7. Bố cục của khóa luận
2.3. Giá trị văn hóa dân tộc của các thành ngữ đồng nghĩa
Trải qua năm tháng, thành ngữ đã trở thành phương tiện phổ biến, quen thuộc trong lối diễn đạt của nhân dân. Vốn thành ngữ phong phú, đa dạng cùng với khả năng vận dụng các thành ngữ đồng nghĩa của con người tinh tế, linh hoạt một mặt đã thể hiện tài năng, sức sáng tạo của nhân dân, mặt khác nó còn là một loại phương tiện, một biện pháp nhằm khắc phục tính không hàm súc, không cô đọng của từ. Không chỉ có vai trò quan trọng như vậy, các thành ngữ đặc biệt là thành ngữ đồng nghĩa còn góp phần thể hiện giá trị văn hóa - dân tộc sâu sắc.
Tính văn hóa - dân tộc ở các ngữ cố định nói chung cũng như ở các thành ngữ đồng nghĩa nói riêng hiện ra ở cả hai mặt: về chất liệu (tức là các vật thực, việc thực... mà các ngữ cố định dùng làm biểu trưng cho nội dung của chúng) và cả về mặt nội dung của các thành ngữ.
Chất liệu sử dụng trong các thành ngữ đồng nghĩa được lấy từ những tài liệu mang đậm màu sắc của quê hương, xứ sở Việt Nam trong xã hội xưa. Nó
được quan sát một cách tài tình, liên hệ một cách độc đáo mà đúng đắn, tinh tế... với những hiện tượng nhân sinh.
Ở nhóm thành ngữ đồng nghĩa chỉ sự may mắn: bìm bịp bắt gà trống thiến, mèo mù vớ cá rán, chó ngáp phải ruồi, chuột sa chĩnh gạo, chết đuối vớ được cọc, ăn mày gặp chiếu manh; nhóm thành ngữ chỉ cách làm không tốt, không có lợi: bán bò tậu ễnh ương, mua trâu bán chả; nhóm thành ngữ chỉ việc làm đã có kết quả chắc chắn: bắt cua bỏ giỏ, bắt nhái bỏ dệp..., ta thấy ở
những nhóm thành ngữ đồng nghĩa nêu trên, những con vật: bìm bịp, gà trống thiến, mèo (mèo mù), cá (cá rán), chó, ruồi, chuột, ễnh ương, bò, trâu, cua, nhái... hay những sự vật: gạo, cọc, chiếu manh, giỏ, dệp... rồi những cảnh ngộ: chết đuối, ăn mày... đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi bởi nó
chính là một phần trong cuộc sống của con người Việt Nam.
Chúng tôi sẽ đi phân tích cụ thể nhóm thành ngữ đồng nghĩa chỉ tính
chất bẩn: bẩn như trâu đầm, bẩn như ma lem, bẩn như hủi để thấy rõ hơn chất
liệu sử dụng mang đặc trưng văn hóa - dân tộc Việt Nam như thế nào. Hình
ảnh trâu đầm rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Trâu là vật nuôi quan
trọng trong đời sống nhân dân một số vùng ở châu Á. Trâu gồm hai loại: trâu sông và trâu đầm. Trâu đầm lầy lại tập trung nhiều nhất ở: Thái Lan, Lào và Việt Nam. Do vậy, hình ảnh con trâu bẩn nhem nhuốc sau khi đầm ở ao, hồ, sông đi vào thành ngữ một cách tự nhiên. Còn hình ảnh người bị hủi trong
thành ngữ bẩn như hủi cũng mang đậm dấu ấn đời sống sinh hoạt của người
dân Việt Nam. Bệnh hủi (phong) từng là nỗi kinh hoàng trong xã hội Việt
Nam xưa và được xếp vào tứ chứng nan y. Người bị hủi với những vết lở loét
đáng sợ và mùi hôi khó chịu do rất ít khi tắm đến mức làm cho người khác xa lánh đã được sử dụng làm chất liệu tạo ra hình ảnh so sánh trong thành ngữ
này. Hình ảnh ma lem cũng mang dấu ấn tư duy con người Việt Nam. Nếu
ma nước; ở Nhật Bản có ma gấu, ma một mắt, ma cổ dài, ma dù; ở phương Tây có ma cà rồng, ma cây, ma sói... thì ở Việt Nam có ma de, ma le, ma só và ma lem... Con ma lem theo tưởng tượng của dân gian Việt Nam nó là con ma xấu xí, bẩn thỉu... Nó là hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc nhân dân ta khi nhắc tới ma. Do vậy, để nhấn mạnh tính chất bẩn thỉu ở mặt mũi thường là ở trẻ con, ông cha ta đã dùng đến hình ảnh con ma lem.
Như vậy, hình ảnh xuất hiện trong các thành ngữ đồng nghĩa đều xuất phát từ các con vật, cảnh vật, sự vật gắn với đời sống sinh hoạt của nhân dân ta. Như đã khẳng định ở trên, giá trị văn hóa - dân tộc của các thành ngữ đồng nghĩa (thành ngữ) còn được thể hiện ở cả mặt nội dung. Các thành ngữ trong nhóm thành ngữ đồng nghĩa là một bức tranh về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... của một dân tộc.
Ở nhóm thành ngữ đồng nghĩa chỉ sự tập trung đông người ồn ào, náo
nhiệt: đông như đám hội, đông như đám gà chọi, đông như đám mổ bò, những
hình ảnh quen thuộc: hội, đám gà chọi, đám mổ bò đã gợi ra được bức tranh văn hóa, phong tục, sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc.
Thành ngữ đông như đám hội đã tái hiện được không khí ồn ào, náo
nhiệt ở những nơi tụ tập đông người. Chúng ta đã biết sinh hoạt lễ hội là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất
nước. Do đó khi so sánh đông như đám hội thì mỗi người dân Việt Nam đều
có thể dễ dàng hình dung ra mức độ đông đúc mà người nói muốn miêu tả.
Thú vui chọi gà trong thành ngữ đông như đám chọi gà cũng là một nét
văn hóa truyền thống của con người Việt Nam đặc biệt là của người dân đất Kinh kỳ. Thú vui này thể hiện khát vọng thượng võ của con người Việt Nam.
Còn thành ngữ đông như đám mổ bò thì lại gợi ra được không khí tập
trung đông người rất ồn ào, náo nhiệt của một sinh hoạt cộng đồng trong làng xã Việt Nam xưa.
Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ phong phú của dân tộc, nhiều nhóm thành ngữ đồng nghĩa nói đến nét đẹp truyền thống trong đức tính của con người Việt Nam: đề cao tình máu mủ, ruột thịt, tình đồng bào thương xót khi gặp nạn. Bởi văn hóa Việt Nam thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, con người luôn phải hiệp lực chống lại thiên tai nên họ sống theo nguyên tắc trọng
tình. Điều này được thể hiện qua nhiều thành ngữ đồng nghĩa: máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, tay đứt ruột xót, nặng tình nặng nghĩa, tình sâu nghĩa nặng.
Như vậy, có thể khẳng định, các thành ngữ nói chung và đặc biệt là các nhóm thành ngữ đồng nghĩa nói riêng dù ít dù nhiều đều mang giá trị văn hóa - dân tộc. Có những nhóm thành ngữ đồng nghĩa, tính văn hóa - dân tộc được thể hiện trực tiếp, rõ ràng ở chất liệu sử dụng; có những nhóm thành ngữ đồng nghĩa lại mang nội dung đậm đặc tính văn hóa - dân tộc. Các thành ngữ do vậy khi được sử dụng ngoài giá trị là phương tiện, biện pháp nhằm khắc phục tính giới hạn của các từ, tính không hàm súc, không cô đọng còn góp phần tạo ra sự trong sáng của tiếng Việt.