2010
3.1. Nhận xét, đánh giá quan hệ giữa Ấn Độ Pakistan
Thứ nhất, chưa có một công thức nào cho bài toán Kashmir từ hai phía.
Trong nhiều thập kỉ qua, Kashmir luôn là nguồn gốc của những căng thẳng, thậm chí là những xung đột quân sự giữa hai nước. Lập trường chính thức ban đầu của Niu Đêli là không có gì để thảo luận về vấn đề Kashmir. Đây là một bộ phận lãnh thổ không gì có thể chia cắt được của Ấn Độ, những bất đồng về vấn đề Kashmir có thể giải quyết trong khuôn khổ khả năng của Ấn Độ. Trong khi đó Pakistan vẫn khăng khăng cho rằng Ấn Độ tiếp tục chiếm vùng Kashmir một cách bất hợp pháp. Cả hai bên đều coi Kashmir là vấn đề quan trọng quốc gia, điều này đã gây ra tình trạng bế tắc trong hai thập kỉ qua, nếu không nói là còn lâu hơn nữa.
Mặc dù bước sang thế kỉ XXI, hai nước đã có những bước đột phá trong nỗ lực giải quyết vấn đề Kashmir. Hai bên tiến hành những cuộc gặp gỡ cấp cao nhất là dưới thời của Thủ tướng Vajpayee, Mohad Singh (Ấn Độ) và Tổng thống Musharraf (Pakiatan), đã thể hiện thái độ dũng cảm đáng kể khi đưa ra những sáng kiến đối thoại về Kashmir và các vấn đề song phương khác. Thế nhưng, thiếu vắng một chính sách cho Kashmir, tất cả đều đã thất bại.
Theo một số nhà phân tích, trong những cuộc tranh cãi của cả hai phía biên giới, có ba đề nghị để giải quyết vấn đề Kashmir, tuy nhiên không một bên nào trong số ba bên hài lòng với ba đề nghị đó:
Giải pháp thứ nhất sẽ là chuyển ranh giới ngừng bắn thành đường biên giới quốc tế, giải pháp này Pakistan phản đối như nhà báo Najam Sethi cho rằng “việc xác định nguyên trạng hiện nay không phải là một giải pháp”, mà sẽ là “một sự mất thể diện mà không một chính phủ Pakistan nào có thể chấp nhận”.
Giải pháp thứ hai, thực hiện các nghị quyết của Liên hợp Quốc: cả hai tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, giải pháp này là sự lựa chọn sáp nhập vào Pakistan hay Ấn Độ, giải pháp này Ấn Độ phản đối.
Giải pháp thứ ba là độc lập nhưng cả hai bên đều phản đối.
Như vậy, chỉ còn lại một sự lựa chọn đó là do các đối thủ theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Chỉ có con đường thương lượng dẫn tới đó là cần phải được xác định một cách cụ thể kết quả cuối cùng phải được tất cả ba bên có thể chấp nhận được. Trong khi đó con đường thương lượng sẽ được đánh dấu bằng những mốc cụ thể. Trước tiên là việc xác định thời gian để giành được mục tiêu. Trên con đường tiến tới mục tiêu này, các bên phải chấp nhận những quy tắc ứng xử đảm bảo cho mục tiêu không bị tổn hại. Để làm được điều đó trước hết phải có một sự từ bỏ bạo lực, tuy nhiên cũng cần phải có cả những biện pháp như trao đổi nhân sự, mở cửa các đường biên giới của đất nước cho một sự giao lưu kinh tế mạnh mẽ hơn, giảm lực lượng quân sự ở cả hai phía, một quyền tự trị rộng rãi ở toàn bộ Kashmir, sự đảm bảo cho việc giữ gìn và kiểm tra quá trình thực hiện các quyền con người. Nếu thực hiện được lộ trình như thế thì quan hệ hai nước dần dần được cải thiên và vấn đề Kashmir cũng dần dần được tháo gỡ.
Tuy nhiên, để giải quyết ổn thỏa vấn để Kashmir, hai bên phải vượt qua rất nhiều khó khăn phức tạp. Trước hết, phải phối hợp hành động chống các dân quân cực đoan thâm nhập qua Đường kiểm soát mà lâu nay Ấn Độ coi là điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đối thoại. Nhưng điều này không dễ dàng một chút nào khi mà bạo lực vẫn xảy ra ở dọc biên giới.
Con đường hòa giải còn nhiều gập ghềnh, đầy chông gai. Hai bên cần phải nhượng bộ nhau nhiều hơn. Phải tiến tới một công thức mà cả hai đều được lợi. Để có được giải pháp mà tất cả các bên chấp nhận, đòi hỏi thiện chí của cả hai bên và cũng phụ thuộc vào bối cảnh tình hình quốc tế và sức ép của các nước lớn thì ổn định và thịnh vượng sẽ sớm đến với Kashmir và cả khu vực Nam Á.
Thứ hai, Ấn Độ và Pakistan đều xúc tiến những cuộc đối thoại để xây dựng lòng tin.
Những triển vọng cải thiện quan hệ Ấn Độ -Pakistan đang bị lu mờ bởi thực tế “đối thoại” là từ vô nghĩa nhất trong thuật ngữ về tình hình chính trị Nam Á. Một đối thoại thật sự đòi hỏi phải có hai yếu tố: yếu tố lòng tin mà cả hai bên đều phải có thiện chí trong việc tìm kiếm giải pháp và khả năng cả hai bên có một cái gì đó để dành cho phía bên kia.
Về yếu tố thứ nhất, lập trường của Pakistan trong hơn một thập kỉ qua, thất bại của tiến trình Lahore và hội nghị thượng đỉnh Agra khiến Ấn Độ không thể có lòng tin đối với Pakistan. Về phần mình, Islamabát cảm thấy khó có thể tin rằng New Dehli sẽ cam chịu với những điều mà Pakistan đang áp dụng đối với Ấn Độ. Việc loại bỏ sự can thiệp của bên thứ ba và các cơ chế giám sát có hiệu quả hoạt động của phía bên kia có thể giúp vượt qua được tình trạng mất lòng tin. Song những điều này khó có thể diễn ra trong một thời gian ngắn. Rất khó có thể lấy được lòng tin cho dù các biện pháp xuống thang hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Bất cứ một xung đột nhỏ nhất nào cũng có thể hủy hoại nền hòa bình mong manh tại tiểu lục địa này.
Yếu tố thứ hai, cả hai bên đều đưa ra một số vấn đề xác thực, thậm chí khó có thể thực hiện. Cả hai bên sẽ được lợi nếu như chính sách ‘miệng hố chiến tranh” quân sự không gây tốn kém về mặt kinh tế; Tuy nhiên bước xuống thang căng thẳng quân sự thật sự sẽ đòi hỏi một biện pháp xây dựng lòng tin dường như khó có thể đạt được. Quan hệ thương mại, văn hóa và xã hội dân sự là những lĩnh vực Ấn Độ có thể dễ đề nghị nhất, song Pakistan thấy khó có thể chấp nhận những đề nghị này không cảm thấy bị đe dọa. Rõ ràng là bên nào cũng mong muốn có “ một cuộc đối thoại” nhằm tháo gở nhằm tháo gở tình trạng bế tắc hiện nay sẽ đòi hỏi một số giới hạn cơ bản về tình hình chính trị Nam Á.
Việc hàn gắn quan hệ song phương đã được chính phủ hai nước quan tâm nhưng đều vấp phải những trở lực từ mọi phía. Cốt lõi cho sự trắc trở này
đó là vấn đề khủng bố và chống khủng bố cũng như cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Kashmir. Bước sang thế kỉ XXI, quan hệ hai nước đã có những bước đi mới, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến giữa năm 2005 cả hai nước đã đưa ra nhiều biện pháp xây dựng lòng tin như: Thúc đẩy vận chuyển hàng hóa và người qua đường kiểm soát; Mở thêm nhiều tuyến xe buýt xuyên biên giới trên đường kiểm soát; Mở lại tòa lãnh sự ở Mumbai, Karachi vào cuối năm 2005; Mở tuyến đường sắt nối Khokrapar –Munabao (1/2006). Đây là những dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đang dần ấm lên. Tuy nhiên, những nổ lực này đã bị cản trở nguyên nhân xuất phát cũng chỉ là đã có hàng loạt vụ đánh bom vào Ấn Độ nhất là cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai (cuối 11/2008) mà theo Ấn Độ, Pakistan không thẳng tay trừng trị những phần tử khủng bố và cho rằng Pakistan vẫn đang chứa chấp các phần tử này.
Trong khi sự thiếu tin tưởng và bất đồng giữa New Dehli và Islamabad ngày một tăng. Các nhà lãnh đạo hai nước vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân ở Nam Á này, hai nước cũng đang nỗ lực thu hẹp những bất đồng còn tồn tại trong quá khứ để hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai. Điều đó có nghĩa là New Dehli và Islamabad đang xây dựng lòng tin trước khi đạt được các thỏa thuận mang tính đột phá. Cho nên, khi Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna tuyên bố “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng chỉ là sự khởi đầu để hai nước xây dựng lòng tin. Nhưng để “lòng tin” đạt tới độ chín muồi thì đó vẫn là công việc đang ở phía trước mà các nhà lãnh đạo New Delhi và Islamabad phải nỗ lực một cách chân thành mới hy vọng có kết quả.