III. Đầu tư quốc tế tại Việt Nam trước, trong và sau khủng hoảng:
c. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FPI):
Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình cải cách và cổ phần hoá nhằm gia tăng năng lực và hiệu quả cạnh tranh khi gia nhập WTO. Cổ phần hoá phải đi đôi với việc hình thành các thị trường vốn, các kênh huy động vốn (hạt nhân là thị trường chứng khoán (TTCK)). Các mối quan hệ kinh tế gia tăng, dòng vốn lưu chuyển nhanh sẽ góp phần tạo ra các hiệu ứng tốt đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư FPI sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, giúp cho thị trường tài chính minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những giao động “phi thị trường”, góp phần vào giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).
Cùng với sự suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài FPI (bao gồm vốn đầu tư vào các chứng khoán cổ phần và chứng khoán nợ ) cũng bị giảm từ 8,6% GDP năm 2007 xuống còn 2,0% GDP năm 2009.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho các nhà đầu tư lo ngại trước những bất ổn của thị trường và bán chứng khoán để nắm giữ những tài khoản ít rủi ro hơn khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp sụt giảm nghiêm trọng, trong đó đầu tư gián tiếp vào các nước đang phát triển châu Á giảm mạnh nhất, khoảng 68,1 tỉ đôla, tiếp đến là vào các nước đang phát triển, giảm 55 tỉ đôla do thị trường chứng khoán của các nước này còn quá non trẻ (so với thị trường chứng khoán đã tồn tại hàng trăm năm của các nước phát triển khác) và thường chỉ có sức thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư ngắn hạn.
Vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2009 lên tới 500 triệu USD và đạt khoảng 600 triệu USD năm 2009 (tương đương với dòng vốn rút ra của năm 2008). Mặc dù chứng khoán Việt Nam giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế mởi nổi nhận được dòng vốn đầu tư ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán năm 2009. Theo đánh giá các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới của trang web (www.indexq.org), chỉ số chứng khoản của Việt Nam tăng 34,67% và nằm trong nhóm những chỉ số tăng mạnh nhất trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2009. Ở châu Á, Việt Nam thua Inđônêsia (36,97%); Ấn Độ (41,86%); Trung Quốc (42,17%). Ở Châu Âu, Việt Nam thua Nga (57,93%). Ở châu Mỹ, Việt Nam thua Brazil (35,33%); Argentina (44,71%); Peru (76,5%). Nếu xét theo chu kỳ sóng tăng kể từ thời điểm chạm đáy (tháng 2/2009), chỉ số chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới với mức tăng 80,48%. Đặc biệt, các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc cởi mở ngành dịch vụ Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của các nhà đầu tư Mỹ. Gần 50% vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam là của các nhà đầu tư Mỹ. Sở dĩ các nhà đầu tư Mỹ tăng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam là do:
Nhờ có sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững của nền kinh tế Việt Nam và sự cải thiện trong môi trường pháp luật, thương mại. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Chứng khoán mới là lý do chính của sự gia tăng đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam; vị thế chính trị ngày càng cao của Việt Nam trên thị trường thế giới và quá trình cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước cũng là nguyên nhân thúc đẩy luồng vốn đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam, làm cho các nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn vào thị trường này.
Theo báo cáo của Ngân hàng ANZ, năm 2007 dòng vốn FPI vào Việt Nam đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Năm 2008 và đầu năm 2009, trước những khó khăn của nền kinh tế, dòng vốn FPI có dấu hiệu chững lại và một phần đã được rút ra. Từ cuối quý II/2009, có sự đảo chiều và quay trở lại của vốn FPI, nhưng không thật sự mạnh như mong đợi. Trong năm 2010, nguồn vốn FPI vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, năm 2011 đạt mức 1 tỷ USD. Có lẽ 2011 là năm thất vọng nhất đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) chảy vào Việt Nam kể từ khi chúng ta trở thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chứng khoán và bất động sản liên tục đi xuống, chưa thấy điểm dừng. Thị trường vay nợ bên ngoài gần như đóng băng do sự rắc rối từ khoản nợ của Vinashi.
Theo thống kê của ngân hàng HSBC, quý I/2012, có khoảng 500 triệu USD chảy vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sang quý II, thị trường lại có những biến chuyển khác. Chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến cuối năm 2012, dòng vốn FPI đã âm hơn 4,9 triệu USD, trong khi đó, quý I/2012 khối này đã mua ròng gần 43 triệu USD. Sự suy giảm của dòng vốn FPI cũng chính là lý do TTCK càng ngày càng ảm đạm trong những tháng qua.
d. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA):
Nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ cho Việt Nam ngày càng nhiều, kể cả vốn vay lãi suất thấp và viện trợ không hoàn lại. Đây là nguồn ngoại lực quý giá, góp phần quan trọng giúp chúng ta đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, các cơ sở khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, nguồn vốn này đã hỗ trợ rất tích cực cho các địa phương thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ năm 2008 đạt 5 tỷ USD, năm 2009 tăng lên 5,9 tỷ USD. Bước sang năm 2010, mức cam kết nguồn vốn ODA vào Việt Nam tăng kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 8 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2008. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) trở thành nhà tài trợ lớn nhất với khoản cam kết gần 2,5 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản (hơn 1,6 tỷ USD) và thứ ba là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với hơn 1,4 tỷ USD. Từ sau năm 2010 mức cam kết hỗ trợ nguồn vốn ODA bắt đầu suy giảm nhưng vẫn đạt ở mức cao. Cụ thể năm 2011, mức cam kết là 7,9 tỷ USD, chủ yếu dành cho cơ sở hạ tầng, công trình giao thông và biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây vốn ODA cam kết sụt giảm. Trong con số này, 3,3 tỷ USD đến từ các nhà tài trợ song phương, riêng Nhật Bản cam kết 1,76 tỷ USD. Đối tác đa phương cam kết 4,6 tỷ USD. Đến năm 2012, mức cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam ước đạt gần 7,4 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ giúp Việt Nam bổ sung cùng các nguồn lực trong nước tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế bền vững trong giai
đoạn tới, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính - ngân hàng cũng như xóa đói giảm nghèo