Đi đôi với việc áp dụng những thành tựu trong nghiên cứu nhân giống cây rừng bằng phương pháp giâm hom, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tự mày mò tìm ra những quy trình phương pháp riêng cho việc giâm hom một số loài cây rừng, trong đó có một số loài cây đặc hữu của Việt Nam.
Lần đầu tiên vào năm 1976 những thực nghiệm nhân giống bằng hom đối với một số loài như: Thông, Bạch Đàn…được tiến hành tại trung tâm nghiên cứu nguyên liệu giấy sợi Phù Ninh - Phú Thọ. Đây là một nghiên cứu sơ khai nhưng đã mở đầu cho hàng loạt các nghiên cứu thực nghiệm sau này tại Việt Nam [12].
Những năm 1983- 1984 các thực nghiệm nhân giống bằng hom được tiến hành tại viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, đối tượng nghiên cứu là Mỡ, Lát Hoa, Bạch Đàn. Nội dung nghiên cứu tập trung vào đặc điểm giải phẫu của hom, ảnh hưởng của nhiệt độ, ẩm độ của môi trường và xử lý hom bằng các chất kích thích.
Từ những năm 1990 trở lại đây thì Lê Đình Khả cùng Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Hoàng Nghĩa đã tiến hành nghiên cứu giâm hom các loại Bạch Đàn (1990 - 1991), Sở (ở Lạng Sơn năm 1990), Keo Lá Tràm (1995), Bách Xanh (1999), Pơ Mu (1997), Thông Đỏ (ở Ba Vì 1995).
Trung tâm nghiên cứu nhân giống cây rừng viện khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam sau một thời gian nghiên cứu đã thực hiện thành công việc sản xuất cây hom Bạch Đàn Trắng và cây Keo Lai theo kế hoạch của Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt trong 3 năm 1996- 1998. Tính đến năm
1997 trung tâm đã sản xuất được 120.000 cây hom và đã có 60 ha rừng trồng từ cây giống bằng hom [8].
Cho đến nay thì phương pháp nhân giống bằng hom đã và đang được sử dụng rộng rãi trong công tác chọn tạo giống cây rừng.