hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Như vậy, vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT là một nội dung quan trọng trong HĐMBHHQT cũng như các văn bản pháp lý liên quan. Cả CISG và pháp luật Việt Nam đều đã có những quan tâm nhất định về vấn đề này khi đã đưa ra quy định tương đối rõ ràng về các căn cứ miễn trách nhiệm cũng như hậu quả pháp lý liên quan. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này cũng như tạo điều kiện tốt nhất để phòng tránh các trường hợp trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong hợp đồng.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT, các chủ thể vẫn cần cẩn trọng với các vấn đề nảy sinh. Trước tiên là các vến đề liên quan đến việc xác định các căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT.
Có thể lấy ví dụ tranh chấp do từ chối nhận hàng trong hợp đồng bán giấy gói kẹo giữa Nguyên đơn là người bán Singapore và Bị đơn là người mua Việt Nam [20, 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, 20/02/2013]. Diễn biến tranh chấp như sau:
Nguyên đơn và Bị đơn đã ký hợp đồng ngày 29 tháng 6 năm 1994, theo đó Nguyên đơn bán cho Bị đơn giấy gói kẹo có in nhãn và tên cụ thể theo điều kiện CIF Hải phòng: giao hàng từng đợt. Mở L/C và giao hàng đợt một: theo Annex 1. Mở L/C và giao hàng đợt hai và các đợt khác: Bị đơn sẽ thông báo cho Nguyên đơn bằng Telex hoặc Fax. Thời gian giao hàng là 20 ngày sau khi mở L/C.
Thực hiện hợp đồng, hai bên đã tiến hành giao hàng, trả tiền đợt một và đợt hai. Sau hai đợt giao hàng, ngày 11 tháng 2 năm 1995 Nguyên đơn fax cho Bị đơn là đã sản xuất xong lô hàng trị giá 77.705USD và yêu cầu Bị đơn mở L/C để giao hàng tiếp. Ngày 17 tháng 5 năm 1995, Bị đơn telex đồng ý nhận lô hàng đó làm hai lần: lần đầu vào giữa tháng 6 năm 1995 còn lần hai thì sau lần đầu. Nhưng ngày 19 tháng 6 năm 1995, Bị đơn lại điện cho Nguyên đơn từ chối nhận lô hàng nêu trên với lý do là kẹo không bán được trên thị trường Hà Nội, số lượng kẹo đã sản xuất của Bị đơn rất lớn, dây chuyền sản xuất kẹo ngừng hoạt động nên không thể nhập
khẩu giấy gói kẹo nữa và cho đây là một căn cứ để có thể miễn trách nhiệm cho mình. Vì vậy, lô hàng của Nguyên đơn vẫn nằm lại trong kho.
Do đó, ngày 31 tháng 12 năm 1996, Nguyên đơn khởi kiện đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại.
Sau khi xem xét tranh chấp, cơ quan trọng tài đã đưa ra phán quyết như sau: Việc Bị đơn từ chối nhận lô hàng đợt ba bằng telex ngày 19 tháng 6 năm 1995 là vi phạm thoả thuận mua bán đợt ba giữa hai bên. Lý do mà Bị đơn nêu ra để từ chối nhận hàng không được Uỷ ban trọng tài chấp nhận là căn cứ miễn trách nhiệm bởi vì kẹo không bán được trên thị trường Hà Nội, số lượng kẹo do Bị đơn sản xuất ra còn rất lớn, dây chuyền sản xuất kẹo ngừng hoạt động không phải là trường hợp được các bên thỏa thuận được miễn trách nhiệm trong hợp đồng, cũng không phải là trường hợp bất khả kháng và cũng không phải do lỗi của nguyên đơn gây nên. Vì vậy, đây không được coi là căn cứ hợp pháp để Bị đơn được miễn trách nhiệm do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng. Từ đó, Bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh cho Nguyên đơn.
Nhận xét: Từ tranh chấp trên cho thấy, căn cứ mà bên bị đơn đưa ra không phải là trường hợp miễn trác nhiệm do phạm HĐMBHHQT. Thứ nhất, trong hợp đồng được kí kết giữa hai bên, các bên không hề có thỏa thuận sự tồn tại của trường hợp này là căn cứ để các bên được miễn trách nhiệm. Đây cũng không phải là một trường hợp bất khả kháng bởi đây không phải là trường hợp các bên không thể dự đoán trước được. Trước khi đưa hàng ra thị trường, các bên đều phải có sự tính toán nhất định về nhu cầu, điều kiện thị trường nên họ cũng hoàn toàn phải tính đến các trường hợp rủi ro này. Việc bên mua không bán được hàng cũng hoàn toàn không phải do lỗi của bên bán. Do đó, đây không thể là lý do để bên bị được miễn trách nhiệm.
Bị đơn là người mua Việt Nam đã thua kiện do không chứng minh được căn cứ để miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong trường hợp của mình theo quy định của pháp luật mà căn cứ bên bị đưa ra chỉ được coi là cớ mà để bên bị đơn trốn tránh trách nhiệm. Chỉ khi nào việc vi phạm hợp đồng do chính những căn cứ miễn trách được qui định trong hợp đồng hoặc trong luật gây nên thì Bị đơn miễn trách nhiệm. Rõ ràng, việc không hiểu biết kĩ càng về các căn cứ để được miễn trách
nhiệm sẽ dẫn đến việc các chủ thể Việt Nam không thể đưa ra được căn cứ hợp pháp và phải chịu thiệt hại trong các tranh chấp liên quan.
Không chỉ chú ý đến các căn cứ miễn trách nhiệm, các nghĩa vụ đi kèm của các bên khi tồn tại các căn cứ này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt là khi trong các tranh chấp lên quan đến miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT, còn nhiều các vấn đề mà hiện nay pháp luật thương mại Việt Nam còn quy định chưa cụ thể khến cho việc bảo vệ quyền lợi của các bên cũng gặp không ít khó khăn.
Chúng ta có thể xem xét một ví dụ đó là trường hợp liên quan đến vấn đề thực hiện nghĩa vụ thông báo khi xảy ra trường hợp mễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT [18, trang 29].
Cụ thể, tháng 02 năm 2008, Công ty trách nhiệm hữu hạn TN (thành phố Hồ Chí Minh) kí kết hợp đồng với một công ty nước ngoài tên SY mua năm (05) tấn
phân u rê, giao hàng chậm nhất ngày 30 tháng 05 năm 2008. Sau đó, công ty TN đã mở thư tín dụng cho công ty SY, đồng thời kí hợp đồng bán lại toàn bộ lô hàng cho công ty M (Tiền Giang). Đến ngày 02 tháng 06 năm 2008, đã hết thời hạn giao hàng nhưng không thấy công ty SY giao hàng. Tại thời điểm này, giá phân u rê trên thị trường thế giới đã tăng cao hơn 30% đến 40% so với giá lúc kí hợp đồng. Tương tự, thị trường nội địa cũng đã lên cơn sốt giá phân bón. Khách mua ở Tiền Giang thúc giục công ty công ty TN giao hàng trong thời hạn bảy ngày nếu không họ sẽ khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng đến 8% giá trị lô hàng. Công ty TN cũng đã gửi thông báo yêu cầu thực hiện hợp đồng đến công ty SY nhưng phải tới một tuần sau đó, công ty SY mới gửi lại thông báo với nội dung do có bão tràn vào xứ họ làm cho nhà máy sản xuất u rê bị hư hỏng nặng nên không thể giao hàng được. Công ty SY đề nghị giao hàng chậm 06 tháng còn nếu công ty TN không đồng ý thì hủy hợp đồng. Công ty SY đã viện lý do gặp bất khả kháng nên họ không phải bồi thường thiệt hại cho công ty TN.
Nhận xét: trong trường hợp này, công ty SY đã sử dụng căn cứ về sự xuất hiện của một sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Nếu công ty SY có thể đưa ra những chứng cứ chứng minh phù hợp thì họ có thể sẽ được miễn trách nhiệm trong trường hợp này. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khi găp phải sự kiện bất khả kháng, bên bán là công ty SY đã không thực hiện ngay
nghĩa vụ thông báo cho bên mua biết mà chỉ đến khi hết thời hạn giao hàng và nhận được yêu cầu của bên mua, công ty SY mới đưa ra thông báo lý do không thực hiện hợp đồng. Điều này đã gây ra thêm nhiều thiệt hại cho công ty TN vì họ đã kí hợp đồng bán hàng cho một công ty thứ ba. Thiệt hại xảy ra không chỉ do việc không
giao hàng đúng hạn mà còn do việc thông báo của công ty SY chỉ đến sau khi thời hạn thực hiện hợp đồng đã hết. Vì vậy, công ty SY có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do hành vi không thông báo kịp thời của mình gây ra.
Tuy nhiên, một khó khăn cũng đặt ra cho công ty TN đó là công ty SY vẫn thực hiện nghĩa vụ thông báo, do đó, để có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc thông báo chậm trễ gây ra, công ty TN cần chứng minh được công ty SY đã không thông báo trong thời hạn hợp lý. Vấn đề cần quan tâm là pháp luật Việt Nam lại không hề đưa ra quy định cụ thể thế nào được xác định là khoảng thời gian hợp lý để thực hiện nghĩa vụ thông báo, do vậy, công ty SY có thể viện lý do này là cái “phao” để trốn tránh trách nhiệm cũng như gây khó khăn cho công ty TN trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Như vậy, khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến vấn đề này, các chủ thể cần hết sức quan tâm đến các quy định hiện hành của pháp luật, nắm rõ các trường hợp cũng như các nghĩa vụ kèm theo để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.