Để đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, bên cạnh việc tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, trường Đại học Hải Dương đã từng bước đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị. Khối lượng tài sản trong trường ngày càng nhiều, việc quản lý sử dụng đã có nề nếp, tài sản được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, được đưa vào sử dụng ngay và có hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Việc quản lý tài sản cố định là một hoạt động quan trọng của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, trường Đại học Hải Dương cũng vậy. Hàng năm, Nhà trường đều tiến hành kiểm kê các tài sản này để nắm được số lượng, chất lượng và hiện trạng sử dụng. Từ đó, đưa ra được các số liệu thống kê, báo cáo khi cần thiết nhằm quản lý tài sản cố định một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu các chi phí và thất thoát.
Hiện tại, trường Đại học Hải Dương đang thực hiện công việc này dựa trên các sổ quản lý tài sản, giấy tờ và MS Excel là chủ yếu. Thực hiện như vậy cần nhiều đến số lượng nhân lực, nguồn lực để nhập liệu cho tính toán, lưu trữ giấy tờ; khi có nhu cầu tìm kiếm, thống kê thì công việc diễn ra rất vất vả, mất thời gian và không tránh khỏi sai sót. Vì vậy việc tin học hóa công tác quản lý tài sản tại trường Đại học Hải Dương là tất yếu.
Hệ thống quản lý tài sản được xây dựng sẽ cho phép quản lý toàn bộ thông tin về tài sản tại trường Đại học Hải Dương. Hệ thống cung cấp các công cụ cần thiết cho bộ phận quản lý tài sản phục vụ cho công tác quản lý tài sản bao gồm các nghiệp vụ liên quan đến: cập nhật danh mục tài sản, ghi tăng, giảm tài sản, kiểm kê, điều chuyển, tính hao mòn cho tài sản.
Quy trình quản lý tài sản được thực hiện bởi các nhân viên nghiệp vụ, mỗi cán bộ được phận quyền thực hiện một quy trình nghiệp vụ bởi nhà quản trị. Vì vậy mà tùy theo sự phân công nhiệm vụ mà mỗi cán bộ chỉ được thực hiện chức năng của mình, chương trình cũng sẽ tự động kích hoạt hoặc khóa các chức năng khi nhân viên nghiệp vụ đăng nhập vào quyền của mình.