Chế độ tuyển chọn quan lạ

Một phần của tài liệu Phân tích và đánh giá cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính ở nước ta dưới thời vua lê – chúa trịnh (1599 – 1786) (Trang 27 - 30)

Để tuyển chọn quan lại tham gia bộ máy chính quyền, thời Lê – Trịnh tiếp tục sử dụng ba phương thức chủ yếu: nhiệm tử, bảo cử và khoa cử.

Buổi đầu Trung hưng, số công thần khai quốc, công thần trung hưng chiếm tỷ lệ khá đông, do đó đãi ngộ quan lại bao gồm việc tập ấm cho con cháu các quan là một trong những chính sách quan trọng của nhà nước. Đứng trước thực tế là số

Khóa luận tốt nghiệp GVHD: Ths. Lương Ban Mai

các đối tượng được hưởng chính sách của nhà nước ngày càng lớn, chi phí vượt quá khả năng của chính phủ. Thêm vào đó, chính sách bổ dụng của nhà nước nhiều khi không thực sự được thực hiện nghiêm túc, ban phong vô hạn độ, lại thêm sự mạo xưng, nhận bừa là con cháu đời xa của các công thần diễn ra một cách phổ biến. Do đó, các sắc lệnh, lệnh dụ về chế độ nhiêu ấm cho con cháu các quan viên được triều Lê – Trịnh điều chỉnh nhiều lần theo hướng giảm dần về số đối tượng và mức độ thụ hưởng về chế độ tập ấm. Chẳng hạn như lệnh dụ năm 1664 và 1666 chuẩn định: công thần khai quốc từ Tam thái, Tam thiếu trở lên đời đời được công thần tôn; công thần Trung hưng từ Tả hữu đô đốc, Tả hữu thị lang trở lên đời đời được quan viên tử; quan Nội giám (Thái giám) thì quan viên tử (con nuôi) được tối đa 8 người, quan viên tôn (cháu nuôi) tối đa 7 người. Đến năm 1722, khi chế độ được sửa lại thì chỉ công thần Trung hưng do thế thứ còn gần nên con cháu đời đời vẫn làm công thần tôn, còn công thần khai quốc thế thứ đã xa nên chỉ cho ngành trưởng đời đời được một người làm công thần tôn; các quan văn võ được phong công thần thì cho con cháu tập ấm tối đa là 5 đời; các quan không thuộc hạng công thần thì cho tối đa 3 đời làm quan viên tử, quan viên tôn; quan Nội giám chỉ được con nuôi tối đa 3 người làm quan viên tử.

Về việc bảo cử (tiến cử) các quan, năm 1670, chúa Trịnh ban lệnh dụ chọn người “có học hạnh chính sự” để giữ các chức chánh, phó ở phủ huyện và chức huấn đạo. Nếu cử người xứng đáng thì được khen thưởng; còn nếu cử người không xứng, sớm phát giác và tâu bày thì được miễn tội, cố ý giấu giếm thì cả người bảo cử và được bảo cử đều phải tội như nhau. Năm 1722, nhằm đơn giản hóa và thống nhất về thể lệ bảo cử, chúa Trịnh cho ban hành lệnh dụ quy định rằng: các quan văn võ từ tam phẩm trở lên do vua hoặc chúa đặc chỉ, còn quan từ tứ phẩm trở xuống đều do triều thần bảo cử. Sau đó, chế độ bảo cử thời Trung hưng vẫn tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.

Khóa luận tốt nghiệp GVHD: Ths. Lương Ban Mai

Mặc dù việc học hành không còn thịnh đạt, các khoa thi cũng không được tổ chức thường xuyên và đều đặn như trước, nhưng khoa cử vẫn là phương thức tuyển dụng quan lại chủ yếu dưới thời Lê – Trịnh. Chỉ tính riêng các kỳ đại khoa, từ 1554 đến 1787, triều Trung hưng đã tổ chức tổng cộng 73 kỳ thi, trong đó có 3 kỳ chế khoa và 70 khoa thi hội, lấy đỗ 774 Tiến sĩ các loại. Bên cạnh các khoa thi Tiến sĩ, nhà nước đôi khi mở các khoa Sĩ vọng và các khoa Đông các. Khoa Sĩ vọng được giành cho những người đã đỗ thi Hương, trúng tuyển bắt đầu được bổ chức Tri huyện, ngoài ra tùy theo tư cách đã có mà có thể được bổ các chức Tự thừa, Tri huyện, Hiến phó hoặc Tham nghị. Còn khoa Đông các được giành cho các triều thần từ hàm tứ phẩm trở xuống, người trúng cách theo thứ tự được bổ dụng các chức Đại học sĩ, Học sĩ và Hiệu thư. Từ năm 1724, nhà nước còn đặt khoa bác cử cho võ quan, lấy đỗ Tạo sĩ và Đồng tạo sĩ xuất thân, thể lệ như với Tiến sĩ. Người đỗ đầu khoa bác cử được trao chức Võ úy, người nào đã được dự triều ban thì chiếu theo phẩm trật đều được thăng một bậc.

Ngoài các phương thức tuyển chọn quan lại truyền thống bằng nhiệm tử, bảo cử và khoa cử, thời Trung hưng còn phổ biến phương thức dùng tiền hoặc thóc để mua quan tước. Việc mua bán quan chức được nhà nước đặt thành lệ, quy định biểu mức rõ ràng, nhiều lần sửa đổi (theo hướng tăng mức thu) và ban bố rộng rãi khắp thiên hạ nhằm thông qua đó có thể bù đắp một phần vào ngân quỹ quốc gia thiếu hụt. Chẳng hạn lệnh dụ năm 1742 định rõ: người đã có chức phẩm Tri huyện, Tri châu dâng 250 quan thì thăng các chức Tự thừa, Điện tiền, dâng 600 quan thì thăng các chức Tri phủ và Tri huyện ở nha nhiều việc…; còn những người chưa có chức phẩm, nếu dâng 250 quan thì được nhận các chức Huấn đạo, Phó sở, Tri sự, dâng 300 quan được chức Điền bạ, Tri bạ, Sở sứ… Việc dùng tiền mua quan tước ngày càng trở nên phổ biến. Đây được coi là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra sự yếu kém và tha hóa của đội ngũ quan chức triều Lê trung hưng.

Khóa luận tốt nghiệp GVHD: Ths. Lương Ban Mai

Một phần của tài liệu Phân tích và đánh giá cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính ở nước ta dưới thời vua lê – chúa trịnh (1599 – 1786) (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w