II. Thực trạng tăng trưởng kinh tế quận Đống Đa
3. Những khó khăn chung và nguyên nhân tồn tại 1 Những khó khăn chung
3.1. Những khó khăn chung
Bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình phát triển kinh tế xã hội của Quận Đống Đa còn gặp phải rất nhiều khó khăn như: Tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nhất là các doanh nghiệp, hộ cá thể có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu.
- Một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt. Quản lý quận còn nhiều tồn tại. Hệ thống hạ tầng tuy được cải thiện, song chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường còn chưa được khắc phục. Vi phạm TTXD vẫn diễn ra phức tạp, hiệu quả xử lý chưa cao, thiếu kiên quyết ngay từ khi phát sinh dẫn đến vụ việc kéo dài, khó khăn trong giải quyết.
- Về thu chi ngân sách: Một số đơn vị SN có thu không đạt kế hoạch thu đề ra, công tác lập dự toán chi không sát, không đảm bảo thời gian, tổ chức thực hiện nguồn vốn cho một số công trình còn nhiều bất cập. Trong khảo sát, chuẩn bị đầu tư, lập dự án và tổ chức thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ. Công tác thanh quyết toán công trình chậm, kéo dài.
- Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều nỗ lực, cố gắng để giải quyết dứt điểm một số dự án còn tồn đọng. Nhưng công tác này vẫn còn chậm, đội ngũ cán bộ công tác chưa tương xứng và đảm đương được khối lượng công việc.
- Trong tiến trành công nghiệp hoá- hiện đại hoá của đất nước như hiện nay, với phương châm chiến dịch chuyển dịch kinh tế của các địa phương diễn ra rất mạnh mẽ, tuy nhiên tại địa bàn cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn rất chậm.
- Tiềm năng phát triển của các bộ phận trong dân cư là rất dồi dào, tuy nhiên quận chưa phát huy hết được. Để thu hút và sử dụng được những nguồn lực đó, cần phải có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong địa bàn quận nhằm tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp TW, Thành phố trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh.
- Khoảng cách giàu nghèo giữa một bộ phận dân cư có chiều hướng gia tăng nhanh.
- Để có thể phát triển nhanh và bền vững cần phải có cơ sở vững chắc, tuy nhiên quận còn thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng, không đồng bộ.
3.2 Nguyên nhân tồn tại
- Quá trình đô thị hoá diễn ra quá nhanh làm cho nhiều chủ trương chính sách không còn phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế đất nước. Từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp rất khó dự báo trước để có biện pháp phòng ngừa cụ thể.
- Kết quả và hoạt động đầu tư chưa cao, phải tính đến nguyên nhân là do tính thiếu đồng bộ về sự phối hợp giữa các tổ chức, ban ngành. Nguồn lực tuy dồi dào song lại không sử dụng hết khả năng, nguyên do vì chưa được tập trung, còn quá dàn trải, phân tán, chưa phát huy hết tiềm lực vào mục tiêu chung. Mặt khác, với nguồn vốn phân cấp của nhà nước, quận mới chỉ hoạt động công tác đầu tư trong phạm vi hạn hẹp, với lượng vốn như thế chắc chắn địa phương không thể mở rộng cũng như thu hút được thêm các loại nguồn đầu tư vốn khác còn đang rất tiềm tàng trong nhân dân vào các kế hoạch đầu tư bao quát của đô thị.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển còn ngắn hạn, thiếu tầm nhìn tổng quan định hướng rõ ràng trong các giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy mà công tác đầu tư còn manh mún, hạn hẹp không chiến lược.
- Hiệu quả hoạt động phát triển kinh tế - xã hội còn chưa cao, còn cần phải kể đến nguyên nhân ở đây là do sự thiếu quy hoạch định hướng tổng thể phát triển các ngành, các lĩnh vực. Từng ngành, từng lĩnh vực còn thiếu chủ động kết hợp, thống nhất với nhau trong mục tiêu phát triển chung của quận, còn thiếu chủ động. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng như hiện nay là sự phát triển không đồng bộ, nhiều khi còn tự phát, không hợp lý do chồng chéo quá nhiều, khó phân biệt, khó bao quát.
- Nền kinh tế của quận chưa phát triển mạnh mẽ là do còn ảnh hưởng bị động quá nhiều vào sự trợ giúp của Nhà nước, các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh chưa phát huy hết công suất, tiềm lực rất lớn, dồi dào song không thể hiện, không có điều kiện để phát huy. Dẫn đến hiện tượng, quy mô và năng lực sản xuất của các đơn vị kinh tế còn thấp. Trong thời đại kinh tế phát triển như vũ bão hiện nay, để có thể sánh với các địa phương khác trong cả nước cũng như trên thế giới, các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ trong nền kinh tế quận cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể hoà nhập và phát triển, tránh tụt hậu quá xa hay thiếu tính cạnh tranh.
- Sự đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra khá phổ biến ở các cấp, nhất là từ cấp phường lên cấp quận hay cấp quận xuống cấp phường. Mặc dù đã có
quy định phân cấp trong quản lý đô thị của Nhà nước song do trình độ của đội ngũ cán bộ còn yếu kém, thiếu chủ động nên không thể không tránh khỏi tình trạng này. Việc thực hiện công tác chỉ đạo cũng như kết hợp hoạt động giữa các cấp còn khá lúng túng do thiếu chuyên môn hay do thiếu tinh thần trách nhiệm. Điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạt động cũng như hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của cả quận.
- Một phần dẫn đến hiện trạng thiếu sự ủng hộ nhất trí cao trong nhân dân và các cấp lãnh đạo là do công tác tổ chức thực hiện trên một số lĩnh vực không kiên quyết, xử lý các vụ việc phát sinh chưa triệt để, thiếu dứt điểm, hiệu quả thấp; phương pháp tổ chức thực hiện thiếu tính thuyết phục, đôi khi còn yếu về chuyên môn, nôn nóng. Chính vì vậy, hiệu quả hoạt động giải quyết chưa vừa ý nhân dân cũng như các cấp lãnh đạo.
- Lực lượng công nhân viên chức trong địa bàn quận chưa đồng đều, trình độ các cấp quản lý, lãnh đạo thì còn hạn chế nhất định, thông tin cũng như khả năng nắm bắt pháp luật chưa đầy đủ, bản lĩnh kinh doanh trong nền kinh tế chưa cao. Đó chính là nguyên nhân về con người khiến cho sự phát triển kinh tế, xã hội của cả quận còn yếu kém ,thiếu tính cạnh tranh.
- Năng suất lao động còn thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không lớn là do thiếu chất lượng của đội ngũ lao động của địa phương. Mặc dù số lượng đông nhưng thực sự còn yếu về khả năng cũng như tay nghề, kinh nghiệm nắm bắt và ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ vào sản xuất chưa hiệu quả. Điều này giải thích vì sao nền sản xuất kinh doanh nói chung của địa bàn quận khó phát triển.