DỊCH BẠCH HUYẾT

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG SINH lý máu và DỊCH THỂ (Trang 54 - 56)

2.1. Thành phần và số lượng dịch bạch huyết.

Dịch bạch huyết là dịch lưu thông trong hệ bạch huyết. Dịch này là dịch khoảng gian bào vào hệ thống bạch huyết. Một phần lớn rất quan trọng của dịch bạch huyết xuất phát từ mao bạch mạch của mao tràng. Từ đây bạch huyết được gom vào các hạch bạch huyết, rồi đổ vào bể Pecquet, sau đó theo ống ngực, đổ vào tĩnh mạch dưới đòn trái, về tĩnh mạch chủ trên, rồi đổ vào tâm nhĩ phải.

Có khoảng 2/ 3 tổng số dịch bạch huyết là xuất phát từ hệ thống bạch mạch của gan và của ruột. Còn 1/3 tổng số dịch bạch huyết là xuất phát từ hệ thống bạch huyết khác của cơ thể. Bản chất của dịch bạch huyết là dịch gian bào nên hàm lượng các chất có trong dịch bạch huyết gần giống dịch gian bào. Riêng dịch bạch huyết của gan hàm lượng protein rất cao: 6g/dl (gấp 3 lần so với dịch gian bào), dịch bạch huyết của ruột có hàm lượng protein 3- 4 g/dl (gấp khoảng 2 lần so với dịch gian bào).

Đặc biệt dịch bạch huyết của ruột có hàm lượng lipid rất cao (vì 70% lipid sau quá trình tiêu hoá ở ruột được hấp thu theo con đường này), đặc biệt là sau khi ăn. Lipid trong hệ bạch huyết ở dạng lipoprotein. Do có sự pha trộn dịch bạch huyết của gan, ruột và các mô nên dịch bạch huyết trong ống ngực chứa lipid khoảng 2g/dl, protein: 3-5 g/dl. Lympho bào vào máu qua hệ bạch huyết nên trong dịch bạch huyết có nhiều tế bào lympho. Ngoài ra cũng còn có một số chất có kích thước lớn hoặc vi khuẩn sau khi đi qua vách giữa các tế

bào nội mạc mao bạch mạch, vào được hệ bạch huyết. Những phần tử này bị giữ lại ở hạch bạch huyết và bị phá huỷ tại đây.

Số lượng dịch bạch huyết không nhiều, đại bộ phận nằm trong ống ngực, hệ thống bạch huyết gan và ruột. Trung bình có khoảng 120ml dịch bạch huyết vào trong hệ thống tuần hoàn trong 1 giờ. Dịch bạch huyết có vai trò bổ xung một số thành phần quan trọng cho máu như protein, bạch cầu lympho, lipid và một lượng dịch.

2.2. Sự lưu thông của dich bạch huyết (động lực của dịch bạch huyết).

- Về mặt cấu tạo, các mao bạch huyết được tạo nên bởi tế bào nội mô mao mạch bạch huyết. Lớp tế bào này xếp lên nhau liên tiếp tạo nên các van nhỏ khiến cho dịch gian bào và các thành phần dịch gian bào ( kể cả các thành phần có kích thước lớn không hấp thu được vào hệ mao tĩnh mạch) có thể qua hệ thống van này vào lòng mao mạch bạch huyết. Để cho mao mạch bạch huyết không bị xẹp lại các tế bào nội mô mao mạch bạch huyết có các dây neo vào các tế bào mô liên kết xung quanh.

- Mao mạch bạch huyết có tính thấm cao hơn mao tĩnh mạch nên nước và các chất hồ tan trong nước thuộc dịch kẽ dễ hấp thu vào mao mạch bạch huyết mặc dù sự chênh lệch áp lực giữa dịch gian bào và dịch bạch huyết là rất thấp.

- Dịch bạch huyết có hàm lượng protein cao hơn nhiều so với dịch kẽ nên nước từ dịch kẽ dễ vào dịch bạch huyết do chênh lệch áp lực keo.

- Các tế bào nội mô mao mạch bạch huyết có chứa các sợi actomyosin nên chúng có thể co bóp theo nhịp. Các tế bào cơ trơn thành mạch bạch huyết co cũng tạo ra động lực thúc đẩy sự di chuyển của dịch bạch huyết.

- Khi mạch đập, khi co cơ, khi vận động các phần khác nhau của cơ thể, hoặc khi có các vật đố ép lên các mô từ ngoài cơ thể cũng làm cho tốc độ dòng dich bạch huyết tăng cường lưu thông.

- Áp lực máu tĩnh mạch dưới đòn trái thấp hơn áp lực dịch bạch huyết trong ống ngực cũng làm cho dòng dịch bạch huyết từ ống ngực dễ vào hệ tuần hoàn và làm tăng lưu thông bạch huyết, đặc biệt khi có tăng thông khí phổi.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG SINH lý máu và DỊCH THỂ (Trang 54 - 56)