Ngắm Thổ tinh tại nhà

Một phần của tài liệu Thổ tinh (Trần Nghiêm dịch) (Trang 29 - 30)

Dự án Cassini-Huygens – và các sứ mệnh Pioneer và Voyager trước nó – tiêu tốn nhiều năm lên kế hoạch, hàng tỉ đô la, và một số công nghệ tiên tiến nhất từng phát triển. Nhưng bạn có thể tìm hiểu nhiều điều về Thổ tinh mà không cần những loại tài nguyên như thế này. Thật vậy, một nhà thiên văn nghiệp dư có thể bắt đầu tìm hiểu về Thổ tinh từ sân vườn hoặc ban công nhà mình.

Như các nhà thiên văn học cổ đại đều biết, để nhìn thấy Thổ tinh, không nhất thiết phải sử dụng kính thiên văn, nhưng có kính thiên văn trong tay thì vẫn tốt hơn nhiều. Ngay cả một chiếc kính thiên văn tương đối yếu – loại kính chỉ có thể phóng to các vật lên gấp 30 lần kích thước của chúng – cũng có thể dùng để nhận ra một số đặc điểm của Thổ tinh. Loại kính thiên văn này – chỉ hơi mạnh hơn chiếc kính thiên văn sơ khai của Galileo một chút – có thể cho phép bạn nhìn thấy Titan và hình dạng phẳng của Thổ tinh. Khi sử dụng chiếc kính thiên văn mạnh hơn chút nữa, bạn có thể nhìn thấy các vành A, B, C và Ranh giới Cassini, cũng như một vài vệ tinh khác nữa.

Cho dù có sử dụng kính thiên văn hay không, phần việc khó khăn nhất là tìm kiếm sao Thổ khi nó chuyển động trên bầu trời. Thổ tinh xuất hiện trên bầu trời đêm trong khoảng 9 tháng trong năm (Thời gian còn lại, nó chỉ xuất hiện phía trên đường chân trời ở phía ban ngày, khi đó ánh sáng rực rỡ của Mặt trời khiến ta không thể, hoặc khó trông thấy nó). Thật không may, đối với trẻ em muốn tận mắt chiêm ngưỡng Thổ tinh, thì nó dễ quan sát thấy nhất là vào những giờ rất sớm trước khi trời sáng, trong khi lúc này có lẽ bọn trẻ đang ngủ say. Thổ tinh tỏa sáng rực rỡ nhất và ở cao nhất trên bầu trời khi nó ở vị trí đối nhật, tức là khi Trái đất nằm thẳng ngay giữa Mặt trời và hành tinh có vành xinh đẹp này,

Trong hành trình quỹ đạo chậm chạp, dài lê thê của nó xung quanh Mặt trời, Thổ tinh xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau của bầu trời. Đường đi của hành tinh thay đổi liên tục, cho nên cần có những công cụ đặc biệt để biết xem nó xuất hiện ở đâu tại một thời điểm bất kì nào đó. Một trong những công cụ đơn giản nhất, hữu dụng nhất, và rẻ tiền nhất trong số này là

bình đồ địa cầu. Đây là phiên bản hiện đại của một dụng cụ đã được sử dụng kể từ thời cổ đại. Nó gồm hai đĩa quay tròn, đĩa này nằm trên đĩa kia. Đĩa bên dưới là bản đồ của bầu trời, còn đĩa phía trên thể hiện ngày tháng và giờ. Khi hai đĩa canh khớp chính xác cho một ngày tháng và giờ đặc biệt nào đó, thì bản đồ sao đó cho biết nên nhìn vào đâu để tìm kiếm một thiên thể, thí dụ như Thổ tinh.

Hiện nay, luôn có sẵn các trang web và phần mềm máy tính để tìm kiếm các thiên thể đơn giản như việc nháy chuột vậy. Một số kính thiên văn khi bán ra còn tích hợp sẵn cả phần mềm “tìm sao” bên trong. Nhiều thành phố và thị tứ có các cung thiên văn và đài thiên văn với các kính thiên văn mạnh cho phép mọi người chiêm ngưỡng những hình ảnh tráng lệ của Thổ tinh và các thiên thể khác. Các chương trình của họ thuộc về những cách tốt nhất để tìm hiểu Thổ tinh khi kiến thức của chúng ta về hành tinh thú vị này thay đổi và phát triển mỗi ngày.

Một phần của tài liệu Thổ tinh (Trần Nghiêm dịch) (Trang 29 - 30)