Tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, mang tính lịch sử. Sự hình thành, phát triển của tệ nạn tham nhũng nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tội phạm về tham nhũng diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới và tồn tại ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội, thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế.
Khái niệm "Tham nhũng" hiện nay đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi trên thế giới. Thuật ngữ "tham nhũng" được lý giải theo các cách khác nhau và chưa có một định nghĩa chung nhất về tham nhũng.
Theo Tài liệu hướng dẫn của Liên Hiệp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng năm 1969, tham nhũng là “sự lợi dụng quyền lực Nhà nước để trục lợi riêng”.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), thì “tham nhũng là bao gồm hành vi vi phạm của công chức trong khu vực công, dù là chính trị gia hay công chức dân sự, trong đó họ làm giàu một cách không đúng đắn hoặc bất hợp pháp cho bản thân hay cho người thân của mình bằng cách lạm dụng quyền lực công đã giao cho họ”.
Theo Ngân hàng thế giới (WB): Tham nhũng là việc lợi dụng quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân.
Ở Trung Quốc, BLHS quy định tội phạm về tham nhũng là tham ô, lạm dụng công quỹ, nhận hối lộ, đưa hối lộ, không nộp quà biếu hoặc lễ vật vào công quỹ, không chứng minh được nguồn gốc tài sản, phân chia tài sản trái phép.
Ở Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007 và
năm 2012), tại khoản 2 Điều 1 đã quy định: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi".
23
Quá trình phát triển của xã hội đã làm nảy sinh nhu cầu phải tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn, nhu cầu pháp điển hoá PLHS và điều đó đặt ra yêu cầu khái quát hóa từng loại tội phạm căn cứ vào một số dấu hiệu nhất định. Trên cơ sở đó, khái niệm tội phạm về tham nhũng được hình thành và ngày càng hoàn chỉnh.
Ngày 21/12/1999, Quốc hội đã thông qua BLHS năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2000 thay thế cho BLHS năm 1985. Và ngày 19/6/2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Theo đó, các tội phạm về tham nhũng được quy định trong Mục A Chương XXI, gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); Tội giả mạo trong công tác (Điều 284). Tuy nhiên, Bộ luật hình sự cũng không nêu khái niệm thế nào là tội phạm về tham nhũng.
Như vậy, từ trước đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có rất nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, tất cả các quan điểm đều thể hiện được những dấu hiệu đặc trưng chung, chủ yếu của tội phạm này, đó là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì động cơ vụ lợi.
Nghiên cứu, phân tích các quan điểm về tham nhũng và tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam cũng như trên thế giới; trên cơ sở phân tích cấu thành các tội phạm về tham nhũng được quy định trong BLHS năm 1999, có thể đưa ra khái niệm tội phạm về tham nhũng như sau:
Tội phạm về tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm uy tín và hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà
24
nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân do người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện trong khi thi hành công vụ vì động cơ vụ lợi.
Từ khái niệm tội phạm về tham nhũng nêu trên và trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, xem xét các tội phạm về tham nhũng được quy định trong BLHS năm 1999, thì mỗi tội phạm về tham nhũng cụ thể đều có những dấu hiệu, đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, tất cả các tội phạm về tham nhũng đều có các dấu hiệu pháp lý như sau:
- Về khách thể: Các tội phạm về tham nhũng là những hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành công vụ. “Cơ quan, tổ chức” được hiểu là cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước. Các lĩnh vực mà tội phạm về tham nhũng xâm phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức đó. Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là những hoạt động theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan cấu thành tội tham nhũng là hành vi đối lập, đi ngược với hành vi nhằm thực hiện công vụ. Vì thế, tham nhũng đã làm biến dạng, xuyên tạc tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Người phạm tội đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình vào việc thực hiện hành vi phạm tội. Tức là, các tội phạm về tham nhũng bao giờ cũng được thực hiện trong mối liên quan chặt chẽ với chức năng, quyền hạn. Nếu dấu hiệu này không được xác định thì không thể quy bất cứ hành vi vi phạm nào do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện là tội phạm về tham nhũng.
25
Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu pháp lý bắt buộc thuộc mặt khách quan của một số CTTP như tội tham ô (Điều 278), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281)... Đối với những tội phạm này, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là dấu hiệu pháp lý bắt buộc.
- Về chủ thể: Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng là chủ thể đặc biệt - những người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Ở đây cần lưu ý, thông thường khi một người có một chức danh thì thường tương ứng sẽ có một nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, không ít các trường hợp có chức danh nhưng không hoặc chưa được giao nhiệm vụ và do đó chưa phải là chủ thể của tội tham nhũng khác do còn thiếu dấu hiệu “được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ” như qui định của Điều 277 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ngoài chủ thể đặc biệt, những người khác có thể là chủ thể của tội phạm trong trường hợp đồng phạm (với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức).
Theo khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng, thì người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
26
Người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức chỉ có thể là chủ thể của các tội phạm về tham nhũng khi hành vi phạm tội của họ được thực hiện trong khi thi hành công vụ, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội ngoài phạm vi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp phạm tội về tham nhũng.
- Về mặt chủ quan: Tội phạm về tham nhũng được thực hiện với lỗi cố ý. Trong số 7 tội phạm thì có 4 tội (quy định tại các Điều 278, 279, 280 và 283 BLHS) được thực hiện với động cơ phạm tội là vụ lợi. Còn 3 tội khác (quy định tại các Điều 281, 282 và 284 BLHS) có thể được thực hiện bởi động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Việc chứng minh dấu hiệu động cơ vụ lợi để từ đó truy cứu trách nhiệm của người phạm tội luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tại khoản 5, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng”. Như vậy, dấu hiệu vụ lợi đối với các hành vi tham nhũng được xác định, không chỉ riêng trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được lợi ích mà còn bao gồm cả trường hợp người đó sẽ đạt được lợi ích trong tương lai. Đồng thời, lợi ích bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.