Do thành phần hoá học cũng như tính chất của các cấp hạt khác nhau nên các loại đất có thành phần cơ giới khác nhau có độ phì nhiêu khác nhau. Từ đó việc sử dụng cũng như biện pháp cải tạo chúng đựoc áp dụng khác nhau cho phù hợp và hiệu quả. Sau đây ta so sánh 3 loại đất có thành phần cơ giới khác nhau: đất cát, đất sét và đất thịt.
+ Ðất cát
Là loại đất trong đó tỷ lệ cấp hạt cát lớn, có thể đạt tới 100 %. Ðất cát có những ưu nhược điểm sau:
• Do các hạt có kích thước lớn nên tổng thể tích khe hở, lớn nhất là khe hở phi mao quản, từ đó nước dễ thấm xuống sâu và đồng thời cũng dễ bốc hơi nên dẫn tới đất dễ bị khô hạn.
• Trong đất cát điều kiện ôxy hoá tốt nên chất hữu cơ bị khoáng hoá mạnh dẫn đến đất nghèo mùn.
• Ðất cát dễ bị đốt nóng vào mùa hè và cũng dễ mất nhiệt trở nên nguội lạnh vào mùa đông, bất lợi cho cây trồng và vi sinh vật phát triển.
• Ðất cát rời rạc, dễ cày bừa giảm công làm đất, nhưng nếu mưa to hay tưới ngập, đất thường bị lắng rẽ, bí chặt.
• Ðất cát chứa ít keo nên khả năng hấp phụ thấp, khả năng giữ nước giữ phân (chất dinh dưỡng) kém. Vì vậy nếu bón nhiều phân tập trung vào một lúc cây không sử dụng hết, một phần lớn bị rửa trôi do đó gây lãng phí. Trên đất cát khi bón phân hữu cơ nhất thiết phải vùi sâu để giảm sự "đốt cháy".
• Ðất cát thích hợp với nhiều loại cây trồng có củ như khoai lang, khoai tây, lạc...Trong đất cát rễ và củ dễ dàng vươn xa và ăn sâu mà không bị chèn ép. Các cây họ đậu có khả năng cộng sinh với vi khuẩn nên cũng có thể thích ứng trên đất cát. Một số vùng đất cát người ta còn trồng các loại: dưa hấu, dưa lê hay vừng, kê; thậm chí cây đặc chủng như thuốc lá cũng được trồng trên đất cát.
Thực tế sản xuất trên đất cát, do cơ sở vật chất không cho phép chúng ta cải tạo thành phần cơ giới bằng đưa sét vào. Muốn đạt năng suất cao nhất chỉ có thể bố trí những loại cây trồng phù hợp với đất cát đồng thời áp dụng những kỹ thuật canh tác hợp lý. Tuy vậy một số vùng đất cát trong phẫu diện dưới tầng cát có tầng sâu(subsoil horizon) với tỷ lệ sét cao, ta có thể cày sâu lật sét lên tầng mặt. Lúc đó nhất thiết phải tăng cường phân bón nhất là phân hữu cơ để cải thiện được độ phì và cho năng suất cao.
+ Ðất sét.
Ðất sét là loại đất trong đó cấp hạt sét chiếm tỷ lệ cao, ngược lại tỷ lệ cát thấp hoặc không có. Khi xét về đất sét ta cần lưu ý đến trạng thái kết cấu của đất. Nếu đất sét không có kết cấu hay kết cấu kém thì có những ưu nhược điểm dưới đây:
• Ðộ thoáng khí thấp nên dễ gây ra glây hoá, xác hữu cơ phân giải chậm, lượng chất hữu cơ tích luỹ nhiều hơn.
• Ðất chứa nhiều sét hơn nên sức cản lớn, tính dính cao gây khó khăn hơn cho việc làm đất.
• Do nhiều sét nên đất có khả năng hấp phụ lớn, các chất ít bị rửa trôi, tính đệm cao hơn. Ngoài ra độ ẩm cây héo cao hơn nhiều đã làm giảm lượng nước hữu hiệu so với đất cát.
• Tuy nhiên, nếu đất sét chứa nhiều chất hữu cơ trở nên có kết cấu tốt thì lại là một loại đất lý tưởng nhờ khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, nước, không khí được cải thiện thoả mãn cho cây trồng.
+ Ðất thịt.
Ðất thịt là loại đất có tỷ lệ của các cấp hạt cũng như các đặc tính lý hoá học nằm trung gian giữa 2 loại đất cát và đất sét. Thường đất thịt có mặt đầy đủ cả 3 cấp hạt cát, limon và sét. Nếu là đất thịt nhẹ thì tỷ lệ cấp hạt cát lớn, ngược lại đất thịt nặng tỷ lệ cấp hạt cát giảm mà tỷ lệ cấp hạt sét tăng.
Nói chung đất thịt trung bình là tốt vì vừa có những đặc tính lý, hoá học và sinh học phù hợp cho nhiều loại cây trồng vừa dễ làm đất và chăm bón lại có năng suất cao.