Tỷ lệ xuất hiện AEs thận ghi nhận được khá cao, nhưng đa số chỉ ở mức độ nhẹ. Theo thang phân loại RIFLE, ngay cả ở thời điểm eGFR giảm nhiều nhất thì 87,2% trường hợp chỉ gây ảnh hưởng trên thận ở mức độ nhẹ; Chỉ 12,8% (38/298) bệnh nhân gặp biến cố ở mức độ trung bình, không trường hợp nào suy thận (eGFR giảm > 75%) trong suốt thời gian theo dõi. Hầu hết bệnh nhân tăng creatinine ở mức nhẹ (tăng từ 1 - 1,5 lần). Ở thời điểm nặng nhất (eGFR giảm nhiều nhất), có 7,9% (74/934) bệnh nhân giảm eGFR < 50 ml/phút. Theo phân loại bệnh thận mạn tính thì đa số (72/74) bệnh nhân chỉ tiến triển tới suy thận vừa (eGFR từ 30 - 59 ml/phút), chỉ 2/74 bệnh nhân suy thận nặng (eGFR từ 15 - 29 ml/phút), không có bệnh nhân suy thận rất nặng (eGFR < 15 ml/phút).
Về xử trí biến cố bất lợi trên thận: Trong số 323 bệnh nhân gặp AEs, có 74 bệnh nhân eGFR < 50 ml/phút (72 bệnh nhân eGFR từ 30 đến dưới 50 ml/phút và 2 bệnh nhân eGFR từ 15 đến dưới 30 ml/phút). Đây là số bệnh nhân cần phải giảm liều TDF ở các mức độ khác nhau nhưng không bắt buộc ngừng TDF. Tuy nhiên, thực tế chỉ 8 bệnh nhân giảm liều TDF và 6 bệnh nhân đã thay phác đồ khác (Bảng 3.30). Kết quả cuối thời điểm theo dõi, 34/74 bệnh nhân gặp biến cố bất lợi và 11/23 bệnh nhân có eGFR dưới 50ml/phút trước điều trị đã cải thiện eGFR > 50 ml/phút mặc dù
vẫn điều trị TDF đủ liều; 8/14 bệnh nhân gặp biến cố eGFR < 50 ml/phút được giảm liều hoặc thay phác đồ điều trị cũng đã cải thiện mức lọc cầu thận trên 50ml/phút.
Về tiến triển của 323 bệnh nhân gặp AEs, tại thời điểm kết thúc theo dõi, chức năng thận đã hồi phục hoàn toàn ở 20,1% trường hợp; 21,7% hồi phục không hoàn toàn; Tổng cộng có 41,8% bệnh nhân thoát khỏi tình trạng có AEs; 35,3% bệnh nhân chưa phục hồi và chỉ 1,6% (5/323) tiến triển nặng lên. Điều này gợi ý rằng, suy giảm chức năng thận cấp ở bệnh nhân điều trị phác đồ có TDF có khả năng tự phục hồi.