Ý kiến về chính sách tín dụng của Nhà nước: Cuộc khảo sát này thiết kế 3 mức độ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đó là “Đã tiếp cận”, “Khó tiếp cận” và “Không tiếp cận được”, kết quả khảo sát đã chỉ ra số doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của Nhà nước là rất khó (Biểu đồ 21). Có 32.4% doanh nghiệp đánh giá là đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng Nhà nước, con số này đối với nguồn vốn khác là 48.7%; 67,6% số doanh nghiệp trả lời khó tiếp cận hoặc không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, tỷ lệ này đối với nguồn vốn khác là 51.3%. Số doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước thì chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá. Các doanh nghiệp dân doanh rất ít được tiếp cận các nguồn vốn này. Kết quả này có thể gây bất ngờ vì đã có chủ trương và chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư đối với doanh nghiệp. Tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định 90/NĐ-CP, ngày 23/11/2001 đề cập đến khuyến khích đầu
tư và thành lập Quĩ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là một ví dụ điển hình về chính sách khuyến khích tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn có tới 2/3 số doanh nghiệp ở Phía bắc khó hoặc không tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng của nhà nước.
Có một thực tế là, mặc dù chính sách về tín dụng không có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp, song do các doanh nghiệp dân doanh có quá nhiều rủi ro nên các ngân hàng thường e ngại khi cho họ vay vốn, hoặc đặt ra các điều kiện bảo lãnh hoặc thế chấp rất khắt khe mà các doanh nghiệp dân doanh khó có thể đáp ứng, do vậy mà doanh nghiệp dân doanh ít tiêp cận được các nguồn vốn này và cũng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội có thể mở rộng sản xuất.
Về chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước, kết quả trả lời của doanh nghiệp bi quan hơn nhiều so với tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chỉ có 5.2% số doanh nghiệp trả lời là đã được tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước (chủ yếu là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa); 23.1% số doanh nghiệp trả lời là khó được tham gia; và 71.7% số doanh nghiệp trả lời là không được tham gia (Biểu đồ 22).
Điều đáng chú ý là Chính phủ đã có chương trình trọng điểm quốc gia về khuyến khích xuất khẩu, do Bộ Thương mại chủ trì. Song với cách thức hoạt động của chương trình là khuyến khích thông qua việc thưởng về thành tích xuất khẩu, do vậy chỉ có các doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu và xuất khẩu với khối lượng lớn sẽ được hưởng lợi. Các doanh nghiệp chưa có sản phẩm xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như đứng ngoài chương trình này của Chính phủ. Kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực tế này. Để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ xuất khẩu riêng và cách làm riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ Nhà nước có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sản phảm xuất khẩu cũng được tham gia các chuyến khảo sát, tìm hiểu thị trường nước ngoài, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài... để phát triển sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường để từng bước xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Về hợp tác sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp lớn, chỉ có 13% số doanh nghiệp trả lời là đã tham gia; trong khi đó có tới 87% số doanh nghiệp trả lời là khó tham gia và chưa được tham gia (Biểu đồ 23).
Vấn đề đáng lưu ý là trong khi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang rất cần tìm kiếm các nhà sản xuất phụ trợ cho họ là các doanh nghiệp Việt Nam, song có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn, lý do là các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen là nhà sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn. Song nguyên nhân chính là do trình độ quản lý sản xuất kém, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém , không đáp ứng được yêu cầu của người đặt hàng về chất lượng, giá cả và tiến độ giao hàng.