Có thể nói đầu tư quốc tế có vai trò hết sức quan trọng đối với các nước trên thế giới không riêng gì Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế của một đất nước, lá nguồn bổ sung lớn cho nguồn vốn trong nước góp phần bôi trơn các hoạt động kinh tế, thông thoáng môi trường đầu tư và thêm nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Từ đó giúp nước ta phát triển nhanh chóng và vượt bậc, sớm bắt kịp với nền kinh tế thế giới. Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà đầu tư quốc tế mang lại cho nước ta trong những năm qua, nhưng một khi nền kinh tế nước ta đã có những mối liên hệ mật thiết với kinh tế thế giới thì không thể tránh khỏi những tác động nếu có biến động gì xảy ra. Và cuộc khủng hoảng tài chính Mĩ năm 2008 đã nói lên điều đó. Qua phân tích ta thấy tác động trực tiếp không lớn nhưng tác động gián tiếp lại khá mạnh. Nguồn tín dụng dần trở nên cạn kiệt của thế giới làm cho chi phí vốn đắt đỏ hơn cùng với việc thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp suy giảm trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Thêm vào đó, hầu hết các dự án đầu tư nói chung, dự án FDI nói riêng, phần nợ vay thường chiếm một tỷ phần rất lớn trong tổng vốn đầu tư nên khi các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn sẽ làm cho nhiều hợp đồng vay vốn không được ký kết hoặc không thể giải ngân, điều này đã làm cho dòng vốn chảy vào nước ta suy giảm mạnh gây khó khăn cho nền kinh tế trong một thời gian dài. Một khi các dòng vốn từ bên ngoài suy giảm sẽ gây nhiều bất lợi, khó có thêm những cơ hội đầu tư mới nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục kịp thời. Mặc dù, Việt Nam được dự báo vẫn là điểm sáng của khu vực về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau khủng hoảng nhưng cũng không được vì thế mà chủ quan. Sau khủng hoảng, các nhà đầu tư nước ngoài đã ít nhiều có những suy nghĩ thận trọng hơn khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư, chủ yếu hướng đến những kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và có tính sinh lời cao cho nên trong thời gian tới nước ta cần hết sức nỗ lực hơn nữa, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn và cố gắng khai thác, tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn
có cũng như linh hoạt trong việc nắm bắt các cơ hội đầu tư mới để không bỏ qua một bất kì một dự án đầu tư quốc tế nào.
Từ cuộc khủng hoảng đó đã mang lại cho nước ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đoàn kết để làm nên sức mạnh, các doanh nghiệp cần liên kết kinh doanh, tận dụng cơ hội khai thác thị trường mới ngay trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, cùng kết hợp với nhau vượt qua thời điểm khó khăn, cùng có tiếng nói chung với đối tác quốc tế, tránh tranh mua, dành bán trong nước làm thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đồng thời phải có kế hoạch, chiến lược và hướng đi, liên kết tạo thành sức mạnh trong lợi thế so sánh. Tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc đa dạng hóa các hình thức liên kết. Thiết lập các quỹ hỗ trợ tài chính, quỹ nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện các dự án nghiên cứu chung của các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh chia sẻ thị trường. Trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có những cơ hội nếu chúng ta biết nắm bắt, các doanh nghiệp phải cùng nhau khai thác thế mạnh của mình trên các thị trường Mỹ, EU, Nhật,…nhanh chân mở rộng, tìm kiếm thị trường mới như : Trung đông, Ai cập…
Đồng thời kết hợp với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực giảm nghèo nhanh và bền vững.
Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các dự án đầu tư hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị. Có chính sách ưu đãi tốt đối với các công ty đa quốc gia để liên kết với các doanh nghiệp trong nước về tiêu thụ, cung ứng sản phẩm, hình thành các cụm công nghiệp - dịch vụ.
Trong thời gian tới cần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những ngành cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài như đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế,…các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ cao, đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ, kỹ năng, hoạt động R&D. Hỗ trợ các hoạt động đầu tư có hiệu quả, giảm thiểu những mặt
hạn chế, tiêu cực như nhập khẩu nhiều nhưng không chú trọng sản xuất mà chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và khai thác thị trường nội địa là chủ yếu; lợi dụng kẽ hở về chính sách, pháp luật của Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển giá, kê khai lỗ hoặc lợi nhuận thấp để chuyển lợi nhuận về nước, không có đóng góp hoặc đóng góp rất thấp nguồn ngân sách nhà nước của Việt Nam. Không tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh và quản lý thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư trên cả nước; xây dựng Chiến lược xúc tiến đầu tư điều phối tổng thể các hoạt động xúc tiến ở bình diện quốc gia; xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần có sự kết hợp chặt chẽ chính sách đầu tư với các chính sách điều chỉnh ngành khác, bao gồm chính sách đầu tư chung, chính sách khu công nghiệp theo hướng hình thành cụm công nghiệp có tính chuyên môn hóa và chính sách phát triển kinh tế vùng. Các chính sách này cần xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận tổng thể quốc gia để tạo tín hiệu chung dẫn dắt FDI tới ngành, vùng cần khuyến khích phát triển; hạn chế các địa phương thu hút các ngành nghề như nhau, thiếu sự phối hợp và bổ sung cho nhau giữa các ngành dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan mà vẫn thiên lệch, thiếu chuyên môn hóa.
Nhà nước phải luôn theo dõi và đưa ra những định hướng hỗ trợ cho các Doanh nghiệp: Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu, quan tâm hơn các kênh phân phối tại nước nhập khẩu, tổ chức hội chợ, quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn mở các văn phòng đại diện ở những thị trường lớn và tốt nhằm dễ nắm thông tin, theo dõi tình hình thị trường.
Chính phủ phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn, Nhà nước phải quản lý chặt việc giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do nhằm hạn chế sự đầu cơ ngoại tệ và gây sức ép tỷ giá, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nước ta.
Thông thoáng môi trường đầu tư là điều nên làm, kêu gọi doanh nghiệp trong nước, doanh nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp và hoạt động phải tốt hơn các doanh nghiệp đầu tư trước đó, nhằm thu hút vốn đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Muốn vậy, chính sách vĩ mô phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, chính sách địa phương cũng thông thoáng từ khâu thủ tục ban đầu, hệ thống cơ sở hạ tầng phải được đầu tư nâng cấp và sửa chữa hoàn thiện. Địa phương phải tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trước khi kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có chính sách hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư.
Một thực tế đáng quan tâm đó là mặc dù nước ta đã có những dự báo nhưng vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng sâu rộng cho nền kinh tế, chứng tỏ sức đề kháng nền kinh tế nước ta còn yếu chưa đủ sức để ngăn chặn. Trong thời gian đến chúng ta phải tăng cường kiểm tra quản lý các hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính nhằm ngăn chặn trước các trạng thái bất ổn có thể xảy ra, đảm bảo ổn định hệ thống chính trị và tận dụng những tiềm năng sẵn có để Việt Nam luôn là một nơi đáng tin cậy,thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế.