- Về sử dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp: số liệu khảo sát cho thấy, trong tổng số 41.102 doanh nghiệp, có 60,23% số doanh nghiệp đã trang bị máy vi tính, song chỉ có 11,55% số doanh nghiệp có sử dụng mạng nội bộ (LAN) và chỉ có 2,16% số doanh nghiệp có Website. Điều này chứng tỏ việc tham gia thương mại điện tử và khai thác thông tin trên Internet của các doanh nghiệp phía Bắc là rất hạn chế.
- Về nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp: Kết quả khảo sát cho thấy 33,64% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về tài chính, kế toán doanh nghiệp; 31,62% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về quản trị doanh nghiệp; 24,14% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về phát triển thị trường; 20,17% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh; 12,89% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về phát triển sản phẩm mới; 12,89% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng kinh tế; 11,62% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về quản lý nguồn nhân lực; 10,85% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp; 9,41% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về quản lý kỹ thuật; 8,08% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về quản lý chất lượng sản phẩm và 7,76% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và
thuyết trình. Số liệu trên đây cho thấy các nội dung đào tạo về phát triển sản phẩm mới, quản lý kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm là những vấn đề quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp lại ít được các doanh nghiệp chú trọng.
- Nhu cầu đào tạo về kỹ thuật và công nghệ: Trong tổng số 10.994 doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất công nghiệp thu hồi được phiếu, có 5,6% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về tự động hoá; 4,6% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về kỹ thuật điện; 4,2% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về công nghệ tạo khuôn; 4,0% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về công nghệ hàn; 3,6% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về công nghệ chế tạo máy; 3,5% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về vận hành máy kỹ thuật số; 2,94% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về công nghệ đúc và 2,24% số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về kỹ thuật mạ. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo kỹ thuật có tính chất đặc thù, chỉ có những doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị tương ứng với từng chuyên ngành thì mới có nhu cầu đào tạo về các lĩnh vực đó.
- Nhu cầu về các loại giảng viên tham gia đào tạo cho doanh nghiệp: Trong tổng số 26.361 doanh nghiệp tham gia trả lời, có 46,39% số doanh nghiệp mong muốn giảng viên là các doanh nhân thành đạt; 42,24% số doanh nghiệp mong muốn giảng viên là các chuyên gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; rất ít doanh nghiệp có mong muốn giảng viên là các cán bộ giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng, giảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học và các chuyên gia tư vấn.
Tóm lại: Nhờ có chính sách thông thoáng về đăng ký kinh doanh nên có nhiều loại hình doanh nghiệp ra nhập thị trường, đông đảo nhất là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần. Doanh nghiệp tham gia vào hầu hết các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau; mật độ doanh nghiệp theo dân số phân bố khá hợp lý ở các vùng, tỉnh, thành phố và đã tạo ra hàng ngàn chỗ làm việc mỗi năm; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, một thực trạng là cơ cấu doanh nghiệp theo ngành nghề còn bất cập, doanh nghiệp phân bố chủ yếu ở một số ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn, lao động phổ thông như ngành thương nghiệp, xây dựng; các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như công nghiệp điện tử, công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có quá ít doanh nghiệp tham gia vào các ngành này. Qui mô bình quân vốn, lao động của doanh nghiệp còn nhỏ bé; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số (97.9%). Công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu ở trình độ trung bình và lạc hậu (88%). Trên 50% doanh nghiệp không có triển vọng xuất khẩu sản phẩm và cũng trên 50 % doanh nghiệp không có chiến lược phát triển trong tương lai. Tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn hoặc không tiếp cận được. Có quá ít (5.2%) doanh nghiệp được tham gia vào chính sách khuyến
khích và hỗ trợ xuất khẩu. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có 3 khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tài chính, mở rộng thị trường và đất đai.
Nhằm hạn chế thực trạng nói trên cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một số giải pháp
1. Khẩn trương xây dựng cơ chế và nội dung phối hợp giữa các ngành (Đăng ký kinh doanh, thuế, thống kê, quản lý thị trường) với UBND các cấp để thực hiện ngay và nghiêm túc công tác hậu kiểm, nhằm đánh giá, điều chỉnh và bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
2. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dân doanh tăng qui mô về vốn và lao động nhằm tạo được một số doanh nghiệp dân doanh có qui mô lớn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
3. Tiến hành khảo sát và phân tích sâu theo từng chuyên đề để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho một số vấn đề sau:
- Trở ngại lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vấn đề tài chính; vấn đề mở rộng thị trường; và vấn đề đất đai, mặt bằng kinh doanh. Cần phải được chi tiết, cụ thể hoá từng vấn đề nói trên, chẳng hạn, trở ngại về tài chính cụ thể là cái gì? thiếu vốn? Cơ chế, chính sách tài chính chưa phù hợp, thiếu đồng bộ ở những điểm nào? Sách nhiễu của cơ quan, công chức trong lĩnh vực này? Doanh nghiệp chưa biết hoặc chưa thông hiểu cơ chế, chính sách của Nhà nước?... Xác định được nguyên nhân và mức độ của từng vấn đề chi tiết nói trên mới có giải pháp hữu hiệu cho từng vấn đề đang gây khó khăn cản trở đến doanh nghiệp.
- Tại sao có quá nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận và khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của Nhà nước; tại sao có quá nhiều doanh nghiệp không được tham gia và khó tham gia chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu? Tại sao có quá nhiều doanh nghiệp không được tham gia và khó tham gia chính sách hợp tác sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp lớn? - Tại sao hỗ trợ công nghệ kỹ thuật không được nhiều doanh nghiệp quan
tâm bằng hỗ trợ về quản trị kinh doanh? Tại sao có quá ít doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, mặc dù vấn đề kỹ thuật và công nghệ quyết đinh sự sống còn của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; trong khi có quá nhiều doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu?
- Tại sao doanh nghiệp ít quan tâm đến đào tạo kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình; kỹ năng quản lý chất lượng sản phẩm; kỹ năng phát triển sản phẩm mới; kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng? trong khi đó, nhu cầu đào tạo về
tài chính kế toán, quản trị tổng hợp được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm.
- Trình độ công nghệ của doanh nghiệp chưa tương quan chặt chẽ với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại sao nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến lại có nhiều doanh nghiệp bị lỗ hơn là nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu?
Chỉ khi nào chuẩn đoán được đúng căn bệnh nói trên mới có biện pháp điều trị hữu hiệu.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp: Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ là rất lớn (68.2%), điều đó cho thấy hiệu quả của các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa mang lại kết quả tương xứng. Giải pháp cho vấn đề này như sau:
- Khẩn trương tổng kết, đánh giá nội dung, biện pháp và tổ chức thực hiện các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để xác định những điểm tồn tại, nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Chẳng hạn, tổng kết, đánh giá Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 để xác định những nội dung nào của Nghị định chưa phù hợp; biện pháp nào chưa đúng hoặc tổ chức thực hiện vướng mắc ở khâu nào? do nguyên nhân gì và biện pháp khắc phục như thế nào? (xem thêm Hộp 3- Các chính sách và chương trình trợ giúp).
- Xây dựng chiến lược đào tạo về kỹ thuật - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bao gồm các nội dung như, Quản lý kỹ thuật; Đào tạo về phát triển thiết kế ; Đào tạo tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới; Đào tạo về công nghệ đại trà thông thường (kỹ sư có kinh nghiệm trực tiếp đến các doanh nghiệp).
Phương pháp đào tạo cần tập trung nhiều vào khâu thực hành và xử lý tình huống. Lực lượng giảng viên nên tuyển chọn từ các nhà doanh nhân thành đạt và các cơ quan quản lý nhà nước.
(Hiện nay, một số trường đại học và các viện thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Công nghiệp có một số chương trình đào tạo công nghệ nhưng chưa đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng).
- Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp phổ biến thông tin, bao gồm tư vấn hỗ trợ công nghệ và chuyển giao công nghệ; tư vấn trang thiết bị và lắp đặt thiết bị; cung cấp và phổ biến thông tin; kiểm tra, đo lường, kiểm định; nghiên cứu và phát triển.
Tư vấn hỗ trợ và chuyển giao công nghệ: Các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) cần phối hợp với các tổ chức và cá nhân liên quan có đủ năng lực để tiến hành các dịch vụ tư vấn về công nghệ, tổ chức thành nhóm chuyên gia để tư vấn cho các DNNVV, dựa trên các vấn đề phát sinh từ quá trình
thiết kế đến sản xuất mà các DN gặp phải, phân tích các quá trình và đưa ra những phương pháp công nghệ sản xuất tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Tư vấn cho các DNNVV về phương án đầu tư chiều sâu, phát triển sản phẩm mới hoặc áp dụng những công nghệ mới từ những trung tâm hoặc cơ quan nghiên cứu, các trường đại học. Tư vấn cho DNNVV nâng cao tính năng kỹ thuật sản phẩm để nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật tiếp nhận những công nghệ mới từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đai học để phổ biến và chuyển giao công nghệ cho các DNNVV. Tìm hiểu các nhu cầu từ phía các DNNVV, tư vấn giúp họ hiểu được lợi ích của việc áp dụng công nghệ mới và khi cần hỗ trợ chuyển giao cho các DNNVV.
Tư vấn trang thiết bị và lắp đặt thiết bị: Các trung tâm HTKT sẽ tổ chức các nhóm chuyên gia (bao gồm các chuyên gia của Trung tâm và của các đơn vị phối thuộc) sẵn sàng tư vấn cho các DNNVV sử dụng hết tính năng kỹ thuật của các thiết bị sẵn có. Hiện hầu hết các trang thiết bị của các DNNVV còn lạc hậu do vốn đầu tư ít. Trong điều kiện có thể các chuyên gia tư vấn sẽ tư vấn cho họ cách lắp đặt thiết bị mới khi họ yêu cầu, tư vấn cách sử lý, bảo quản các trang thiết bị một cách hiệu quả. Với các trang thiết bị và cơ sở vật chất sẽ được đầu tư cho các Trung tâm HTKT và sự giúp đỡ về mặt tài chính và chuyên gia của nước ngoài sẽ trở thành những công cụ sử dụng chung, các doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng các phương tiện này theo hợp đồng về thời gian (trong đó có phần được sử dụng miễn phí) cho những mục đích nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới. Các Trung tâm sẽ trang bị những thiết bị mới nhất, những thiết bị đặc biệt để các DNNVV sử dụng để chế tạo các sản phẩm hay để chạy thử trước khi lắp đặt. Đồng thời các Trung tâm HTKT cũng được trang bị các máy vi tính, để tư vấn hay hướng dẫn cho doanh nghiệp về kỹ năng thiết kế bằng các phần mềm thiết kế trên máy tính CAD,CNC và chế tạo máy sử dụng máy tính …
Cung cấp và phổ biến thông tin: Hiện nay các nghiên cứu viên và các nhà khoa học thuộc các công ty nhà nước của Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ đang thu thập thông tin về công nghệ sản xuất và vật liệu mới để cung cấp cho các tổ chức có quan tâm. Nhưng hiện thời các DNNVV vẫn chưa tiếp cận được với các thông tin này. Vì vậy các Trung tâm HTKT sẽ phải tiến hành thu thập các thông tin cần thiết kể cả từ nước ngoài và làm đầu mối cung cấp các cơ sở dữ liệu có thể truy cập nhanh, cải thiện môi trường về thông tin cho DNNVV để DN có thể truy cập miễn phí thông qua hệ thống truy cập nhanh trên mạng. Trước mắt các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật sẽ bắt đầu thu thập các dữ liệu có trong nước với sự cộng tác của Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ và các trường Đại học kỹ thuật. Trong tương lai sẽ tăng lượng thông tin chuyên ngành được quan tâm như đưa ra các thông tin có phân tích theo mục đích.
Kiểm tra -Đo lường- Kiểm định: Hiện nay hầu hết DNNVV đều không có các công cụ đo lường hoặc các DNNVV cũng không tự xác định được sản phẩm của họ đạt độ chính xác đến mức nào. Để phát triển công nghiệp trong tương lai ở Việt Nam việc tiêu chuẩn hoá và nâng cao độ chính xác của sản phẩm là hết sức cần thiết. Một số DNNVV có các công cụ đơn giản như véc nô...nhưng không có được các thiết bị có trình độ cao hơn như thiết bị đo lường bằng laser. Vì vậy bước đầu để các doanh nghiệp có thể nắm vững về độ chính xác các sản phẩm của mình, các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật sẽ cung cấp các thiết bị kiểm định và không chỉ đánh giá độ chính xác của các sản phẩm mà còn tư vấn cho doanh nghiệp cách sử dụng các thiết bị này. Sau đó sẽ tạo điều kiện để các DNNVV trang bị các công cụ đo, kiểm riêng để nâng cao kỹ năng kỹ thuật của họ.
Nghiên cứu và phát triển: Các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật sẽ trang bị những phòng thí nghiệm và trang thiết bị cần thiết nhằm mục đích nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm mới đó cho doanh nghiệp. Đồng thời sẵn sàng hướng dẫn và cho các DNNVV sử dụng các phòng thí nghiệm và các trang thiết bị đó để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm mới của doanh nghiệp theo hợp đồng trong đó có phần sử dụng miễn phí.
5. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu khảo sát doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiến hành khai thác, phân loại và lập ra danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ theo từng lĩnh vực để vạch sẵn lộ trình hỗ trợ cho từng lĩnh vực phù hợp với khả năng, điều kiện của trung tâm. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số doanh nghiệp có tính khả thi cao để tuyên truyền, vận động và thực hiện thí điểm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp. Thành công của những doanh nghiệp thí điểm này (Hôp 4) sẽ là