/1/2006.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với hoạt động kinh doanh vàng là đồ trang sức vẫn được phép tiến hành bình thường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Nhưng để hoạt động này đi vào nề nếp và đúng quy định thì Ngân hàng nhà nước và UBND cấp tỉnh phải có sự tổ chức và hướng dẫn cụ thể. Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát lại tất cả các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình Chính phủ ban hành thành một Nghị định quản lý đối với vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với loại hàng hóa đặc biệt này.

Hiện nay các NHTM không còn sản phẩm quyền chọn vàng do hoạt động không hiệu quả.

Một phần của tài liệu GIAO DỊCH QUYỀN CHỌN VÀNG (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(64 trang)
w