Giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề về chi phí giao dịch, thông tin bất cân xứng, lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức đều phải có sự tham gia của các
trung gian tài chính. Tuy nhiên, các trung gian tài chính cũng gặp rủi ro về đạo đức khi tham gia vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao hay vì áp lực cạnh tranh,...nên cũng cần quản lý các trung gian tài chính để đảm bảo tính lành mạnh của các tổ chức này.
Sử dụng trung gian tài chính để khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng; nhưng ngược lại thông tin bất cân xứng cũng có thể làm sụp đổ các trung gian tài chính bởi “hỗn loạn ngân hàng”, hay “hỗn loạn tài chính”.
Do thông tin bất cân xứng, những người cung cấp vốn cho các trung gian tài chính đã không thể đánh giá được các trung gian tài chính sử dụng vốn của họ có lành mạnh hay không. Những người gửi tiền nghi ngờ các trung gian tài chính, khiến họ đồng loạt rút tiền ra, cho dù trung gian tài chính đó có lành mạnh hay không. Hậu quả là các trung gian tài chính có thể rơi vào “hỗn loạn ngân hàng”, còn nền kinh tế thì rơi vào cảnh “hỗn loạn tài chính”.
Chính vì vậy mà Chính phủ phải xây dựng các quy chế nhằm điều tiết các trung gian tài chính, cụ thể là:
1〉 Hạn chế nắm giữ tài sản có tính rủi ro cao và hạn chế một số hoạt động
Vì muốn có được lợi nhuận cao nên các định chế tài chính thường tham gia vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao nên Chính phủ quy định hạn chế nắm giữ các tài sản có độ rủi ro cao đối với các định chế tài chính, kèm theo các hình thức trừng phạt đủ mạnh với mức phạt lớn hơn lợi ích có được từ hành vi đó; để các trung gian tài chính thấy lợi ích của việc thay đổi hành vi không bằng cái giá phải trả; từ đó không nảy sinh động cơ thay đổi hành vi nữa.
Ngoài ra, Chính phủ còn hạn chế các trung gian tài chính hoạt động trong một số lĩnh vực có tính rủi ro cao.
2〉 Bảo hiểm tiền gửi
Tất cả các trung gian tài chính có nhận tiền gửi đều bị buộc mua bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, nhằm giảm thiểu tổn thất cho người gửi tiền nếu tổ chức tài chính gặp rủi ro..
3〉 Giới hạn cạnh tranh
Trong một số trường hợp, cạnh tranh không có giới hạn dễ xảy ra rủi ro đạo đức đối với các định chế tài chính. Vì thế Chính phủ phải ban hành Luật hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, Việc hạn chế cạnh tranh sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của các trung gian tài chính và người sử dụng các sản phẩm của các trung gian tài chính phải chịu mức chi phí cao hơn,...
4〉 Hạn chế về lãi suất
Nếu không có sự điều tiết về lãi suất sẽ xảy ra các cuộc chạy đua về lãi suất, đẩy chi phí sử dụng vốn lên cao, ngăn cản dòng chảy của vốn đến nơi cần vốn, làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trần huy động và lãi suất trần cho vay,...
5〉 Quy định về vốn đối với các trung gian tài chính
Việc quy định về vốn đối với các trung gian tài chính được thực hiện bằng 2 cách:
(1). Dựa vào chỉ số đòn bẩy tài chính (2). Dựa vào độ rủi ro
6〉 Sự giám sát và điều chỉnh kịp thời
Chính phủ phải có hành động ứng phó kịp thời đối với các trung gian tài chính rơi vào tình trạng xấu. Giải pháp có thể sáp nhập, bán nợ, giải thể,...
7〉 Đánh giá, đo lường chất lượng quản trị rủi ro của các Định chế tài chính
Để đánh giá, đo lường chất lượng quản trị rủi ro các trung gian tài chính cần phải:
(1).Xây dựng các thước đo về chất lượng giám sát.
(2).Xây dựng đủ các chính sách quản lý rủi ro và biện pháp hạn chế các hoạt động, hành vi chứa đựng rủi ro.
(3).Chất lượng của hệ thống đo lường và giám sát rủi ro.
(4).Ban hành đầy đủ các nguyên tắc kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa những hành vi gian lận của nhân viên.
8〉 Làm rõ và phổ biến thông tin về bản thân của các trung gian tài chính
Các nhà làm Luật yêu cầu các trung gian tài chính phải cung cấp và đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ, công khai, minh bạch giúp thị trường có thể đánh giá được chất lượng, cũng như rủi ro của các định chế tài chính.