điểm tâm lý của trẻ cũng như đặc điểm, ý nghĩa của các tác phẩm văn học, cùng với các phương pháp cụ thể để quá trình đó tác động một cách tích cực nhất tới các em.
Chương 2
NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO TRẺ LỨA TUỔI MẦM NON
2.1. Văn học thiếu nhi góp phần phát triển tình cảm cho trẻ lứa tuổi mầm non non
Văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng có tác động rất lớn đến quá trình hoàn thiện nhân cách của con người vì hình tượng văn học tác động đến cả trí tuệ lẫn tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, thâm nhập cả vào ý thức lẫn vô thức của con người. Đặc biệt, văn học thiếu nhi có khả năng thu hút tạo nên sự hứng thú giúp cho sự tập trung chú ý của trẻ được nâng cao. Với đặc điểm tư duy trực quan hình tượng, văn học giúp khắc sâu hơn các hình tượng nghệ thuật, tăng cường khả năng nghi nhớ ở trẻ, góp phần giáo dục toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là về đạo đức.
Đằng sau sự giải trí, văn học bao giờ cũng chứa đựng những giá trị đạo đức, những bài học nhân sinh sâu sắc và khả năng mãnh liệt vươn tới cái đẹp, cái thiện. Nguyễn Văn Siêu trong Thư gửi Lục Luân Anh đã khẳng định: “Văn với đạo tuy khác nhưng kì thực văn là do đạo mà ra”. Mỗi tác phẩm văn học chính là tấm gương phản ánh cuộc sống chân thực nhất để trẻ có thể từ đó soi
mình và bước đầu tiên tự đánh giá, tự nhận xét về người khác cũng như chính bản thân mình. Tác phẩm văn học bao giờ cũng toát lên vẻ đẹp bằng việc phủ định điều này hoặc khẳng định điều kia, khát khao nhìn thấy lẽ phải, thấy công lý, giúp trẻ khởi đầu cho việc hình thành nhân cách toàn diện. Văn học hướng trẻ tới cái thiện qua việc hình thành những quan điểm đạo đức. Và đạo đức chính là hạt nhân tính cách mang lại vẻ đẹp rạng rỡ cho các nhân vật của văn học. Chính các phẩm chất đạo đức như lòng vị tha, tính nhân ái, tinh thần cần cù nhẫn nại, là đặc điểm tính cách con người Việt Nam được thể hiện trong văn học. Từ hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ trong truyền thuyết, Thạch Sanh, cô Tấm trong câu chuyện cổ tích, hình tượng con cò trong ca dao cho tới chú Dế Mèn trong văn học hiện đại đều có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lớp thế hệ con trẻ.
Nói đến bản chất của văn học, cần nhấn mạnh đến tính người trong thế giới tinh thần xúc cảm về cái đẹp. Văn học dành cho trẻ em dù có hay không các nhân vật là con người cụ thể nhưng vẫn khám phá và phản ánh những vấn đề của cuộc sống hiện thực và những ràng buộc trong quan hệ người - người, quan hệ giữa con người với thế giới vạn vật xung quanh.
Như vậy, văn học tác động đến trẻ bằng hình tượng nghệ thuật. Tiếp xúc với tác phẩm văn học là trẻ được tiếp xúc với cuộc sống thực. Cho trẻ tiếp xúc với văn học là tạo cơ hội cho trẻ được học hỏi, khám phá những tình cảm, cảm xúc của mình. Từ đó trẻ sẽ lĩnh hội những mẫu hành vi, tính tích cực và tính độc lập, quan tâm đến các kinh nghiệm xã hội trong tác phẩm để có được thái độ đúng với các nhân vật và hành động của các nhân vật là tốt hay xấu, từ đó rút ra bài học cho mình.
2.1.1. Văn học giúp trẻ hiểu được tình yêu thương gắn bó với ông bà, cha mẹ, anh chị em
Gia đình là đơn vị xã hội đầu tiên, ở đó trẻ được chăm sóc và lớn lên. Gia đình là môi trường có tác động to lớn đến sự hình thành và phát triển về thể chất cũng như tinh thần, đặc biệt là về mặt đạo đức của con trẻ. Tổ ấm của trẻ thơ là gia đình, là môi trường vẫn được ta dựng lên trên cơ sở của tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những người có quan hệ ruột thịt. Chỉ có trong gia đình, trẻ thơ mới tìm thấy được sự yên bình, sự tin tưởng nhất.
Gia đình Việt Nam có rất nhiều những truyền thống đạo đức tốt đẹp. Các truyền thống đạo đức tốt đẹp ấy đều được phản ánh sâu sắc trong các tác phẩm văn học thiếu nhi. Khi viết về đề tài gia đình, hầu hết các tác giả đều viết về các mối quan hệ ruột thịt thân thiết với những lời thơ bay bổng, gợi hình, gợi cảm hay các nhân vật truyện rất đáng yêu.
Từ khi lọt lòng mẹ sinh ra, chúng ta đã được nghe các câu ví ầu ơ, trong những trưa hè kẽo kẹt tiếng võng đưa là bài ca dao, là những câu chuyện cổ tích, nơi có những cô Tấm dịu hiền, có nàng công chúa xinh đẹp và có niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Và chính tại ngay cái nơi niềm tin ấy, các em đã biết thế nào là tình yêu thương. Một trong những nội dung cơ bản mà văn học thiếu nhi đề cập tới đó là tình cảm gia đình, cụ thể là tình mẹ con, cha con, tình ông cháu, bà cháu, tình cảm anh em... Văn học như một sợi chỉ đỏ suyên suốt và thống nhất mối tình cảm ấy. Mỗi trang văn thơ đều như một nét bút thêm vào cái chữ “tình” đó, làm cho nó lớn dần lên, đẹp hơn và sâu sắc hơn. Đến với những trang văn học thiếu nhi, các em như được sống cùng các mối quan hệ và cùng thể hiện tình cảm của mình trong các mối quan hệ ấy.
Hiếu thảo được coi là đức tính hàng đầu của người Việt Nam trong quan hệ đạo lý gia đình. Từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn trân trọng ca ngợi những người con, người cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Chẳng hạn, qua
bài thơ Thương ông của Tú Mỡ, trẻ được biết đến tình cảm ông cháu thắm thiết:
Ông bị đau chân Nó sưng nó tấy Đi phải chống gậy Khập khiễng khập khà (...)
Việt chơi ngoài sân Lon ton lại gần Âu yếm nhanh nhảu Ông vịn vai cháu Cháu đỡ ông lên
(Thương ông - Tú Mỡ)
Bài thơ thật ngộ nghĩnh và xúc động bởi tình cảm của cháu đối với ông khi sự đau đớn lộ rõ trên khuôn mặt “nhăn nhó” của ông. Bằng tình thương yêu của mình, Việt đã cảm nhận được sự đau đớn trước hình ảnh “khập khiễng khập khà”. Với sự ngây thơ, trong sáng mà cũng hết sức chân thật của trẻ nhỏ, Việt như thật lòng muốn chia sẻ cái đau ấy với ông. Hình ảnh: “Ông vịn vai cháu / Cháu đỡ ông lên” là một bức tranh bằng ngôn từ khắc hoạ sâu sắc tình cảm của cậu cháu nhỏ dành tặng cho ông thật đẹp đẽ, lớn lao. Cách đề nghị của cậu bé mới đáng yêu và ngộ nghĩnh làm sao: “Ông vịn vai cháu”. Để rồi mỗi bước đi của ông là bước thành công trong sự cố gắng của ông và cháu. Đáp lại tình cảm ngây thơ, trong sáng của cậu bé là lời động viên, khích lệ, chứa chan tình cảm của ông dành cho cháu thật nồng nàn và tràn đầy tình yêu mến. Cảm động trước tình yêu của cháu, nỗi đau của ông như được xoa dịu, ông ôm cháu trong niềm tự hào, trong lòng tràn ngập hạnh phúc:
Hoan hô thằng bé Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông
Nếu Thương ông là bài thơ cảm động về tình cảm ông cháu thì tình cảm bà cháu được truyền tải rõ nét trong bài thơ Giữa vòng gió thơm của nhà thơ Quang Huy:
Bà ơi hãy ngủ Có cháu ngồi bên Căn nhà vắng vẻ Khu vườn lặng im Hương bưởi hương cau Lẩn vào tay quạt
Cho bà nằm mát Giữa vòng gió thơm
Tình bà cháu thật nồng nàn, đầy yêu thương. Với lòng kính yêu bà tha thiết, cô bé như muốn mang tất cả những gì thơm mát nhất, tươi đẹp nhất mà em cảm nhận được để dành biếu cho bà, giúp bà được ngủ yên giấc: “Cho bà nằm mát/ Giữa vòng gió thơm”.
Cũng nói về tình cảm bà cháu, tác giả Thạch Quỳ với Quạt cho bà ngủ thể hiện tình cảm của cháu với bà thật xúc động làm sao! Lời thơ tha thiết như một lời nhắn nhủ, tâm tình với các bạn nhỏ:
Ơi Chích Choè ơi ! Chim đừng hót nữa Bà em ốm rồi Lặng cho bà ngủ Bàn tay bé nhỏ Vẫy quạt đều đều Ngấn nắng thiu thiu Đậu trên tường trắng
(...) Hoa cam hoa khế Chín lặng trong vườn Bà mơ tay cháu
Quạt đầy hương thơm
Mở đầu bài thơ là một đề nghị rất ngây thơ, chân thành của em bé với chú chim nhỏ: “Chim đừng hót nữa” với lý do hết sức chính đáng: “Bà em ốm rồi”. Ngay trong lời thơ, giọng thơ, tác giả đã thể hiện được tình yêu thương tha thiết cùng một nỗi buồn man mác của em bé khi bà bị ốm. Khi bà bị ốm, em bé muốn làm mọi việc để cho bà khoẻ lại, em như muốn tất cả thế giới xung quanh ngừng nghỉ, lặng im để cho bà được ngủ ngon, cho bà chóng khoẻ. Bằng tất cả tấm lòng thơ bé của mình, không quản mệt nhọc: “Bàn tay bé nhỏ/ Vẫy quạt đều đều”. Mọi vật xung quanh cũng đồng cảm, cảm động trước lòng hiếu thảo của em và cùng đi vào giấc ngủ theo nhịp đều đều của chiếc quạt bé nhỏ Trong giấc ngủ, bà dường như cũng cảm nhận được tình cảm của cháu thiết tha cùng với biết bao điều tốt đẹp mà cháu muốn mang đến cho bà. Dường như em bé muốn mang tất cả hương thơm trái ngọt trong vườn vào từng nhịp quạt để nâng giấc cho bà. Trong giấc ngủ, bà như đang mỉm cười hạnh phúc vì cô cháu nhỏ của bà đã sắp lớn rồi.
Mặc dù chỉ sống trong kỷ niệm và qua lời kể của mẹ nhưng tác giả Nguyễn Thị Mai trong bài thơ Kỉ niệm về bà ngoại đã truyền dạy đến cho các em một tình cảm thân thiết, gần gũi như vừa mới đây bóng dáng bà còn thấp thoáng:
Bà ngoại em mất đã lâu Mẹ còn giữ được cơi trầu bình vôi Cơi trầu héo lá trầu rồi Bình vôi giờ đứng khô vôi góc nhà Em sinh em chẳng biết bà
Mà sao tưởng tháng năm xa thật gần Bà em mặc áo tứ thân
Ăn trầu cánh phượng, vấn trần tóc mây (...)
Thế rồi bà ngoại đi xa Để lăn lóc nhớ góc nhà bình vôi
Bài thơ mở ra với một thông báo thật khéo léo nhưng cũng thật buồn, gây xúc động lớn cho người nghe. Mặc dù đã mất, nhưng hình ảnh bà với những đồ vật thân quen vẫn luôn còn đâu đó thể hiện nỗi nhớ da diết của cháu đối với bà. Nỗi buồn ấy, như bao phủ lên tất cả từ cơi trầu tới bình vôi cũng đã héo, đã đứng khô góc nhà. Sự ra đi của bà không chỉ làm cháu nhớ, cháu buồn mà ngay cả các vật vô tri vô giác đó cũng buồn, cũng nhớ và cũng thương. Mặc dù, sinh ra chẳng biết bà nhưng qua lời kể của mẹ, kí ức tuổi thơ của mẹ như chính cuộc sống của em. Hình ảnh bà ngoại thân thương, gần gũi với chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, với những miếng trầu cánh phượng môi đỏ miệng thơm, với mái tóc mây vấn trần thật đẹp đẽ. Qua lời kể của mẹ, bé đã thấy được lòng hiếu thảo sâu sắc của mẹ đối với bà cũng chính là niềm nhớ tiếc khôn nguôi mà mẹ đã thầm giấu kín. Mẹ yêu bà cũng giống như em yêu mẹ vậy. Qua bài thơ, trẻ cảm nhận được tình mẹ con, tình bà cháu thắm thiết, dù không còn nhưng bà vẫn sống mãi trong lòng con cháu hôm nay. Những kỷ niệm về bà sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm hồn bé bỏng.
Tình yêu, sự biết ơn, biết giúp đỡ cha mẹ cũng là nguồn cảm xúc được thể hiện sâu sắc qua nhiều áng thơ, văn, tiêu biểu như truyện Sự tích mùa xuân của Kim Tuyến. Truyện kể về chú Thỏ con hiếu thảo, vô cùng lo lắng và thương mẹ khi mẹ ốm nặng. Thỏ con bàn với bác Khỉ cùng muông thú trong rừng kết cầu vồng để gọi mùa xuân về giúp mẹ khỏi ốm. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ con và tình đoàn kết giữa các loài thú, các loài hoa
đón mùa xuân về, nàng tiên mùa xuân đã tặng Thỏ con một chiếc áo trắng tinh mềm mại để giúp mẹ khỏi ốm. Truyện chính là một bài học đạo đức hết sức nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc, gợi lên ở trẻ những cảm xúc biết lo lắng quan tâm khi người thân đau ốm, biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đạt được nguyện vọng.
Và hẳn là trẻ cũng rất xúc động, hồi hộp, lo lắng và mong cho Bồ Nông mẹ khỏi ốm khi được cô giáo kể cho nghe truyện Bồ Nông có hiếu ( Phong Thu). Hình ảnh chú bồ nông nhỏ trong “hun hút đêm sâu, mênh mông ruộng vắng, canh một canh hai, trên đồng nẻ, dưới ao khô, một mình lặn lội bắt được con mồi nào cũng ngậm vào miệng để phần mẹ...” cho đến khi thân hình của chú đã còm nhom nhẹ bẫng, cái mỏ to hơn người... Mặc dù thế, đôi mắt của bồ nông nhỏ vẫn long lanh hớn hở vì mẹ đã khỏi bệnh. Chú nhún chân cất mình theo mẹ, dượt theo bầy đàn. Chứng kiến cảnh đó, cả đàn bồ nông cảm phục và noi theo. Cái túi ở miệng bồ nông mãi mãi còn, là biểu tượng cho tình mẫu tử làm xúc động sâu xa lòng người.
Cùng chung nguồn cảm xúc đó, bài thơ Bóng mây của nhà thơ Thanh Hào đã gói trọn tất cả tình yêu thương của một em bé dành cho mẹ:
Hôm nay trời nắng như nung Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hoá thành mây Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm
Trong cái nắng như nung của mùa hè oi ả, cây cỏ còn héo úa mà mẹ phải vất vả lam lũ “phơi lưng cả ngày” để nuôi con khôn lớn. Hiểu được nỗi vất vả của mẹ, em bé ước mơ có phép màu để biến thành mây giúp mẹ tránh nắng. Phải có lòng kính yêu mẹ tha thiết thì em bé trong bài thơ mới có những ước mơ táo bạo nhưng rất đỗi thơ ngây, ngộ nghĩnh đến thế. Thực vậy, những ý tưởng vĩ đại đều có nguồn gốc từ tình cảm gia đình tha thiết. Được đến với bài thơ xúc động này, sẽ có không ít trẻ mầm non cũng bước đầu xây dựng những
ước mơ, khát vọng để làm việc tốt không phải cho mình mà cho những người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Đó chính là những nền tảng của tình cảm đạo đức tốt đẹp, biết yêu thương, biết lo lắng cho những người xung quanh. Những điều ước muốn chia sẻ của trẻ thơ dù là rất nhỏ nhoi thôi nhưng thật đáng quý vì đó là bước đầu hình thành nhân cách của các em.
Mẹ luôn là người gần gũi nhất với con trẻ, mẹ luôn dìu dắt các con trong mỗi bước đi, bên con những lúc khó khăn hoạn nạn trong suốt cả cuộc đời. Những bài thơ, những câu chuyện viết cho thiếu nhi phần nhiều tập trung lột tả tình cảm mẹ con, ví dụ: truyện Gia đình Chích Bông của Lý Thị Gọn, hay Bụi hồng gai của Thuỳ Dương , Gió từ tay mẹ của Vương Trọng. Chắc hẳn ai cũng bùi ngùi khi đọc những vần thơ như thế này:
Gió từ tay mẹ
Thổi suốt đêm ngày (...)
Quạt nan như cánh Chớp chớp lay lay Mẹ đưa con bay Êm vào giấc ngủ
(Gió từ tay mẹ - Vương Trọng)
Tình yêu của mẹ truyền cho con theo làn gió mát đưa con vào giấc ngủ. Gió trời còn có khi ngừng, khi nghỉ nhưng gió từ bàn tay mẹ lại thổi suốt đêm ngày, nâng giấc cho con. Mẹ luôn che chở, ôm ấp, âu yếm, luôn sẵn lòng hi sinh vì con. Con là tất cả tình thương yêu của mẹ. Mẹ chính là dòng suối mát, mỗi bước đường con đi đều mang bóng hình mẹ. Có ai lớn lên mà không có mẹ và làm sao quên được bầu sữa thơm, tiếng ru ầu ơ thắm thiết. Tiếng mẹ