6. Kết cấu của luận văn
1.3. Nhận xét về danh mục sách giáo khoa Hán văn địa lý cho
chƣơng trình cải lƣơng khoa cử chữ Hán (1906)
Nhìn vào bảng thống kê trên, chúng ta thấy rằng: có 21 đầu sách được coi là sách giáo khoa dùng trong việc dạy và học môn Địa lý của chương trình cải lương giáo dục chữ Hán. Tuy không phải tất cả 21 đầu sách (với tổng cộng 64 cuốn) đều được biên soạn để phục vụ trực tiếp giảng dạy nhưng có thể chắc chắn rằng người học của chương trình cải lương đều cần phải nghiên cứu các tri thức ở các tài liệu trên phục vụ việc học và thi môn địa lý.
Tất nhiên, đối với người đi học thì toàn bộ những sách Hán văn địa lý trước đó cũng được sử dụng cho mục đích học và thi cũng như học mà để biết của họ. Nhưng ở đây, do giới hạn của đề tài, chúng tôi chỉ đưa vào danh mục trên những sách có niên đại được biên soạn vào cuối thế kỉ XIX và 2 thập niên đầu thế kỷ XX mà thôi.
Từ danh mục trên, có thể nêu ra một vài nhận xét về sách giáo khoa Hán văn địa lý trong chương trình cải lương khoa cử chữ Hán 1906 như sau:
1.3.1. Sách Hán văn địa lý qua đặc trƣng số lƣợng in / chép tay
Đặc trưng số lượng của sách giáo khoa Hán văn địa lý được xác lập qua một số tiêu chí như sách in hay chép tay.
Qua bảng trên cho ta thấy tỷ lệ sách in và chép tay như sau: 3/21 sách in; 12/21 sách chép tay; 6/21 sách gồm cả bản in và chép tay. Số lượng các sách có bản in chỉ chiếm 9/21 sách nhưng mỗi đầu sách lại được in với số lượng lớn hơn chép tay nên tổng số sách in là 43 cuốn. Trong khi đó, sách chép tay chiếm hơn tới 12/21 đầu sách nhưng chỉ còn lại có 24 cuốn. Sở dĩ có điều này bởi sách được in có số lượng lớn hơn, đặc biệt là cuốn Trung học Việt sử toát yếu 中學越史撮要của Ngô Giáp Đậu còn tới 22 bản in, Bắc sử tân san toàn biên 北史新刪全編của Liễu Giang cư sĩ còn tới 6 bản. Những sách in thường mang tính phổ thông hơn, dễ cập nhật hơn bởi có số lượng sách lớn, số người đọc đông. Trong khi đó, các sách chép tay số lượng ít hơn,
còn có những sai sót về chữ viết, ít phổ biến hơn, hoặc chỉ được học trong một trường, một thầy nên mang tính chủ quan của người viết sách rất rõ. Như vậy, in và lượng in lớn có thể được xem là điểm nhấn của sách giáo khoa Hán văn địa lý phục vụ cho chương trình cải lương giáo dục khoa cử 1906.
1.3.2. Sách Hán văn địa lý qua niên đại
Trong tổng số 21 đầu sách, có 13 đầu sách còn ghi rõ niên đại là năm soạn, năm in hoặc năm hiệu đính, năm chép tay. Ngoại trừ trường hợp Vạn quốc địa dư chí 萬國地輿志, tuy là cuốn sách viết về địa lý thế giới khá sớm (được soạn và viết tựa năm 1887), nhưng rất cần cho thời đại khải mông, nên chúng tôi vẫn đưa vào danh mục, số còn lại đều có niên đại biên soạn, in hay chép lại vào giai đoạn cải lương giáo dục khoa cử. Sách được in muộn nhất là Trung học Việt sử toát yếu 中學越史撮要 của Ngô Giáp Đậu được in năm 1911 tại nhà in số 22 Hàng Bè – Hà Nội. Nếu lấy năm 1906 làm mốc, thì chỉ có Đại Pháp Đông Pháp hành chính nhất miệt 大法東法行政一蔑
và Vạn quốc địa dư 萬國地輿 được viết trước năm 1906 (chiếm 2/13 đầu sách); còn lại là 11/13 đầu sách có niên đại vào các năm 1907, 1908. 1909, 1910, 1911. Điều này chứng tỏ, chỉ sau khi có Nghị định cải lương học vụ năm 1906 thì việc biên soạn tài liệu phục vụ dạy và học chương trình cải lương mới trở nên ồ ạt hơn.
1.3.3. Về tác giả của sách Hán văn địa lý
Thống kê cho thấy có 15/21 đầu sách còn ghi tên tác giả, hoặc tên người viết tựa. Các sách có ghi tên người biên soạn là: Ấu học Hán tự tân thư 幼學 漢字新書 có ghi rõ nhóm Dương Lâm, Đoàn Triển, Bùi Hướng Thành biên tập, Đỗ Văn Tâm hiệu đính, Đông Dương Nghị học Hội đồng biên soạn năm 1908; Nam quốc địa dư Ấu học giáo khoa 南國地輿幼學教科 do Bùi Hướng Thành phụng thảo (địa lý Việt Nam); Ấu học phổ thông thuyết ước 幼 學普通說約 do Ngạc đình Phạm Quang Xán biên soạn, in năm 1908 (sách tổng hợp các kiến thức phổ thông trong đó có địa lý và thiên văn); Bắc sử tân san toàn biên 北史新刪全編 do Liễu Giang cư sĩ biên tập, in năm 1909
(sách lịch sử có chứa kiến thức về địa lý Trung Quốc); Tiểu học quốc sử lược biên 小學國史略編 và Quốc sử tiểu học lược biên 國史小學略編 đều của Phạm Huy Hổ biên soạn năm 1907 (hai cuốn này có nội dung tương đương nhau, tuy vậy tên gọi lại khác nhau đồ rằng là do 2 người chép. Trong đó bản
Quốc sử tiểu học lược biên 國史小學略編 A.1327 chép kĩ hơn Tiểu học quốc sử lược biên 小學國史略編 A.239) nội dung chép về lịch sử Việt Nam, có xen phần địa lý Việt Nam; Việt môn địa sử 越門地史 do Trần Doãn Đông soạn không ghi niên đại (là sách lịch sử có thêm phần địa lý sử của Việt Nam); Đại Pháp Đông Dương hành chính nhất miệt 大法東法行政一蔑 do Hoàng Tạ Ngọc biên soạn năm 1905 (sách ghi về địa lý của Pháp và địa lý chính trị khu vực Đông Dương, hành trình đến Paris)… Có thể thấy, tác giả của các tài liệu này đều là người có trình độ Nho học cao, sống trong buổi giao thông Á – Âu, thông hiểu văn mình phương Tây, lại đảm đương trọng trách trong các trường cải lương giáo dục của Pháp. Có thể kể tên như Ngô Giáp Đậu - từng giữ chức giáo thụ rồi đốc học thời vua Thành Thái. Ngạc Đình Phạm Quang Xán xuất thân trong gia đình Nho học, trong dòng họ có tới 9 tiến sĩ, cũng giữ chức huấn đạo ở Thái Bình đời vua Thành Thái. Ở phía trường tư, Lương Trúc Đàm – là con của cụ cử Lương Văn Can, đỗ cử nhân, giữ chức hậu bổ tỉnh Hà Đông tham gia trường Đông Kinh Nghĩa Thục cổ động tân học, mở mang trí thức, duy tân tự cường.
1.3.4. Tính phân loại của các sách giáo khoa Hán văn địa lý
Các sách địa lý giai đoạn này đều đề cập đến sự phân loại địa lý, trình bày các tri thức về địa lý theo những tiêu chí nhất định. Mục đích là để hướng người học vào một hệ thống đối tượng địa lý cụ thế, tiện cho việc học và nghiên cứu. Có thể coi đó là một trong những dấu hiệu của địa lý học hiện đại.
Địa học nguyên thủy 地學原始 phân loại địa dư theo các tiêu chí địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế - xã hội và địa lý chính trị như sau: “地輿 分為三條目一條論海陸山川之類, 一條論萬國該治律例之類, 一條 論道路土產及技 藝之類 - địa dư phân vi tam điều mục: nhất điều luận
hải lục sơn xuyên chi loại; nhất điều luận vạn quốc cai trị luật lệ cho loại; nhất điều luận đạo lộ thổ sản cập kĩ nghệ chi loại - Địa dư phân ra ba loại. Loại thứ nhất luận về lục địa, biển, núi sông nói chung; loại thứ 2 luận về luật lệ cai trị của các nước trên Thế giới; loại thứ 3 bàn về đường sá, thổ sản và kĩ nghệ” [ĐHNT, Tr. 11]
Cũng tương tự như vậy, Doanh hoàn toàn chí lược biên 瀛寰全誌 略編 kí hiệu A.893 phân loại địa lý theo các tiêu chí: địa lý tự nhiên (toán thuật và văn thuật) và địa lý chính trị: “地理學者研究大地一切之 學 問 也. 約分三類一曰算術地理, 論地之形體大小; 二曰地文地理, 論水 陸山川之位置, 氣候生物之殊異, 及一切天然之事; 三曰政治 地理 則詳郡國人民土英, 冒易戶口, 風俗等事 - Địa lý học giả nghiên cứu đại địa nhất thiết chi học vấn dã. Ước phân tam loại: nhất viết toán thuật địa lý luận địa chi hình thể đại tiểu; nhị viết địa văn địa lý luận thủy lục sơn xuyên chi vị trí khí hậu sinh vật chi thù dị cập nhất thiết thiên nhiên chi sự; tam viết chính trị địa lý tắc tường quận quốc nhân dân thổ anh mạo dịch hộ khẩu phong tục đẳng sự - Địa lý học nghiên cứu toàn bộ các vấn đề về địa lý. Có thể chia thành 3 loại sau: Thứ nhất đó là địa lý toán thuật, luận về diện tích lớn nhỏ, địa hình cao thấp; Thứ hai đó là địa lý văn thuật, luận vị trí, khí hậu, thổ nhưỡng, thổ sản và các vấn đề tự nhiên khác; Thứ 3 là địa lý chính trị bàn các vấn đề về hành chính, dân số, hộ khẩu, phong tục” [Doanh hoàn toàn chí lược biên, Tr.6].
Phần Tổng luận 北史新編總論 của Bắc sử tân san toàn biên 北史新 刪 全編, kí hiệu A.498 giới thiệu khái quát địa lý Trung Quốc cũng phân loại địa lý Trung Quốc trên cơ sở: “區畫及民數風俗 - khu hoach cập dân số phong tục - Bờ cõi đến dân số và phong tục” với các phần: địa lý tự nhiên (vị trí, giới hạn, núi sông, hồ đảo, bờ biển, khí hậu, khoảng sản, thổ sản, diên cách các tỉnh trong lịch sử), địa lý dân cư (số dân, phong tục) giúp người học có cái nhìn khái quát về đất nước và con người Trung Quốc, trước khi tìm hiểu lịch
sử Trung Quốc từ thời Tam Hoàng Ngũ đế. [Bắc sử tân san toàn biên A.498, Tr 9-22].
Cuốn Ấu học phổ thông thuyết ước 幼學普通說約 – sách dạy trẻ em các kiến thức phổ thông bao gồm tri thức thiên văn, địa lý, phần Phổ thông thuyết ước mục lục 普通說約目錄, Ngạc Đình Phạm Quang Xán chia thành thiên văn, địa lý và địa dư. Cụ thể: “天文: 地圓, 地轉, 經偉度, 方向, 四辰, 五带, 日月, 日蝕, 月蝕, 行星, 定星, 慧星. 地理: 地之原因, 土石, 洋海, 海湖, 江河, 湖泊陸地, 小島, 高原, 低原, 山岳, 火山, 地質. 地輿: 五洋, 人類, 民俗, 尊教, 亞州, 歐州, 非州, 美州, 澳州, 本國 - Thiên văn: địa viên, địa chuyển, kinh vĩ độ, phương hướng, tứ thời, ngũ đới, nhật nguyệt, nhật thực, nguyệt thực, hành tinh, định tinh, thuật tinh, tuệ tinh. Địa lý: địa chi nguyên nhân, thổ thạch, dương hải, hải hồ, giang hà, hồ phách, thủy khí, lục địa, tiểu đảo, cao nguyên, đê nguyên, sơn nhạc, hỏa sơn, địa chất. Địa dư: ngũ dương, nhân loại, dân tục, tôn giáo, Á châu, Âu châu, Phi châu, Mĩ châu, Úc châu, bản quốc – Thiên văn: hình thể, sự chuyển động của trái đất, kinh độ, vĩ độ, phương hướng, bốn mùa, 5 đới, mặt trời, mặt trăng, nhật thực, nguyệt thực, hành tinh, định tinh, tuệ tinh. Địa lý: nguyên nhân hình thành: đất đá, đại dương, biển hồ, sông ngòi, hồ đầm, lục địa, tiểu đảo, cao nguyên, thung lũng, núi, núi lửa, địa chất. Địa dư: 5 đại dương, nhân loại, dân số, phong tục, tôn giáo, châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mĩ, châu Úc, các nước” [Ấu học phổ thông thuyết ước, Tr.2].
Như vậy, Ấu học phổ thông thuyết ước幼學普通說約 phân loại địa lý học trên cơ sở những yếu tố bên ngoài trái đất (thiên văn), những yếu tố thuộc trái đất như: tự nhiên và nhân loại (địa lý), những yếu tố thuộc về cương giới, đời sống của con người (địa dư). Với cách phân loại như trên thì khái niệm địa lý và địa dư có sự phân biệt với nhau: địa lý được hiểu như một khoa học về tất cả các vấn đề liên quan đến trái đất, vũ trụ, con người; còn địa dư chủ yếu nhấn mạnh đến vấn đề cương vực, nhân văn: chính thể, tôn giáo, phong tục mỗi vùng.
Tiếp cận với địa lý Thế giới, các sách địa lý Hán văn đều lần lượt đề cập đến 5 châu: châu Á, châu Âu, châu Mĩ, châu Phi, châu Úc. Sau khi khái quát chung toàn châu lục sẽ đi vào trường hợp các nước tiêu biểu. Chủ yếu là lựa chọn các nước lớn trên cơ sở diện tích, dân số tình hình phát triển.
Đối với việc phân loại địa lý hành chính Việt Nam, sách Ấu học địa dư giáo khoa thư 幼學地輿教科書 trong phần “地方名目- địa phương danh mục - danh mục các địa phương” phân loại địa lý giống như Địa học nguyên thủy 地學原始: chia nước ta thành 3 miền (Bắc Kỳ 24 tỉnh, 2 đạo; Nam Kỳ trước đây có 6 tỉnh, nay chia thành 20 tỉnh; Trung Kỳ 11 tỉnh, 2 đạo. [Ấu học địa dư giáo khoa, Tr.2].
1.3.5. Sự cần thiết của địa lý thế giới
Thời đại giao thông Á – Âu đã làm cho người ta đã dần ý thức được tầm quan trọng của khoa học địa lý. Hãy xem trong lời tựa sách Doanh hoàn toàn chí lược biên 瀛寰全誌略編:“宇宙之大, 事物繁紛大而治平, 小而 格 致. 有心人疑無講求, 講求若何?必自地理學始.地理 學乃關 系一切 事務. 無論何人皆為至要之學問. 如醫師, 如商人, 如兵士,
如航海者 尤不可不知其他 .研究历史,
考察政治亦必以地理學為基郎. 社會學, 經濟學何一不當藉貸 於地理乎? 然則地理之要從可知也 - Vũ trụ chi đại, sự vật phồn phân đại nhi trị bình, tiểu nhi cách trí. Hữu tâm nhân nghi vô giảng cầu, giảng cầu nhược hà?Tất tự địa lý học thủy. Địa lý học nãi quan hệ nhất thiết sự vụ, vô luận hà nhân giai vi chí yếu chi học vấn. Như y sư, như thương nhân, như binh sĩ, như hàng hải giả vưu bất khả bất tri kỳ tha. Nghiên cứu lịch sử, khảo sát chính trị diệc tất dĩ địa lý học vi cơ lang. Xã hội học, kinh tế học, hà nhất bất đương tịch thải ư địa lý hồ? Nhiên tắc địa lý chi yếu tòng khả tri dã – Vũ trụ rộng lớn, to mà vẫn trật tự, nhỏ mà vẫn rõ ràng. Con người có suy nghĩ nên không có gì lại không tìm hiểu, vậy tìm hiểu như thế nào? Ắt phải bắt đầu từ khoa học Địa lý. Khoa học Địa lý có mối quan hệ với mọi sự vật. Bất kể là ai đều phải coi trọng khoa học này. Như: thầy thuốc, thương nhân, binh sĩ, người
làm hàng hải không thể không biết địa lý. Người nghiên cứu lịch sử, khảo sát chính trị cũng lấy khoa học Địa lý làm nền tảng. Xã hội học, kinh tế học có thể không vay mượn kiến thức địa lý sao? Như vậy, có thể biết được tầm quan trọng của địa lý ra sao”. [DHTCLB, Tr.5]
Địa lý học tựa như công cụ cần thiết để sống và làm việc. Vậy thì sao có thể không học Địa lý, cũng trong tâm trạng ấy, Lương Trúc Đàm đã viết: “今 日之日, 五洲比鄰, 六類雜踏, 競争愈烈則交通愈繁. 無論為士為農 為工為商皆不欲蜷伏鄉里. 此地輿之學所以當急講也. 東西各國首
重地輿學, 自本國地輿至外國地輿, 無不蒸讀 - Kim nhật chi nhật, ngũ
châu tỉ lân, lục loại tạp đạp, cạnh tranh dũ liệt, tắc giao thông dũ phồn, vô luận vi sĩ vi nông, vi công vi thương, giai bất dục quyền phục hương lý. Thử địa dư chi học sở dĩ đương cấp giảng dã. Đông tây các quốc, thủ trọng địa dư học. Tự bản quốc địa dư, chí ngoại quốc địa dư, vô bất chưng độc. Ngày nay năm châu gần nhau, muôn loài giao thoa, cạnh tranh càng khốc liệt thì sự giao thông càng nhộn nhịp. Không kể tri thức, nông dân, công nhân, người buôn bán đều không thể ngồi yên một chỗ. Do vậy tri thức địa dư cần được giảng dạy kịp thời. Các nước đông tây coi trọng địa dư hàng đầu, từ địa dư trong nước đến địa dư nước ngoài không thể không đọc kĩ”. [NQĐD, Tr1]
1.3.6. Yêu nƣớc mình phải học địa dƣ nƣớc mình
Yêu nước mình nên phải học địa lý nước mình là phương châm của các tác gia mang tinh thần duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX. Lương Trúc Đàm đã nói thay lời những người Việt Nam yêu nước qua lời tựa sách Nam quốc địa
dư 南國地輿: “吾有一言敬告諸同胞曰: 人不可不自愛其國, 欲自愛
其國則 不可不知其國之疆域, 形勢, 區畫, 風俗, 政治, 氣候, 土宜, 則請 自讀本 國地輿始 – ngô hữu nhất ngôn kính cáo chư đồng bào viết: nhân bất khả bất tự ái kỳ quốc, dục tự ái kỳ quốc tắc bất khả bất tri kỳ quốc chi cương vực, hình thế, khu trú, phong tục, chính trị, khí hậu, thổ nghi, tắc thỉnh tự độc bản quốc địa dư thủy - Xin có lời kính thưa đồng bào rằng: người nước ta không thể không yêu nước mình. Yêu nước mình thì không thể không
biết cương vực, hình thể, khu trú, phong tục, chính trị, khí hậu, thổ nghi của nước mình. Muốn thế trước tiên xin hãy đọc địa dư nước mình”. [NQĐD, Tr2] Không chỉ có vậy, học tập địa lý còn trở thành một điều vô cùng thiên liêng đối với tầng lớp chí sĩ Việt Nam không chỉ trong trường học Đông Kinh Nghĩa Thục mà cả ở bên ngoài: “Lại có một giáo viên hoàn thành được tấm bản đồ Việt Nam to tướng, thu hút cả khách hiếu kì ở ngoài trường tới xem.