5. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẢO ĐẢM TÍN DỤNG CỦA NHTM TẠI VIỆT NAM
5.1.2. Thế chấp tài sản của khách hàng vay
* Thế chấp bất động sản
Đa số các ngân hàng Việt Nam đều muốn nhận bất động sản( BĐS) làm tài sản thế chấp cho các khoản vay thương mại.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam vay có thế chấp bằng bất động sản chiếm trên 80% trong tổng dư nợ cho vay có đảm bảo của các NHTM.
Hầu hết các khoản vay thế chấp bằng BĐS là các khoản vay có giá trị lớn, thời gian dài. Vì thế các NHTM cũng có những quy định chặt chẽ về cho vay thế chấp bằng BĐS về độ tuổi, thu nhập của người vay, pháp nhân vay cũng như việc định giá TSĐB.
Theo quy định giá trị khoản vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp. Tuy nhiên mức cho vay thế chấp BĐS của các NHTM ở Việt Nam tối đa phổ biến từ 50%-60% giá trị TSĐB. Về việc định giá BĐS mỗi NHTM đều xây dựng cho mình một quy trình và phương pháp định giá phù hợp với ngân hàng mình.
* Thế chấp giá trị quyền sử dụng đất
Đây là hình thức đảm bảo tiền vay rất phổ biến, nhất là đối với khách hàng cá nhân. Do thủ tục đơn giản, việc kiểm tra quyền sở hữu đối với đất cũng thuận tiện và nhanh chóng hơn .
* Thế chấp bằng TSCĐ khác: như máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên hình thức này không phổ biến tại các NHTM Việt Nam do những khó khăn trong định giá tài sản (không có những quy định cụ thể cho từng loại máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực sản xuất khác nhau) và theo dõi tài sản đảm bảo.
5.1.3. Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba
Về các quy định về TSĐB và khoản cho vay cũng tường tự như đối với tài sản của khách hàng vay.
Tuy nhiên, dư nợ theo hình thức đảm bảo này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay có đảm bảo do còn liên quan đến một bên thứ ba, có thêm cam kết của bên thứ ba bảo đảm cho khoản vay. Trên thực tê, rất ít tồn tại một “bên thứ ba” như thế.
5.1.4. Đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay
Tài sản hình thành từ vốn vay có giá trị lớn như ô tô, nhà cửa, công trình xây dựng, vật kiến trúc. Cho vay trả góp mua nhà và mua ô tô rất phổ biến tại các NHTM ở Việt Nam.
Cho vay mua ô tô : hiện nay, tại các NHTM Việt Nam thông thường, khách hàng được vay vốn bằng 60-70% giá trị của xe, thời gian cho vay từ 3-5 năm và lãi suất dao động khoảng 1-1,2%/tháng.
Dư nợ cho vay mua xe cũng chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, có những ngân hàng lên đến 15%-20% như VIBank, ngân hàng Á Châu…. Hiện nay, các NHTM đang cạnh tranh gay gắt trong hình thức cho vay này về lãi suât, thời gian vay và phương thức trả nợ do dư nợ của khoản cho vay này tương đối lớn và lãi suất cho vay cũng cao hơn so với các khoản cho vay khác.
Các quy định của Ngân hàng đối với hình thức cho vay này hết sức chặt chẽ.
Đối tượng cho vay: hầu hết các NHTM Việt Nam chỉ áp dụng đối với cá nhân và hộ gia đình là người Việt Nam, không áp dụng với cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, còn có các quy định ngặt nghèo khác về độ tuổi của khách hàng vay, tình hình tài chính. Các quy định này khác nhau ở các ngân hàng tuy nhiên không đáng kể vì các ngân hàng đều muốn giảm thiểu tối đa rủi roc ho ngân hàng mình khi cho vay theo hình thức này.
5.2. Đảm bảo tiền vay trong trường hợp không có tài sản đảm bảo
* Tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn khách hàng vay để cho vay không có bảo đảm bằng tài sản
Ngân hàng cho vay dựa trên uy tín của khách hàng, Khách hàng ở đây chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp, có quan hệ tín dụng lâu dài với ngân hàng, có lịch sử tín dụng tốt, có khả năng tài chính tốt, có kết quả kinh doanh có lãi trong một số năm liền kề. Ngoài ra, để cho vay không có TSĐB ngân hàng còn phải căn cứ vào dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.
Để lựa chọn được khách hàng vay không có đảm bảo bằng tài sản các NHTM thường xây dựng cho mình một quy trình chấm điểm tín dụng hoặc dựa trên những phân tích của các tổ chức chấm điểm tín dụng có uy tín.
Tại các NHTM ở Việt Nam, hầu hết đều thực hiện hình thức cho vay này đối với các khách hàng trung thành của mình mà có lịch sử tín dụng tốt. Tuy nhiên dư nợ theo hình thức cho vay này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay.
* Tổ chức tín dụng nhà nước được cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ
Hình thức này thường chủ yếu được sử dụng trong các NHTM quốc doanh.
Ví dụ như Agribank: Cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; Cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; Cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; Cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; Cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; Cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
Theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng.
Các khoản vay theo chỉ định của chính phủ thường được ưu đãi về lãi suất và thời hạn cho vay.
Với hình thức đảm bảo này NHTM hầu như không phải chịu rủi ro trong cho vay vì đã có Chính phủ đứng ra đảm bảo trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ.
* Tổ chức tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay có bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Một số tổ chức được dùng uy tín của mình để đảm bảo tiền vay tại Việt Nam như: hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,đoàn thanh niên…cho các hội viên của mình vay vốn.
Các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ này chủ yếu là các NHTM quốc doanh như Agribank, BIDV, Techcombank.
Dư nợ cho vay đối với hình thức đảm bảo này chiếm một tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ cho vay do chủ yếu là nhằm thực hiện các chính sách của Chính phủ.
KẾT LUẬN
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, bảo đảm tín dụng là một biện pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu, là cách thức, biện pháp tạo cơ sở kinh tế, pháp lý để thu hồi nợ, có vai trò rất lớn trong quyết định cấp tín dụng của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, không đơn giản vì nó là chỗ dựa tin cậy trong việc đưa ra quyết định cấp tín dụng mà hơn thế nữa, tài sản bảo đảm có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện của hành vi lừa đảo và tâm lý ỷ lại sau khi vay. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu coi đó là căn cứ duy nhất để ngân hàng quyết định cấp tín dụng. Bên cạnh bảo đảm bằng các hình thức tín dụng chúng ta nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng khác như xâydựng chính sách tín dụng hợp lí, thực hiện đúng quy trình quản lý tín dụng, phân tích tín dụng và đánh giá khả năng xảy ra rủi ro của mỗi khoản vay trước khi ra quyết định, phân tán rủi ro bảo hiểm tín dụng, trích lập quỹ dự phòng rủi ro…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Giáo trình Quản Trị Ngân hàng Thương Mại GS.TS LÊ VĂN TƯ NXB Tài chính 2005 2/ Nghị định 178/1999/NĐ-CP của chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng; nghị định của chính phủ số 85/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 178/1999/NĐ-CP
3/ Thông tư 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC hướng dẫn việc xử lí tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ cho các TCTD
4/ Thông tư của NHNN Việt Nam số 07/2003/TT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện một số qui định về đảm bảo tiền vay của các TCTD