Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Một phần của tài liệu Miễn trách nhiệm trong vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo qui định của CISG và Pháp luật Việt Nam (Trang 42 - 47)

do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Như vậy, về vấn đề này, quy định của pháp luật thương mại Việt Nam còn chưa đầy đủ và mang tính chung chung. Do đó, để khắc phục được những tồn tại này, trước tiên, các nhà làm luật trong nước cần dành thêm những quan tâm đối với nội dung này để có thể bổ sung những quy định cần thiết hơn. Từ những hạn chế còn tồn tại của pháp luật thương mại Việt Nam trong các quy định về vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, một vài đề xuất có thể được xem xét nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định này:

- Thứ nhất, so sánh với quy định trong CISG, pháp luật thương mại Việt Nam vẫn chưa phù hợp về các trường hợp miễn trách nhiệm, do vậy, cần bổ sung căn cứ người thứ ba có quan hệ với một bên trong hợp đồng gặp bất khả kháng làm căn cứ miễn trách nhiệm. Đây là trường hợp xảy ra khá phổ biến trên thực tế đồng thời đây cũng là một nội dung hợp lý được ghi nhận trong CISG. Chúng ta có thể bổ

sung quy định này vào Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 theo hướng:

Hành vi vi phạm của một bên do bên thứ ba được họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó do gặp phải sự kiện bất khả

kháng”.

- Thứ hai, Luật Thương mại 2005 cần đưa ra được một định nghĩa cụ thể, thống nhất thế nào là sự kiện bất khả kháng dựa trên những dấu hiệu xác định nó. Định nghĩa này cần phù hợp với cách hiểu chung về bất khả kháng được quy định

trong các văn bản pháp luật quốc tế [23, Suy nghĩ về miễn trách nhiệm do bất khả

kháng trong HĐMBHHQT hiện nay, Ths. Trần Văn Duy, 20/02/2013]. Đồng thời cách giải thích về sư kiện bất khả kháng cũng cần được đưa ra rõ ràng, cụ thể hơn.

- Thứ ba, cần cụ thể hóa các nghĩa vụ mà bên vi phạm phải thực hiện để được miễn trách nhiệm khi vi phạm HĐMBHHQT. Cụ thể, đối với nghĩa vụ thông báo, các văn bản luật cần quy định rõ khoảng thời gian hợp lý là bao lâu. Thiết nghĩ, khoảng thời gian này chỉ được giới hạn tối đa là bảy ngày kể từ khi sự kiện bất khả kháng diễn ra thì bên vi phạm phải gửi thông báo cho bên bị vi phạm (ngày gửi có thể được xác định theo dấu bưu điện). Điều này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho bên bị vi phạm. Đối với nghĩa vụ chứng minh, Luật Thương mại 2005 cũng cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền xác nhận sự kiện bất khả kháng xảy ra là cơ quan nào, các nội dung cũng như giấy tờ cần thiết để chứng minh gồm những gì để tạo được sự thống nhất trong thực tiễn. Thiết nghĩa, đó nên là Cơ quan dự báo thủy văn trung ương hoặc Cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp huyện trở lên nhằm đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của giấy tờ chứng minh.

- Thứ tư, pháp luật thương mại Việt Nam cần bổ sung những quy định, giải thích về hoàn cảnh khó khăn (hardship) để có thể phân biệt nó với trường hợp bất khả kháng trên thực tế. Cụ thể, chúng ta có thể dựa vào quy định tại Điều 6.2.1,

Điều 6.2.2 và Điều 6.2.3 của Bộ nguyên tắc PICC của UNIDROIT 2004 để có cách hiểu đúng đắn cũng như các quy định phù hợp về hoàn cảnh khó khăn.

- Thứ năm, cần quy định rõ ràng hơn về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm. Cụ thể, pháp luật thương mại Việt Nam cần quy định tách bạch cụ thể về trường hợp vi phạm hợp đồng do lỗi của cả hai bên và trường hợp hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm. Theo đó, nếu trường hợp lỗi do cả hai bên xảy ra, dựa trên mức độ lỗi và thiệt hại tương ứng từ lỗi của các bên, mỗi bên sẽ phải gánh

chịu các chế tài tương ứng. Như vậy, bên vi phạm sẽ được miễn trừ tương ứng với phần lỗi của bên bị vi phạm. Còn khi lỗi hoàn toàn từ phía bên bị vi phạm thì hậu quả pháp lý sẽ áp dụng các quy định hiện hành.

- Thứ sáu, về trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên, Luật Thương mại 2005 cần quy định rõ ràng hơn về nội dung thảo thuận của các bên nhằm tránh các trường hợp các thỏa thuận này có thể trái với nghĩa vụ trong hợp đồng hay các quy định của pháp luật. Quy định này có thể theo hướng các bên có thể được miễn trách nhiệm trên cơ sở thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT trong hợp đồng trừ trường hợp các bên phạm lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng. Chúng ta có thể xem xét các quy định tương tự trong pháp luật quốc gia khác chẳng hạn như tại khoản 4, Điều 401 Bộ luật dân sự Cộng hòa liên bang Nga quy định về việc thỏa thuận trước về hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm, tuy nhiên trong trường hợp bên vi phạm có lỗi cố ý thì thỏa thuận đó không có giá trị pháp lý.

- Thứ bảy, đối với quy định về trường hợp miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, pháp luật thương mại Việt Nam cần xác định cụ thể những cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, pháp luật cũng cần quy định về việc nhà nước có trách nhiệm bù đắp một phần thiệt hại cho bên bị vi phạm trong trường hợp này. Bởi lẽ, khi sư kiện này xảy ra, bên vi phạm sẽ được giải thoát khỏi chế tài do vi phạm hợp đồng trong khi đó bên bị vi phạm phải tự mình gánh chịu các hậu quả do hành vi vi phạm đó gây ra. Do vậy, bên bị vi phạm cần được bồi hoàn hoặc bù đắp một phần hay toàn bộ thiệt hại nhằm đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi cho các bên trong hợp đồng.

- Thứ tám, về hậu quả pháp lý khi xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm trong HĐMBHHQT. Chúng ta nên sửa đổi quy định này trên cơ sở xem xét quy định tương tự của CISG. Cụ thể, trong trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng hoặc bên thứ ba gặp bất khả kháng và vi phạm hợp đồng do thực hiện hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, bên vi phạm chỉ được giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm; trong trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi hoàn toàn của bên bị vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ được giải thoát khỏi toàn bộ các chế tài do vi phạm hợp đồng;

còn đối với trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên, các chế tài được miễn sẽ được xác định theo thỏa thuận đó.

Ngoài ra, cùng với các bổ sung, sửa đổi hoàn thiện pháp luật trong nước, chúng ta cần nhanh chóng gia nhập Công ước Viên 1980 về HĐMBHHQT. Đây chính là cơ sở để hoàn thiện pháp luật trong nước, gia tăng bảo đảm về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng háo quốc tế nói riêng và toàn bộ các nội dung liên quan khác được quy định trong công ước nói chung.

Không chỉ hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, để có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình, tránh được sự trốn tránh trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, các chủ thể khi tham gia kí kết, xây dựng hợp đồng cũng cần có quan tâm thích đáng đến các điều khoản về miễn trách nhiệm trong hợp đồng bởi hợp đồng chính là “luật của các thương nhân”, là căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất để xem xét các quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong quá trình kí kết hợp đồng, các bên phải xem xét kĩ tất cả các quy định của pháp luật về vấn đề này để tránh trường hợp các điều khoản trong hợp đồng vô hiệu do trái với các quy định pháp luật nhất là trong trường hợp các bên được miễn trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Kết luận chương 3:

Tuy rằng các quy định của pháp luật thương mại Việt Nam và CISG về việc miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT là tương đối đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên, trên thực tế áp dụng đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề không chỉ liên quan đến các căn cứ miễn trách nhiệm mà cả các nghĩa vụ đi kèm đối với các bên trong

HĐMBHHQT đã được cho thấy phần nào qua hai tranh chấp tiêu biểu đã được nêu trong chương ba. Qua đó, tác giả đã đưa ra một số hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam cũng như các các bên trong hợp đồng khi xây dựng điều khoản hợp đồng liên quan đến vấn đề này nhằm hạn chế tối đa những rủi ro và bảo vệ tốt hơn nữa các quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể tham gia cũng như có lợi ích liên quan đến hợp đồng.

KẾT LUẬN.

Vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT là một vấn đề thiết thực và quan trọng nhằm phòng ngừa sự trốn tránh trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia giao kết và thực hiện loại hợp đồng này. Để đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên liên quan trong HĐMBHHQT, các nội dung liên quan đến vấn đề này không những cần được các bên tham gia hợp đồng quan tâm mà còn đòi hỏi sự quy định cụ thể, chặt chẽ trong các văn bản pháp lý quốc gia và các công ước quốc tế.

Công ước Viên 1980 về HĐMBHHQT là một văn kiện quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong HĐMBHHQT

trong đó có vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT. Công ước không chỉ điều chỉnh phần lớn các giao dịch thương mại hàng hóa trên thế giới mà nó còn là luật mẫu cho các bên trong hợp đồng cũng như pháp luật các quốc gia. Với vai trò quan trọng như vậy, đòi hỏi gia nhập và tìm hiểu về các quy định của công ước đối với vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT cũng như đảm bảo sự tương thích hơn nữa của pháp luật trong nước với công ước về vấn đề này nhằm hoàn thiện pháp luật có liên quan có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh khi tham gia sân chơi thương mại quốc tế vừa góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế cho đất nước.

Trên đây là những nội dung về miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT được phân tích trên cơ sở pháp lý được quy định tại Công ước Viên 1980 về HĐMBHHQT và pháp luật hiện hành của Việt Nam, cũng như thực trạng một số tranh chấp thực tiễn phát sinh của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vấn đề này và đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện hơn pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật Việt Nam về miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT trên cơ sở so sánh với các quy định của Công ước Viên 1980 sẽ không những đảm bảo hơn nữa quyền lợi của các chủ thể trong hợp đồng mà còn thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế nước nhà cũng như hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.

Một phần của tài liệu Miễn trách nhiệm trong vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo qui định của CISG và Pháp luật Việt Nam (Trang 42 - 47)