5. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẢO ĐẢM TÍN DỤNG CỦA NHTM TẠI VIỆT NAM
5.1.1. Cầm cố tài sản của khách hàng vay
Điều 329 Bộ luật dân sự quy định “Cầm cố tài sản là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự; nếu tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu, thì các bên có thể thỏa thuận bên cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho bên thứ ba giữ”.
Đặc trưng của cầm cố tài sản theo pháp luật Việt Nam là đối tượng cầm cố chỉ có thể là động sản. Bộ luật dân sự đã có sự mở rộng hơn so với trước đây là quyền tài sản tham gia với tư cách là đối tượng của cầm cố (trừ quyền sử dụng đất là đối tượng có thể được thế chấp). Các tài sản được cầm cổ phổ biến là các giấy tờ có giá, sổ tiết kiệm ngoài ra còn có ngoại tệ mạnh, kim loại quý và các loại hợp đồng.
* Cầm cố giấy tờ có giá
Giấy tờ có giá được chấp nhận làm tài sản đảm bảo phổ biến ở các NHTM là các giấy tờ có giá do chính NHTM đó phát hành; tín phiếu, trái phiếu kho bạc hoặc giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng quốc doanh phát hành như của ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam, Ngân hàng công thương, Ngân hàng ngoại thương.
Giá trị khoản vay bằng cầm cố giấy tờ có giá có thể lên tới 100% giá trị GTCG tùy thuộc vào từng ngân hàng, phổ biến ở mức 85%-90%.
Về loại tiền phát hành của giấy tờ có giá: tuy theo Thông tư số 11/2009/TT-NHNN ban hành ngày 27/5/2009 quy định giấy tờ có giá phải được phát hành bằng VND đã được loại bỏ tuy nhiên hầu hết các NHTM chỉ chấp nhận giấy tờ có giá được phát hành bằng VND hoặc nếu có chấp nhận giấy tờ có giá bằng ngoại tệ thì tỷ lệ được vay trên giá trị GTCG cũng thấp hơn từ 5%-10%.
Loại tiền cho vay là VND, ngoại tệ, vàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng có quy định chỉ cho vay bằng VND như Agribank, Navibank, Trustbank.
Thời gian cho vay được quy định phổ biến ở các ngân hàng là tối đa bằng thời hạn còn lại của giấy tờ có giá, tính đến ngày đáo hạn, nhưng không quá 12 tháng hoặc tối đa bằng thời hạn còn lại của giấy tờ có giá, tính đến ngày đáo hạn. Ngoài ra còn một số quy định cụ thể hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng.
Lãi suất vay theo lãi suất quy định hiện hành của từng ngân hàng.
* Cầm cố sổ tiết kiệm
Hiện nay, tất cả các NHTM ở Việt Nam đều thực hiện nghiệp vụ cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình vì sổ tiết kiệm được xem là một trong những tài sản đảm bảo có tính an toàn cao nhất đối với các ngân hàng. Mức cho vay phổ biến từ 80% đến 95% giá trị sổ tiết kiệm. Nhiều ngân hàng có thể cho vay với giá trị khoản vay bằng 100% giá trị sổ tiết kiệm (khi thời hạn của khoản vay ngắn hơn thời hạn của sổ tiết kiệm, tổng lãi tiền gửi từ sổ tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng tổng lãi của khoản vay và khoản vay phải đáo hạn trước sổ tiết kiệm – trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
Cho đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể trình tự, thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm nói riêng mà chỉ quy định trình tự, thủ tục thế chấp, cầm cố tài sản nói chung. Căn cứ vào những quy định chung này, các ngân hàng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cầm cố sổ tiết kiệm cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng mình.