Theo dõi dấu hiệu lâm sàng sau nong van ĐMP

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả nong van động mạch phổi bằng bóng qua da ở trẻ em dưới 2 tuổi hẹp van động mạch phổi đơn thuần (full text) (Trang 114 - 116)

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, độ bão hòa oxy qua da (SpO2) tăng rõ rệt sau nong van ở thời điểm 3 ngày, mức SpO2 ≥ 95% tăng từ 34,3% lên 73,7% bệnh nhi, trong đó nhóm bệnh nhi hẹp van ĐMP trung bình là 88,2%, nhóm bệnh nhi hẹp van ĐMP nặng là 58,3%. Chỉ còn 26 bệnh nhi (26,3%) có SpO2 < 95%, trong đó nhóm hẹp van ĐMP trung bình chiếm 11,8%, ít hơn nhóm hẹp van ĐMP nặng 41,7%, mức độ thay đổi này có sự khác biệt giữa hai nhóm (p = 0,001). Tuy nhiên SpO2 cải thiện rõ rệt theo thời gian, sau 1 tháng nong van chỉ còn 8 bệnh nhi (8,2%) có SpO2 < 95%, sau 3 tháng chỉ còn 1 bệnh nhi (1%) và sau 6 tháng tháng sau nong van ĐMP thì 100% bệnh nhi có SpO2 ≥ 95%. Chúng tôi nhận thấy không có sự thay đổi khác biệt về SpO2 giữa hai nhóm hẹp van ĐMP trung bình và nặng từ thời điểm sau nong van 1 tháng (p > 0,05). Như vậy ngay sau nong van ĐMP thành công, máu từ thất phải đã lên ĐMP tốt hơn, trao đổi oxy ở phổi được cải thiện, do đó SpO2 tăng lên và trở về mức giới hạn bình thường (≥ 95%) vào thời điểm 6 tháng sau nong van ĐMP. Trong vòng 6 tháng sau nong van ĐMP, cùng với tình trạng suy tim cải thiện, chức năng thất phải trở về bình thường, do đó 100% các trẻ có độ bão hòa oxy qua da trở về bình thường.

Endale và cộng sự [107] theo dõi kết quả nong van ĐMP của 55 bệnh nhân bị hẹp van ĐMP nặng, SpO2 trước nong van ĐMP của nhóm không suy tim

cao hơn hẳn so với nhóm suy tim (95,0 ± 4,1% so với 76,6 ± 10,3%). Sau nong van SpO2 đã tăng lên, không có sự khác biệt giữa hai nhóm (96,1 ± 4,1% so với 95,2 ± 3,5). Như vậy suy tim hay không suy tim sau khi nong van ĐMP thì SpO2 đều tăng lên ở cả hai nhóm và đạt được chỉ số bình thường sau một thời gian khi chức năng tim về bình thường.

Đánh giá về mức độ suy tim trong 12 tháng sau nong van ĐMP chúng tôi nhận thấy dấu hiệu suy tim cải thiện rõ rệt hơn so với trước nong. Ngày thứ 3 sau nong chỉ còn 43 bệnh nhi (43,4%) bị suy tim từ độ I đến độ III, và mức độ nặng của suy tim giảm đi rõ rệt, từ 13 bệnh nhi (13,1%) suy tim độ II giảm còn 7 bệnh nhi (7,1%), 27 bệnh nhi (27,3%) suy tim độ III giảm còn 6 bệnh nhi (6%). Mức độ suy tim giảm đi ở cả hai nhóm hẹp van ĐMP trung bình và nặng, tỷ lệ mức độ nặng của suy tim vẫn tiếp tục giảm sau 1 tháng. Thời điểm 3 tháng sau nong van không còn bệnh nhi suy tim từ độ II và III, chỉ còn 13 bệnh nhi (13,4%) suy tim độ I, trong đó có 6 bệnh nhi (12%) ở nhóm hẹp van ĐMP trung bình và 7 bệnh nhi (14,9%) ở nhóm hẹp van ĐMP nặng. Tại thời điểm 6 tháng có thêm 1 bệnh nhi (1%) suy tim độ II, trẻ này thuộc nhóm bệnh nhi hẹp van ĐMP trung bình, nhưng bị đứt dây chằng van ba lá khi nong van ĐMP, gây hở va ba lá và suy tim phải. Số bệnh nhi bị suy tim độ I tiếp tục giảm, chỉ còn 3 bệnh nhi (3,1%), trong đó 2 bệnh nhi (4%) ở nhóm hẹp van ĐMP trung bình và 1 bệnh nhi (2,2%) ở nhóm hẹp van ĐMP nặng, cả 3 bệnh nhi này đều có hở van ĐMP mức độ III. Tình trạng suy tim ở các bệnh nhi này ổn định đến thời điểm 12 tháng sau khi nong van.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự Endale và cộng sự [107], nghiên cứu trên 55 trẻ hẹp van ĐMP nặng có suy tim, được nong van ĐMP cho biết mức độ suy tim độ III và IV trước nong van ĐMP là 49,1% bệnh nhân, giảm đi sau nong van ĐMP 3 tháng còn 3,8% bệnh nhân suy tim độ III, không có bệnh nhân suy tim độ IV.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả nong van động mạch phổi bằng bóng qua da ở trẻ em dưới 2 tuổi hẹp van động mạch phổi đơn thuần (full text) (Trang 114 - 116)