Nhu cầu chuyển nhượng trên phương diện tinh thần

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển nhượng Quyền tác giả theo Pháp luật Việt Nam (Trang 33 - 36)

Nhu cầu chuyển nhượng quyền tác giả xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trước tiên là xuất phát từ nhu cầu thưởng thức giá trị tinh thần đại bộ phận công chúng, những người có nhu cầu thưởng thức những giá trị nghệ thuật; khi đời sống kinh tế xã hội được cải thiện, con người ngày càng có nhiều điều kiện hơn để hướng tới việc chăm lo cho đời sống tinh thần cho bản thân và gia đình. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo ra sự đa dạng của các phương tiện nghe nhìn, qua đó tạo ra nhiều kênh khác nhau để con người có thể tiếp cận dễ dàng với các loại hình văn hóa, nghệ thuật mà mình có nhu cầu thưởng thức. Công chúng là những người không trực tiếp tham gia vào hoạt động sáng tạo nên tác phẩm, nhưng lại là những người có nhu cầu thưởng thức tác phẩm, do đó họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền nhất định để được thụ hưởng những giá trị tinh thần. Khoản tiền mà công chúng bỏ ra tương ứng với khả năng thỏa mãn nhu cầu thưởng thức mà tác phẩm mang lại cho mình. Như vậy, nhu cầu thưởng thức các giá trị tinh thần của đông đảo công chúng chính là nguyên nhân đầu tiên làm phát sinh nhu cầu về chuyển nhượng quyền tác giả.

2.1.2. Nhu cầu chuyển nhượng trên phương diện kinh tế

Quyền tác là một loại tài sản đặc biệt, nó hoàn toàn có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, và giá trị kinh tế mà nó mang lại là vô cùng lớn. Điều đó thúc đẩy nhu cầu chuyển giao quyền tác giả vì mục đích kinh tế. Nhu cầu chuyển nhượng vì lợi ích kinh tế xuất phát từ hai nhóm chủ thể, đó là tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu khai thác các giá trị kinh tế của tác phẩm.

Tác giả khi sáng tạo tác phẩm phải trải qua một quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài lại hao tổn nhiều công sức, tiền của, và đặc biệt là trí tuệ. Sự hao tổn này khiến cho tác giả mong muốn nhận lại được một khoản thù lao xứng đáng, bù đắp những hao tổn mà họ đã bỏ ra đồng thời tái tạo sức lao động cho những hoạt động sáng tạo tiếp theo. Tuy nhiên, tác giả không phải là người có thể trực tiếp khai thác một cách hiệu quả các giá trị kinh tế mà “đứa con tinh thần” của mình mang lại, bởi chuyên môn của họ là sáng tác, còn khả năng khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm lại không phải là thế mạnh của họ, do đó họ có nhu cầu chuyển giao các quyền tác giả của mình cho các chủ thể khác có công cụ, phương tiện, tài chính...thay mình khai thác hiệu quả hơn, quảng bá tác phẩm của mình đến rộng rãi hơn với công chúng qua đó đem lại nhiều lợi ích kinh tế cũng như danh tiếng cho mình nhưng vẫn giữ nguyên được các quyền nhân thân của tác giả, đồng thời vẫn bảo vệ được tác phẩm của mình không bị xâm hại.

Các chủ thể khai thác quyền tác giả (các cá nhân, tổ chức có nhù cầu) rất đa dạng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, điện ảnh, văn học...nhưng tựu chung lại đó là các chủ thể không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, song họ lại có mong muốn thu lợi nhuận từ những tác phẩm của người

khác. Các nhà đầu tư này rất nhạy bén với thị trường, nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu, xu hướng, nhu cầu của công chúng để lựa chọn đầu tư vào những tác phẩm có thể thỏa mãn các yêu cầu trên, qua đó đem lại lợi nhuận cho họ. Các chủ thể này có các điều kiện về phương tiện, tài chính...giúp họ có thể khai thác hiệu quả giá trị kinh tế mà tác phẩm mang lại. Muốn làm được điều đó, các chủ thể khai thác quyền tác giả cần được sự đồng ý của tác giả, nếu không hoạt động sử dụng các quyền tác giả nhằm khai thác vì lợi ích kinh tế của họ sẽ là vi phạm pháp luật, chính vì lẽ đó mà phát sinh nhu cầu được chuyển nhượng các quyền tác giả.

2.1.3. Nhu cầu chuyển nhượng trên phương diện hội nhập

Một nguyên nhân nữa thúc đẩy sự quá trỉnh chuyển nhượng quyền tác giả đó chính việc hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới trên rất nhiều phương diện từ khoa học-công nghệ, kinh tế, giáo dục, y tế...và đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Với sự giao lưu ngày càng sâu rộng, nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người...của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc ngày càng lớn. Và văn hóa nghệ thuật chính là cầu nối cho hoạt động giao lưu này. Đồng thời với sự phát triển của Internet, cũng như sự đa dạng của các phương tiện nghe nhìn đã tạo điều kiện cho con người mở mang hiểu biết một cách dễ dàng hơn về văn hóa thế giới. Chính nhu cầu này đã thúc đẩy các hoạt động chuyển nhượng các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài vào Việt Nam từ các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, đến văn học, hội họa...đồng thời với nhu cầu quảng bá sâu rộng hơn những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam, thì hoạt động quảng bá và chuyển nhượng các sản phẩm văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài cũng rất được coi trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập văn hóa một cách sâu rộng hơn của đất nước.

2.2. THỰC TIỄN THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển nhượng Quyền tác giả theo Pháp luật Việt Nam (Trang 33 - 36)