Trong “Từ vựng học tiếng Việt”, Nguyễn Thiện Giáp viết: “Từ địa phương là những từ được dùng hạn chế ở một hoặc một vài địa phương, từ địa phương là một dạng biến thể của vốn từ vựng của ngôn ngữ dân tộc” [18;292]. Từ địa phương phát sinh do khoảng cách địa lí, điều kiện tự nhiên, sự kiện lịch sử, phong tục, tập quán của một cộng đồng người. Vì vậy, từ địa phương mang đậm dấu ấn văn hóa nơi sinh ra nó. Đồng thời, nó cũng có những khác biệt nhất định về ý nghĩa, sắc thái biểu cảm so với từ toàn dân.
Ngoài ra, trong ngôn ngữ học, từ là kết quả của hoạt động định danh. Hiện thực thường được gọi tên theo cách tri nhận của con người. Sự gọi tên này đã tạo ra các từ và các đơn vị tương đương. Từ là kết quả của hoạt động phân cắt hiện thực của con người. Phân cắt hiện thực là biểu hiện đặc trưng văn hóa của từng dân tộc. Mỗi dân tộc sống trong một môi trường tự nhiên khác nhau, tuy quy luật tư duy của các dân tộc trong quá trình nhận thức là giống nhau nhưng cảm nhận, phân tích, gọi tên các hiện tượng thiên nhiên lại không hoàn toàn giống nhau. Khả năng quan sát cùng với thói quen, phong tục tập quán làm cho mỗi cộng đồng có cách định danh khác nhau. Vì vậy, ý nghĩa của từ không chỉ lưu giữ kinh nghiệm, tri thức mà nó còn lấp lánh trong đó một nền văn hóa. “Trong ý nghĩa của từ có lưu giữ lại sự hiểu biết của con người đã thu nhận, tích lũy được trong quá trình nhận thức thế giới khách quan (…). Ngoài ra, trong ý nghĩa của từ cũng còn ghi lại cả những yếu tố văn hóa dân tộc như: các hình ảnh, cách so sánh truyền thống, sự biểu trưng…” [85;62]. Cùng một đối tượng có thể được gọi tên khác nhau tùy thuộc vào tâm lí của cộng đồng, văn hóa cũng như điều kiện tự nhiên xã hội của mỗi vùng.
Nam Bộ là vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Vùng đất này có lịch sử, điều kiện thiên nhiên khác với các vùng khác. Chính môi trường thiên nhiên, điều kiện sống đã tạo nên một vùng văn hóa rất đặc trưng. Các từ địa phương trong văn học dân gian Nam Bộ góp phần thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của vùng.