II- Nguyên nhân của hiện tượng đôla hoá ở Việt Nam
2) Sự gia tăng tỷ giá VND/USD
Mặc dù lãi suất là yếu tố quyết định trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng gây ra hiện tượng đôla hoá nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Trong nền kinh tế Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD vẫn luôn là 1 yếu tố quan trọng có tác dụng định hướng cho các chủ thể kinh tế trong quyết định đầu tư. Những biến động tỷ giá trên thị trường tiền tệ cũng đã có những tác động không nhỏ đến tình trạng đôla hoá ở Việt Nam.
Tỷ giá VND/USD luôn có xu hướng tăng và tăng mạnh. Trong giai đoạn cuối 2002 đầu 2004, USD mất giá thảm hại so với các đồng tiền mạnh trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn lên giá so với VND. Trong 9 tháng đầu năm 2005, tỷ giá tăng 0,73%. Nguyên nhân của hiện tượng này là trong năm 2004 những biến động trên thế giới làm tăng đột biến giá của một số mặt hàng chủ lực như xăng, dầu, thép, một số mặt hàng thực phẩm, làm gia tăng chỉ số lạm phát của Việt Nam lên 9,5%. Trong khi đó, chỉ số lạm phát của Mỹ năm 2004 chỉ đạt - 0,1%. Về mặt lý thuyết, theo học thuyết ngang giá sức mua (PPP), tỷ giá VND/USD phải tăng tương xứng với mức chênh lệch tỷ lệ lạm phát của hai đồng tiền. Mặt khác, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà Nước luôn điều chỉnh tỷ giá theo hướng phá giá nhẹ VND, trước là cải thiện cán cân thương mại, sau là giúp tỷ giá phản ánh sát giá trị thực của VND
nhằm tạo tiền đề cho việc tiến đến thả nổi tỷ giá theo yêu cầu của lộ trình hội nhập mà Việt Nam đã cam kết trong các Hiệp định song phương và đa phương.
Trong thời gian gần đây, tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng với biên độ cao hơn cùng kì các năm trước. Từ năm 2002 đến cuối năm 2006, tỷ giá VND/USD chỉ tăng từ 0,7- 1%/năm. Nhưng tỷ giá trên thị trường tự do ngày 6/9/2007 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay: mua bán tương ứng là 16.280-16.310 VND/USD. Tỷ giá có chiều hướng tăng trong bối cảnh lãi suất huy động ngoại tệ tăng lên liên tục là những nguyên nhân giải thích rõ nhất cho luồng vốn ngoại tệ không ngừng đổ vào các ngân hàng thương mại. Việc tỷ giá biến động trong những năm qua đã kích thích người dân nắm giữ ngoại tệ dưới nhiều hình thức để phòng ngừa rủi ro. Cán cân lãi suất tiền gửi nghiêng về phía đôla Mỹ hiển nhiên sẽ đưa người dân dẫn đến quyết định gửi tiền vào ngân hàng vừa để kiếm lời vừa để đảm bảo giá trị tài sản. Trong điều kiện tỷ giá tăng như đã phân tích ỏ trên, nhiều đơn vị tổ chức, cá nhân muốn mua đôla để hy vọng kiếm lời hay cũng để hạn chế rủi ro bởi tính nhạy cảm của công chúng đối với những biến động tỷ giá là rất lớn. Sự cộng hưởng hai yếu tố: tiền đồng mất giá và lãi suất gửi USD tăng đã khiến dân cư tăng cường gửi đôla Mỹ vào các tài khoản tiết kiệm tại các NHTM, làm gia tăng tình trạng đôla hoá của nền kinh tế Việt Nam.