II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế nói chung và doanh
doanh nghiệp nói riêng
Mười lăm năm đổi mới, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý…của người lao động đã được nâng lên một bước, song vẫn còn rất hạn chế, chưa ngang tầm với đòi hỏi của phát triển nền kinh tế thị trường theo xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế. Theo Bộ Tài chính thì đội ngũ giám đốc của các DNNN (năm 2000) có tới 67% không biết đọc bản báo cáo tài chính hàng năm của
doanh nghiệp, vậy làm sao để họ có thể quản lý và sử dụng đồng vốn có hiệu quả được; hơn nữa đa số lại được đào tạo từ thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp nên không ít giám đốc vẫn còn tư tưởng dựa dẫm vào “bầu sữa” Nhà nước. Vậy, cần phải tiến hành quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc DNNN, cần xác định rằng giám đốc doanh nghiệp không chỉ là một chức, mà còn là một nghề phải có trình độ chuyên môn sâu và năng lực tổ chức tốt. Nhiều giám đốc doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trình độ văn hoá còn chưa hết phổ thông, đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến đa số các vụ án kinh tế lớn vừa qua đều rơi vào các giám đốc có trình độ thấp này. Cần có tiêu thức để công nhận giám đốc các doanh nghiệp dân doanh.
Cùng với việc đổi mới hệ thống giáo dục-đào tạo và với chính sách hỗ trợ tích cực cho đào tạo nguồn nhân lực của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao dộng, làm cho việc học tập, nhất là tự học là suốt đời của mỗi người để có tri thức thực sự mà trước hết phải làm chủ được công việc thuộc lĩnh vực công tác được giao.
Các Mác đã chỉ ra rằng con người là nhân tố động nhất, cách mạng nhất trong lực lượng sản xuất và suy cho cùng mọi thành công hay thất bại đều do con người tạo ra. Hiện nay, các nhà kinh tế hàng đầu thế giới cũng đánh giá rất cao nhân tố con người, trên cơ sở nghiên cứu về mọi loại hình doanh nghiệp ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, giáo sư Cô-pen-man, giảng dạy ở Trường quản lý kinh doanh New York, đã kết luận sự thành công của mọi loại hình doanh nghiệp dưa trên ba yếu tố chính là: 1/Sự thoả mãn của người lao động trong doanh nghiệp về vật chất, tinh thần như tiền lương và nhu cầu phát triển nghề nghiệp; 2/Sự thoả mãn của khách hàng khi mua hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp; 3/Hiệu quả sử dụng vốn và các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Mô hình quản lý này được đánh giá rất cao ở các nước kinh tế phát triển, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng vào quản lý và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo họ, khi doanh nghiệp đối xử với người lao động như thế nào thì người lao động sẽ
đối xử với khách hàng như vậy. Do đó, công tác quản trị, nhân sự của doanh nghiệp có tốt thì mới thu hút được nhân tài, người lao động mới trung thành và tận tâm, tận lực với doanh nghiệp mình. Nó là động lực bên trong, sức mạnh nội lực thúc đẩy nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Có chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý nhà nước và người lao động. Các địa phương cần có chính sách trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực kinh doanh của chủ doanh nghiệp và người lao động. Đối với chủ doanh nghiệp, cần quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, phát huy tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước cộng đồng xã hội, có đạo đức kinh doanh, tôn trọng chữ tín, tự giác chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo đời sống và điều kiện làm việc cho người lao động tại doanh nghiệp.