Theo số liệu thống kê của tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện có 162 tổ chức, cá nhân hành nghề bơm hút cát trên sông, với 185 phương tiện. Trong đó, các cơ quan chức năng đã sàng lọc nghi vấn 55 đối tượng lén lút khai thác cát lòng sông trái phép. Ngoài ra, có khoảng 10 phương tiện bơm hút cát ngoài tỉnh đến hoạt động. Các đối tượng thường sử dụng phương tiện khai thác nhỏ, hoạt động lén lút, hoặc trang bị máy hút công suất lớn, nhưng thực hiện trong thời gian ngắn, khai thác vào ban đêm, dựa vào đường ranh giới hành chính giữa các tỉnh để di chuyển qua lại… Mánh lới khai thác tinh vi của các đối tượng đã gây không ít khó khăn đối với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý. Có trường hợp, khi lực lượng chức năng kiểm tra, không có chủ phương tiện quản lý, người làm công không xuất trình được giấy tờ; các đối tượng vi phạm manh động, không hợp tác, không ký tên vào biên bản kiểm tra, thậm chí, còn có hành vi chống người thi hành công vụ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, trong sáu tháng đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an tỉnh và các ngành chức năng tổ chức 12 cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện 14 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 837 triệu đồng. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang hai lần chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp kiểm tra khu vực giáp ranh, phát
hiện và xử phạt một trường hợp vi phạm số tiền 70 triệu đồng. Ngoài ra, Tổ công tác liên ngành ở địa phương kiểm tra 34 cuộc, phát hiện tám trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 161 triệu đồng.
Để tăng cường biện pháp răn đe, siết chặt công tác quản lý tài nguyên, mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định, đề nghị Bộ xem xét dừng thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa trên sông Tiền và các sông khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã lên phương án xây dựng điểm tạm giữ phương tiện thủy vi phạm khai thác cát trái phép. Địa điểm được chọn là khu vực kênh Xáng Cụt, đoạn từ sông Tiền đến gần cầu Bình Đức thuộc phường 6 và xã Trung An (TP Mỹ Tho). Bên cạnh đó, số điện thoại đường dây nóng của tổ công tác liên ngành được duy trì thường xuyên, tiếp nhận thông tin của người liên quan khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, để các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền cũng như các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, việc ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác cát trái phép trong thời gian tới vẫn còn không ít khó khăn, vì nhiều đối tượng coi đây là nghề kiếm sống. Vì thế, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết pháp luật; về lâu dài, phải có chính sách chuyển đổi nghề cho các đối tượng chuyên khai thác trái phép cát, để kéo giảm tình trạng này đến mức thấp nhất.
2.2.3 Du lịch
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy chế về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Quy chế này áp dụng cho tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc mọi thành phần ở trong và ngoài nước hoạt động du lịch hoặc có hoạt động liên quan tới du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, Quy chế đưa ra những quy định cụ thể về quản lý và sử dụng đất ở khu du lịch, điểm du lịch; Quản lý xây dựng, sử dụng và khai thác các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu du lịch, điểm du lịch; Bảo vệ môi trường trong khu du lịch, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa; Tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực du lịch… Quy chế nêu rõ việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình phát triển du lịch phải tuân theo quy hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan. Đề án phát triển ở từng khu du lịch, điểm du lịch được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý, tiến hành công tác đầu tư xây dựng, lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cho phép.
Trong vấn đề bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa, cá nhân và tổ chức sử dụng và khai thác môi trường nhằm mục đích kinh doanh phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo
vệ môi trường, trong đó cần giải trình các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu; Bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình kinh doanh du lịch; Niêm yết nội quy bảo vệ môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch; Tổ chức phương tiện, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đúng quy định.