Rối loạn của máu trong trường hợp bệnh lý

Một phần của tài liệu Đề tài: Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của dịch tiêu chảy cấp trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhoea – PED) tại tỉnh Thanh Hóa và giải pháp phòng trị (Trang 28 - 29)

2.7.2.1. Sự thay đổi về khối lượng của máu

Trong trường hợp bệnh lý thì khối lượng của máu có thể tăng hoặc giảm. ♦ Khối lượng máu tăng: Khối lượng máu có thể tăng toàn bộ trong trường hợp thiếu máu hoặc lao động nặng, máu từ các cơ quan dự trữ đổ vào vòng tuần hoàn. Những trường hợp này đơn giản, sau một thời gian ngắn cơ thể sẽ điều chỉnh trở lại bình thường.

Tăng khối lượng máu do tăng hồng cầu thường gặp ở động vật mắc bệnh tim, phổi, động vật ở vùng núi cao… Cơ thể ở trạng thái bệnh lý này thiếu oxy cho tổ chức, kích thích các cơ quan tạo máu sản xuật hồng cầu và đưa vào vùng tuần hoàn. Số lượng hồng cầu tăng có thể gấp hai lần bình thường. Trong thực nghiệm, có thể làm hồng cầu tăng 100-150% và thấy có biểu hiện giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch làm cho máu cô đặc khó lưu thông, cản trở sự hoạt động của tim. Tăng khối lượng máu do tăng huyết tương thường xảy ra ở gia súc mắc bệnh thận, thiếu máu, mất máu, gầy đói lâu ngày,… bệnh biểu hiện triệu chứng máu loãng, thành phần hữu hình ít, không tăng khối lượng chung của máu.

♦ Khối lượng máu giảm: Máu có thể giảm toàn bộ khối lượng trong trường hợp mất máu (xuất huyết). Nếu mất một lượng máu ít thì do cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, nước sẽ hút được vào lòng mạch để hồi phục tương đối (nghĩa là giữ áp lực vừa đủ để phục hồi tuần hoàn). Trong trường hợp mất một lượng máu lớn từ 60-70%, con vật không phục hồi được và chết.

Giảm khối lượng máu chủ yếu do giảm số lượng hồng cầu. Trường hợp này hay gặp trong trường hợp thiếu máu mãn tính (bần huyết) hoặc trong các trạng thái bệnh lý do vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra.

Giảm khối lượng máu do giảm khối lượng huyết tương. Trường hợp này hay gặp trong các trường hợp bệnh lý như mất nước do ỉa chảy, nôn mửa, bỏng nặng, ngộ độc (asen, thủy ngân),… Khi giãn mạch đột ngột kích thích gây co thắt ở nơi khác làm tổn thương thành mạch, tăng tính thấm thành mạch, nước thoát ra ngoài lòng mạch (Tạ Thị Vịnh, 1991).

* Rối loạn số lượng hồng cầu

Chứng tăng hồng cầu: hiện tượng hồng cầu tăng lên trong một đơn vị khối lượng máu và có thể do thiếu oxy ở tổ chức (khi thiếu oxy, tủy xương bị kích thích mạnh gây tăng sinh hồng cầu, thường gặp nhiều ở bệnh tim mạch, ở phổi và các trường hợp ngộ độc) hoặc do thần kinh bị kích thích vào trung não.

Chứng giảm hồng cầu: Thường là do thiếu máu dẫn đến giảm hồng cầu. * Rối loạn tạo bạch cầu

Rối loạn về số lượng bạch cầu

- Tăng bạch cầu: Tức là số lượng bạch cầu tăng lên trong một đơn vị thể tích máu. Hiện tượng này có giá trị lớn trong chẩn đoán. Tăng bạch cầu trung tính thường gặp trong điều kiện sinh lý (sau bữa ăn, sau lao động, khi có thai, khi có sự thay đổi khí hậu,…), trong điều kiện bệnh lý (thiếu oxy, nhiễm khuẩn, sau chảy máu, khối u ác tính,…). Ngoài ra số lượng bạch cầu còn còn tăng khi tiêm vaccine, tiêm protein, tiêm hormon vỏ thượng thận,… Tăng bạch cầu toan tính gặp trong các trường hợp dị ứng, nhiễm ký sinh trùng, tăng sinh tủy xương, sau khi nhiễm xạ,… Tăng bạch cầu kiềm tính: Chủ yếu gặp trong trường hợp bệnh bạch cầu ác tính.

- Giảm bạch cầu: Là hiện tượng số lượng bạch cầu trong một đơn vị thể tích giảm xuống dưới mức bình thường. Hiện tượng giảm bạch cầu có theerlaf giảm toàn bộ hay giảm riêng từng phần, thường do bị ngộ độc, bạch cầu kết dính hàng loạt. Trong bệnh viêm phổi, ngộ độc, phóng xạ,… đều thấy bạch cầu giảm.

Bạch cầu trung tính giảm chủ yếu do tủy xương bị ức chế vì độc tố và vi khuẩn. Khi thiếu hẳn bạch cầu đa nhân trung tính sẽ gây hiện tượng loét và hoại tử da, niêm mạc do sự xâm nhập của vi khuẩn mà cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ.

Giảm bạch cầu toan tính trong những trường hợp stress, nhiễm trùng hoặc giảm chung với bạch cầu có hạt.

Giảm bạch cầu kiềm tính gặp trong bệnh cường tuyến giáp, sử dụng heparin kéo dài (Tạ Thị Vịnh, 1991)[11].

Một phần của tài liệu Đề tài: Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của dịch tiêu chảy cấp trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhoea – PED) tại tỉnh Thanh Hóa và giải pháp phòng trị (Trang 28 - 29)