Sau khi giảng dạy một giai đoạn lịch sử, một vấn đề chuyên sâu, giáo viên cần biên soạn các câu hỏi ôn tập giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản, rèn luyện kĩ năng phân tích đề và kĩ năng làm bài. Đồng thời kết hợp với tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh dưới hình thức kiểm tra miệng và kiểm tra viết. Đối với ôn luyện học sinh giỏi, kiểm tra viết 180 phút theo cấu trúc dạng đề thi học sinh giỏi quốc gia là việc quan trọng và thường xuyên, qua đó sẽ giúp học sinh hình thành được kĩ năng làm bài thi.
Chúng tôi đưa ra một số câu hỏi, bài tập tự luận và hướng dẫn trả lời để ôn tập chuyên sâu cho học sinh giỏi khi giảng dạy giai đoạn lịch sử Việt Nam 1919 – 1930.
1.4.1. Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930
Câu 1. Phân tích tác động của tình hình quốc tế đối với phong trào
dân tộc dân chủ ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
1. Hội nghị Vécxai.
- Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước thắng trận đã họp ở Véc-xai để phân chia lại thế giới, thiết lập một trật thế giới mới. Thực chất, đây là sự phân chia khu vực cai trị, bóc lột giữa các nước đế quốc. Theo đó,Việt Nam tiếp tục trở thành thuộc địa của Pháp.
- Tháng 6/1919, thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội Véc-xai bản yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách đó không được chấp nhận, nhưng nó là đòn tấn công trực diện đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc vào bọn đế quốc, có tiếng vang lớn tại Pháp và Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga 1917
- Cách mạng XHCN tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra con đường giải phóng cho giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa. Cách mạng tháng
Mười Nga làm cho phong trào cách mạng ở phương Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông có mối quan hệ mật thiết với nhau vì cùng chống một kẻ thù chung là chủ nghĩa Đế quốc
- Cách mạng tháng Mười có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam:
+ Thắng lợi của CM tháng 10 Nga đã tác động đến những người yêu nước Việt Nam trên con đường tìm chân lý cứu nước mà trước hết là đến với Nguyễn Ái Quốc. Nhờ cách mạng tháng Mười mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác Lê-nin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, con đường cách mạng vô sản.
+ Dưới tác động của cách mạng tháng Mười Nga, cuộc đấu tranh của cách mạng Pháp và phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa của Pháp trong đó có Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau vì cùng chống kẻ thù chung là Đế quốc Pháp.
3. Sự thành lập Quốc tế cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp
- Do sự phát triển của phong trào cách mạng ở các nước TBCN, nhiều tổ chức Cộng sản lần lượt thành lập ở các nước châu Âu. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, tháng 3/1919 Quốc tế Cộng sản thành lập ở Mát- xcơ-va. Những hoạt động của Quốc tế Cộng sản có tác động đến cách mạng Việt Nam:
- Tại đại hội II (1920), bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa được thông qua. Bản luận cương này đã được Nguyễn Ái Quốc đọc và Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta là cách mạng vô sản.
- Tháng 12/ 1920 Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện
này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước sang lập trường cộng sản.
4. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh ở châu Á.
- Trên cơ sở đó, các Đảng Cộng Sản Inđônêxia (5/1920), đặc biệt sự
kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921) được thành lập đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng nước ta ảnh
hưởng đến phong trào cách mạng Việt Nam
Các sự kiện trên đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cơ bản để truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, từ đó hình thành một khuynh hướng cách mạng mới ở Việt Nam – đó là khuynh hướng cách mạng vô sản.
Câu 2. Đặc điểm lớn nhất của phong trào cách mạng Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến đầu năm 1930 là gì? Phân tích những yếu tố quy định đặc điểm đó.
1. Đặc điểm lớn nhất : phong trào cách mạng Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến đầu năm 1930 có hai khuynh hướng vô sản và tư sản cùng tồn tại và phát triển. Hai khuynh hướng đều vươn lên giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc.
2. Phân tích những yếu tố quy định đặc điểm đó.
- Về kinh tế : Do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp ở Đông Dương 1919 – 1929 kinh tế Việt Nam có chuyển biến về cơ cấu và tính chất.
- Về xã hội : Cơ cấu giai cấp của xã hội việt nam có những chuyển biến mới. Mỗi giai cấp, tầng lớp có quyền lợi về kinh tế và địa vị chính trị khác nhau nên có thái độ chính trị khác nhau. Các giai cấp mới là cơ sở xã hội để hình thành khuynh hướng vô sản và tư sản trong cuộc vận động giải phóng
dân tộc từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến đầu năm 1930.
- Về tư tưởng: Tư tưởng dân chủ tư sản vấn tiếp tục dội vào nước ta đặc biệt là chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn.... Do ảnh hưởng của thế giới, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng tháng Mười Nga cùng với lí luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc, được những người yêu nước Việt Nam truyền bá trong nhân dân ta. Trên cở sở đó, đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu 1930.
- Những điều kiện lịch sử nói trên, đã tác động tới sự hình thành hai khuynh hướng chính trị vô sản và tư sản trong phong trào yêu nước Việt Nam từ năm 1919 đến đầu năm 1930.
Câu 3. Nêu những nét chính của phong trào dân tộc dân chủ theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Tại sao khuynh hướng tư sản không trở thành khuynh hướng chủ đạo của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam từ 1930 về sau?